"Nóng" giá vé máy bay
Có nhiều lý do khiến giá vé tăng cao, không phải tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của các hãng hàng không.
Mùa hè này, những người ưa dịch chuyển đổ xô mua vé máy bay để du lịch. Một phần vì điều này mà trên các trang bán online, giá vé máy bay đi tới các địa điểm du lịch đang giữ ở mức cao kỷ lục.
Nhu cầu du lịch đang là xu hướng toàn cầu không chi riêng Việt Nam, ngay cả khi vẫn còn nhiều quốc gia vẫn áp dụng các quy định chống dịch nghiêm ngặt. Giá vé khứ hồi Hong Kong - London của hãng Cathay Pacific Airways Ltd bay vào cuối tháng 6 đã ở mức 42.501 HKD (tương đương 5.360 USD), tăng gấp 5 lần so với trước đại dịch. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Mastercard cho thấy, giá vé bay từ Singapore trung bình cao hơn 27% so với hồi tháng 4/2019, còn giá vé bay từ Australia tăng hơn 20%.
Nhiều lý do khiến giá vé tăng cao, không phải tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của các hãng hàng không. Một trong số đó là hiện các hãng bay thận trọng hơn trong việc đưa những chiếc máy bay đang nằm không trở lại, nhất là các máy bay khổng lồ như A380 của Airbus SE và 747-8 của Boeing Co. Nhiều hãng chuyển sang sử dụng những dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn như A350 và 787 Dreamliners.
Theo ông Subhas Menon, Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, những chính sách đối phó với dịch bệnh liên tục thay đổi trên khắp thế giới trong 2 năm qua. Do đó, sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng lại đội bay do nhiều hạn chế chỉ mới được nới lỏng vào tháng 5.
Bà Hayley Berg của trang du lịch Hopper cho biết: "Việc xây dựng lại đội ngũ đó cần có thời gian. Cần có quy hoạch mạng lưới; chúng ta sẽ cho hoạt động những chuyến bay nào từ sân bay nào với phi hành đoàn trên máy bay nào?".
Các hãng bay cũng thu hẹp mạng lưới trong suốt thời kỳ dịch COVID-19 xảy ra trên toàn thế giới. Đơn cử như Cathay, bị ràng buộc bởi những yêu cầu cách ly và giãn cách gắt gao tại Hong Kong. Điều đó khiến mọi người cân nhắc những chuyến bay dài với một hoặc nhiều điểm dừng, trong khi trước kia họ có thể bay thẳng. British Airways thậm chí không bay đến Hồng Kông vào lúc này.
Với ít máy bay được sử dụng hơn, đồng nghĩa với ít chỗ ngồi cho hành khách, các hãng bay không thể đủ nhu cầu đang phục hồi, điều này đẩy giá lên cao. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ukraine làm giá nhiên liệu tăng cao. Nhiên liệu máy bay hiện chiếm tới 38% chi phí của một hãng hàng không, tăng từ mức 27% trước năm 2019. Đối với một số hãng bay giá rẻ, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.
Tại Việt Nam, giá nhiên liệu đã tăng hơn 80% trong năm nay. Để trang trải phí nhiên liệu tăng cao, các hãng hàng không chỉ còn cách để hành khách cùng gánh thông qua việc tăng giá vé máy bay. Theo tính toán, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng và nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến của một hãng bay lớn trong năm 2022.
Trước tác động của đại dịch, nhiều hãng đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn, giảm bớt các địa điểm chi nhánh hoặc các bộ phận khác dẫn đến sự chuyển dịch về nguồn lao động. Nhưng khi thị trường hàng không phục hồi mạnh mẽ trở lại, nếu các hãng bay không nhanh chóng gia tăng tuyển dụng nguồn nhân sự; đặc biệt các nguồn nhân sự đặc thù như phi công, tiếp viên, thợ máy, nguy cơ thiếu hụt lao động ngành là không thể tránh khỏi.
Được biết, đoàn tiếp viên Vietnam Airlines vừa thông báo tuyển dụng số lượng lớn tiếp viên ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng ngay trong tháng 6/2022, số lượng tuyển mới tới 450 người. Tương tự, hãng Vietjet đã nhanh chóng tuyển dụng hàng trăm tiếp viên, sẵn sàng đào tạo trong quá trình 1,5 - 2 tháng rồi mới thực hiện công việc. Tuy nhiên, số lượng tiếp viên thi tuyển vào đông nhưng số lượng đáp ứng đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình huấn luyện vẫn còn ít.
Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng tuyển dụng số lượng lên đến hàng trăm người, trong đó có nhân viên an ninh soi chiếu 22 người, an ninh kiểm soát trật tự 10 người. Hay, Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) ráo riết tuyển dụng 3 - 4 đợt trong thời gian qua.
Hiện giá vé máy bay đến các điểm du lịch nội địa nổi tiếng từ khoảng giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 tiếp tục ghi nhận giá vé cao lập đỉnh và vẫn đang nhích tăng từng ngày. Theo khảo sát, riêng với chặng đi Phú Quốc, các chuyến bay của cả ba hãng Vietnam Airlines; Vietjet Air và Bamboo Airways các ngày trong tháng 6 đều đã hết chỗ trên hệ thống.
Nếu đi vào giữa tháng 7, chặng bay từ Hà Nội và TP.HCM đến Phú Quốc của Vietjet Air ghi nhận giá vé rẻ nhất ở mức 5 triệu đồng và đắt nhất ở mức 8 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí, cao gấp gần 4 lần giai đoạn thấp điểm. Tương tự với hành trình này, Bamboo Airways có giá vé rẻ nhất khoảng 5 triệu đồng và Vietnam Airlines với giá vé rẻ nhất khoảng 7 triệu đồng.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, các hãng hàng không đều đã lên kế hoạch tăng tần suất khai thác trên các đường bay nội địa và quốc tế giai đoạn cao điểm hèCác hãng hàng không ghi nhận lượng khách bay quốc tế đang tăng nhanh chóng. Nhiều đường bay quốc tế giữa Việt Nam đến Hàn Quốc, Nhật Bản đang được khôi phục, tăng tần suất.