Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Lễ thông xe cầu Kinh Dương Vương
Sau thời gian dài thi công, cầu vòm thép cao nhất Việt Nam và có thiết kế riêng biệt, rất độc đáo, cầu có kiến trúc với 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S đã hoàn thành.
Sáng 11/10, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ thông xe cầu Kinh Dương Vương (nối thị xã Thuận Thành và huyện Tiên Du), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và cắt băng khánh thành.
Đây là cây cầu có ý nghĩa quan trọng, hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh, kết nối vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh: Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của tỉnh, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai.
Cầu Kinh Dương Vương có chiều dài 1.232m, tổng mức đầu tư 1.926 tỷ đồng. Toàn cầu có 25 nhịp, trong đó phần cầu chính gồm 5 nhịp chính sử dụng vòm thép kết hợp với cáp treo dầm bê tông cốt thép dự ứng lực. Chiều cao từ mặt cầu đến đỉnh vòm cao nhất 67m. Hệ thống dây cáp treo kết hợp chịu lực cùng với hệ dầm bê tông cốt thép; đây là một trong công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu cùng với các khu di tích lịch sử của Bắc Ninh.
Trong quá trình thi công, điều kiện thi công gặp nhiều khó khăn, kết cấu phức tạp, lần đầu tiên công nghệ thi công cầu được triển khai áp dụng tại Việt Nam, chủ đầu tư, các nhà thầu đã phải đề xuất điều chỉnh thiết kế để phù hợp với thiết bị trong nước hiện có. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Bắc Ninh và sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đến nay, công trình đã hoàn thành cơ bản đảm bảo an toàn, chất lượng, mỹ quan đô thị và đủ điều kiện để thông xe.
Cầu Kinh Dương Vương hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Hồ thường xuyên ùn tắc; kết nối các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 17, đường tỉnh 287, Quốc lộ 38, Quốc lộ 18, góp phần quan trọng nhằm hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng thủ đô; tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh và khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung.
Đồng thời, cây cầu kết nối các khu di tích lịch sử như Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu (cùng ở thị xã Thuận Thành) và chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), Đền Đô (thành phố Từ Sơn)... và nhiều di tích khác đã được nhà nước xếp hạng, tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Ninh phát triển du lịch và dịch vụ.
Để phát huy tối đa hiệu quả của công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức bàn giao công trình đưa vào quản lý, khai thác, phục vụ nhân dân; có phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với người và các phương tiên lưu thông trên cầu. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước tiếp nhận, giao đơn vị quản lý, khai thác công trình đảm bảo phát huy hiệu quả, thiết thực; thực hiện công tác duy tu, bảo trì bảo dưỡng đảm bảo công trình luôn trong trạng thái tốt đảm bảo điều kiện khai thác, sử dụng và trở thành một điểm nhấn, một biểu tượng mới, một điểm đến của tỉnh Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân và nhân dân tỉnh Bắc Ninh cùng chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị, khai thác, sử dụng các tiện ích, dịch vụ tại công trình theo đúng quy định; chung tay bảo vệ các hạng mục công trình, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy giá trị sử dụng bền vững của công trình, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh thực sự trở thành đô thị đáng sống trong ý nghĩ và cảm nhận của nhân dân, bạn bè các địa phương trong nước và quốc tế.
Được khởi công từ đầu năm 2018, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, cầu Kinh Dương Vương có quy mô thiết kế hiện đại, đồng bộ cả về cấu trúc và giá trị văn hoá. Chiều dài tuyến 1.518,03m, trong đó cầu dài 1.215m; đoạn sau phía Tiên Du dài 222,45m; phía Thuận Thành dài 80,58m. Điểm đầu tại Km14+313.25, thuộc địa phận xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du); điểm cuối tại Km15+831.28, thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành (thị xã Thuận Thành). Cầu được thiết kế quy mô vĩnh cửu, mặt cắt ngang cầu rộng 22,5m; 25 nhịp, thiết kế bê tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu. Đây là cầu vòm thép cao nhất Việt Nam, có thiết kế độc đáo, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh phương án thi công, thiết kế kỹ thuật một số hạng mục công trình, đến nay đã chính thức hoàn thành.
Một số hình ảnh phóng viên Banduong.vn ghi nhận được tại hiện trường