Thiếu xăng, doanh nghiệp vận tải hoang mang vì áp lực liên hoàn
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm khoảng 35% thị phần xăng dầu trong nước đối diện nguy cơ dừng hoạt động; khiến các doanh nghiệp vận tải đã khó vì dịch bệnh lại càng thêm hoang mang.
Thương nhân miền Bắc cấp tập tìm nguồn cung
Năm nay nhập khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu một tháng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn qua công ty bao tiêu sản phẩm thuộc PVN.
Nếu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải tạm dừng hoạt động, thì nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp, thương nhân ở toàn miền Bắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo Petrolimex
Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa có văn bản gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - thông báo về việc ngừng hoạt động sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang giảm công suất từ 105% xuống 80% do thiếu tài chính nhập nguyên liệu dầu thô và thậm chí có thể phải dừng hoạt động từ giữa tháng 2 nếu không được tháo gỡ khó khăn về tài chính.
Theo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Dầu khí (PVN) chưa phê duyệt gia hạn thoả thuận (RPA) và thanh toán sớm hợp đồng FPOA. Nhà máy buộc phải huỷ 2 chuyến tàu nhập dầu thô về sản xuất trong tháng 1 và đối diện nguy cơ dừng hoạt động từ ngày 10/2/2022.
Tuy nhiên, trong thông tin phát đi chiều 26/1, PVN khẳng định, việc nhà máy tự ý huỷ nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Ban điều hành nhà máy, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và thanh toán sớm hợp đồng FPOA. Việc này cũng được quy định trong điều lệ của công ty này.
Các vấn đề về phê duyệt gia hạn RPA và thanh toán sớm là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và đang trong quá trình đàm phán.
Điều này dẫn đến việc Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn không có khả năng tiếp tục cung ứng nguồn hàng xăng dầu ra thị trường, kể từ tuần đầu tháng 2/2022 cho đến khi có thông báo mới về khả năng hoạt động trở lại của nhà máy.
Còn đối với khối lượng giao nhận tháng 1/2022, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin giảm công suất vận hành, đơn vị này đã làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để thu xếp và giao tối đa lượng hàng có thể từ Nhà máy cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, phù hợp với khả năng sản xuất, tồn kho và lịch giao nhận tối ưu đã được các bên trao đổi, cập nhật trong tháng 1/2022.
Lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex cho biết, trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ cố gắng đảm bảo nhu cầu của người dân, khách hàng với các phương án mua trong nước hay nhập khẩu theo tỷ lệ thị trường nắm giữ. Bất kỳ phương án nào cũng tính toán dựa trên lượng hàng tối thiểu đã đăng ký.
Đến nay, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mong muốn Bộ có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích thương nhân đầu mối khi phải nhập khẩu bổ sung cả nguồn xăng dầu không có thuế suất ưu đãi để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong nước.
Vấn đề nhập khẩu phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Nhưng nếu doanh nghiệp nhập khẩu từ bên ngoài thì phải mất tiền tàu, xếp dỡ, bốc hàng... chi phí đội lên rất cao, không được thuận lợi như khi mua từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Bên cạnh đó, việc đặt hàng gấp rút, bán giao ngay thì giá sẽ cao hơn rất nhiều.
Giá xăng dầu tăng, lo "đội giá" toàn ngành vận tải
Nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang gây áp lực liên hoàn đối với doanh nghiệp vận tải, logistics. Trước đó, nhiều doanh nghiệp vận tải đã phải gửi thông báo đến đối tác tăng chi phí vận chuyển lên 5-10% để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào đều đồng ý với mức giá mới đó.
Với doanh nghiệp vận tải hiện nay, ngoài giá xăng dầu còn các loại chi phí khác bủa vây nên việc để có lợi nhuận trong thời điểm này là không dễ dàng.
Theo quan sát của Banduong, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động mấy tháng do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, khi vừa mới hoạt động trở lại thì giá xăng dầu tăng khiến cho doanh nghiệp làm ăn khó khăn tiếp tục gặp khó khăn hơn.
Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, tỷ lệ này tăng lên khoảng 50% với giá thành vận tải.
Tăng giá cước vận chuyển muốn tăng không phải là điều dễ dàng khi các hợp đồng đã ký.
Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giá xăng tăng cao tác động tới giá cước và các chi phí hoạt động của ngành vận tải, không chỉ có vận tải đường bộ mà hàng không, đường thuỷ, đường biển đều bị ảnh hưởng. Giá cước vận chuyển tăng cao cũng sẽ tác động tới mặt bằng giá, dẫn tới nguy cơ lạm phát.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, ông Bùi Văn Quản chia sẻ, cách duy nhất để họ giảm bớt khó khăn là Nhà nước cần miễn hoặc giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải. Điển hình là phí bảo trì đường bộ và BOT, đồng thời xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thông qua mỗi lít xăng dầu. Mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng một lít xăng dầu.
Hiện nay, để có được khách hàng đã là điều rất khó, nhưng với giá cước tăng theo giá xăng dầu thì sẽ khiến doanh nghiệp có khả năng mất khách hàng. Nhưng nếu không thể tăng giá cước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng lỗ chi phí, không có tiền trả nợ ngân hàng.