Sớm khởi công 38 dự án giao thông vận tải
Năm nay, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lên đến hơn 50.000 tỷ đồng.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi giao ban tháng 1 năm 2022. Báo cáo tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Trí Đức cho biết, năm 2022, Bộ GTVT dự kiến khởi công 38 dự án, hoàn thành 30 dự án.
Trong tháng 1/2022, Bộ GTVT khởi công 1 dự án, đó là tuyến nối Quốc lộ 91 và tránh thành phố Long Xuyên. Đồng thời, khánh thành 3 dự án, gồm dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án thành phần đoạn Cao Bồ-Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT tải xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án, Quy chế phối hợp, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước triển khai thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, ban hành Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần cho các Ban Quản lý dự án.
Theo đánh giá của Tổng cục, các Cục, về cơ bản các bến xe, nhà ga, cảng, bến thủy nội địa trong cả nước đều sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, với mục tiêu không để hành khách nào phải lưu lại bến vì không có phương tiện.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các cơ quan của Bộ triển khai mạnh mẽ, nghiêm túc công tác vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập Ban chỉ đạo vận tải trong dịp Tết của đơn vị. Lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết.
Đồng thời, công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan.
Các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.
Về công tác giải ngân xây dựng cơ bản, Thứ trưởng yêu cầu các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải dồn lực, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Về việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, Thứ trưởng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phối hợp với Vụ Pháp chế hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phải tập trung xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, cơ chế chính sách đột phá để triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lên đến hơn 50.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 113.500 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2 năm tới cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.