Nhiều khu vực ở Hà Giang ngập chìm trong mưa lũ
Đêm qua, sáng sớm nay, Hà Giang mưa rất lớn, khiến lũ trên sông Lô dâng cao lên mức báo động khẩn cấp, vượt báo động 3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng, chống thiên tai ra thông báo khẩn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong đêm qua và sáng sớm 10/6, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông. Hà Giang là nơi mưa lớn nhất cả nước. Nhiều điểm mưa từ 100-200 mm. Vị Xuyên, Hà Giang mưa 226 mm.
Do mưa lớn trên sông Lô xuất hiện lũ khẩn cấp, dự kiến 6-7h sáng nay lũ đạt đỉnh, vượt báo động 3 khoảng 150cm, sau đó duy trì mức cao trên báo động 3.
Cảnh báo các khu vực ven sông Lô tại thành phố Hà Giang, và huyện Vị Xuyên có nơi bị ngập lụt. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nơi có địa hình sườn đất dốc, ta luy trên các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng và ngập úng vùng trũng, ven sông suối.
Do mưa lớn và lũ lên, tại thành phố Hà Giang sáng sớm nay nhiều khu vực cũng xảy ra ngập úng.
Mưa lớn khiến mực nước trên sông Lô (Hà Giang) dự báo lên trên báo động 3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng, chống thiên tai ra thông báo khẩn.
Vào hồi 04h30 ngày 10/6/2024, mực nước trên sông Lô tại trạm thủy văn Hà Giang ở mức +103,05m (trên mức BĐ3 0,05m) và dự báo tiếp tục lên trên BĐ3 từ 1,0-1,5m; nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông Lô tại thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Giang:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ. Thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh. Chủ động có biện pháp, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.
Nhanh chóng thông báo cho các chủ lồng bè; chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, phương tiện, thiết bị và công trình.
Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Chỉ đạo chủ hồ thường trực, vận hành hồ đập theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn theo cấp báo động; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường thông tin về diễn biến của lũ đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh; cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình địa phương, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó lũ, ngập lụt để giảm thiểu thiệt hại.
Trước đó, chiều 9/6, do ảnh hưởng của mưa lớn, nước từ trên cao dội xuống tràn qua đoạn Suối Cạn, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (quốc lộ 93A đường xuống bến thuyền sông Nho Quế - hẻm Tu Sản) khiến hàng chục xe máy chôn chân giữa dòng nước chảy xiết.