Nhắc Bộ trưởng dỡ trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài
Trả lời cho âu hỏi vì sao chưa dỡ bỏ trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích rằng "cần đảm bảo lợi ích hài hòa".
Sáng 9/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề, hai năm trước, Bộ trưởng có văn bản trả lời về kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt.
“Đây là trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng. Đến nay trạm vẫn hoạt động bình thường. Vậy Bộ trưởng cho biết, bao giờ trạm được chính thức dỡ bỏ? Lời hứa của Bộ trưởng đối với người dân được các ĐBQH chuyển đến thì cần phải được giám sát từ những việc rất nhỏ cho đến dự án lớn của quốc gia”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu vấn đề.
Bộ trưởng GTVT thừa nhận dự án trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài có nhiều bức xúc ở TP Hà Nội. Bộ đã có những phương án kết thúc trạm thu phí BOT này.
"Tuy nhiên, thời điểm tôi trả lời đại biểu Hiếu là khi doanh thu của BOT đang tốt. Vừa qua do Covid-19 doanh thu sụt giảm. Các trạm BOT trước đây ký hợp đồng là có điều chỉnh, tức là khi doanh thu tăng thì dự án giảm thời gian thu phí 5 năm, 3 năm. Còn những dự án khó khăn chúng ta phải điều chỉnh để làm sao đảm bảo hài hòa", ông Thể trả lời.
Đồng thời phân tích, không áp dụng theo luật PPP nhưng trong các điều khoản hợp đồng đều có nêu: "Có khó khăn, vướng mắc, có các điều kiện, giám sát phối hợp để làm sao xử lý". Ông khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Hiếu, rà soát để đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư và người dân.
"Chúng tôi là cơ quan nhà nước, cũng không có quyền lợi gì ở trong này, nhưng phải giám sát để làm sao người dân không thiệt và nhà đầu tư thực hiện đúng hợp đồng", Bộ trưởng Thể phân trần và "mong đại biểu thông cảm, bởi đã trình bày sự thật". Bộ Giao thông Vận tải đang kiểm tra trạm BOT này, khi đủ điều kiện hợp đồng sẽ dừng ngay và không để tạm ở vị trí đó nữa.
Sau phần trả lời của ông Thể, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) nói hiện nay có một nhóm phản đối BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, hoạt động ở cả trên không gian mạng và thực địa, gây phức tạp về an ninh, lực lượng công an phải xử lý rất phức tạp.
"Bộ trưởng trả lời đại biểu Hiếu là sẽ cho rà soát, đề nghị Bộ trưởng nói rõ rà soát đến bao giờ và lúc nào thì dừng? Lý do tại sao đến lúc đó mới dừng để trả lời cho nhân dân biết và cũng trả lời cho Quốc hội biết, cử tri biết", Giám đốc Công an Hà Nội chất vấn.
Được biết với dự án này, có hai giải pháp, nếu kết thúc sớm trước khi quyết toán theo hợp đồng, để nhà đầu tư thu hồi được vốn và có lợi nhuận theo quy định nhà nước thì phải cho nhà đầu tư thu phí, có sự giám sát, sau đó kết thúc. Giải pháp này hiện đang làm. Còn giải pháp dỡ bỏ ngay trạm BOT thì Nhà nước phải mua lại một phần. Ông Thể giải thích, theo hợp đồng đã ký là nhà nước giám sát. Đến thời điểm này nhà đầu tư chưa thu hết toàn bộ vốn.
Cho biết thêm trong 21 trên 70 dự án BOT đang triển khai đều vướng mắc, có những việc liên quan đến thẩm quyền của Bộ như dời trạm về đúng vị trí hoặc điều chỉnh giá. Bộ đã giải quyết 14 trạm BOT, còn lại đang trình lên Quốc hội.
Trong đó, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài được xếp vào nhóm các trạm thu phí gây bức xúc vì đặt ngoài phạm vi dự án. Với những trạm Bộ GTVT có thể xử lý theo thẩm quyền như di dời vị trí trạm, điều chỉnh giá… thì bộ đều đã thực hiện, qua đó giải quyết được vấn đề của 14 trạm BOT.
"Còn những trạm đang trình xin ý kiến Quốc hội như Bắc Thăng Long - Nội Bài, nếu không có nguồn lực thì không giải quyết được", Bộ trưởng GTVT khẳng định.
Dự án xây dựng quốc lộ 2 được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông Vận tải ký kết với Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 theo hình thức BOT, có giá trị quyết toán đầu tư là 505 tỷ đồng, hoạt động từ ngày 28/12/2010. Nguồn thu hoàn vốn cho dự án là trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài với thời gian 16 năm 10 tháng.
Những năm qua, nhiều cử tri ở Hà Nội bày tỏ bức xúc trước việc thu phí cho dự án tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trạm thu phí trên đường thuộc địa phận Hà Nội.
Giữa năm 2018, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xóa bỏ trạm thu phí này, tuy nhiên, Bộ cho rằng thẩm quyền quyết định thuộc Chính phủ. Bộ từng hai lần kiến nghị Chính phủ bỏ trạm BOT và được Chính phủ yêu cầu tiếp tục thu phí theo đúng nội dung hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư.