Vốn đầu tư 3 dự án cao tốc chưa khả thi
Chiều 13/5, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài khoảng 188,2 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỉ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chiều dài khoảng 53,7 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỉ đồng.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5 km, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỉ đồng.
Ba dự án sử dụng các nguồn vốn sau: Nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ GTVT (khoảng 33.494 tỉ đồng). Nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (khoảng 9.620 tỉ đồng). Nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư (khoảng 8.358,5 tỉ đồng). Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021(khoảng 13.796 tỉ đồng)..
Sơ bộ tổng mức đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ suất đầu tư và so sánh với các dự án cao tốc tương tự để làm rõ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án này.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, giá các loại vật tư, nhiên liệu tăng cao, do đó cần lưu ý, xem xét, tính toán dự phòng trong tổng mức đầu tư.
Tiến độ của 3 dự án, dự kiến chuẩn bị dự án năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. Chính phủ cũng đề nghị được áp dụng cơ chế đặc thù là chỉ định thầu đối với cả 3 dự án, áp dụng theo Nghị quyết 43 về gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế 2022 - 2023. Ông Thanh nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian. Trong đó, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn. Do vậy, việc triển khai các dự án này sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề đối với các nguồn vốn sử dụng cho 3 dự án này và báo cáo, làm rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây đều là dự án quan trọng và Bộ Chính trị cũng đã có kết luận đồng tình với chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị dù muốn nhanh song phải tương xứng với năng lực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
“Cả 3 dự án đều hoàn thành vào năm 2025 mà giờ giữa 2022 rồi. Cùng lúc ào ạt hàng loạt dự án thế này thì có xong được không. Nếu không xong thì ai chịu trách nhiệm. Phải có cam kết trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính cụ thể. Chứ không phải việc đại sự thế này mà chỉ đưa ra bấm nút một cái rồi làm được chăng hay chớ thì không hết trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tính khả thi về nguồn vốn của các dự án nói trên. “Tôi thấy nhiều nội dung trong này chưa xác định. Đề nghị cơ quan giải trình đàng hoàng thì mới có cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đối với nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ GTVT nay chuyển sang cho các dự án, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng “là con số chưa xác định”.
“Từ hôm qua tới giờ Chính phủ trình hàng loạt dự án đều có nguồn từ vốn đã phân bổ cho Bộ GTVT. Vì vậy, Chính phủ và Bộ GTVT phải giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem rà soát cắt giảm dự án nào, dôi dư bao nhiêu, có thuyết phục không thì mới đủ điều kiện xem xét”, Chủ tịch Quốc hội kiến nghị.
Với nguồn vốn từ ngân sách địa phương, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng con số này là chưa chắc chắn vì hiện nay, chỉ mới có văn bản cam kết của một số UBND tỉnh trong khi cơ quan này lại không phải là cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các địa phương cũng phải cam kết cả về tổng mức đầu tư, tiến độ dự án cũng như trường hợp tổng mức đầu tư tăng lên thì mới đủ điều kiện xem xét các dự án này.
Với nguồn vốn từ tăng thu tiết kiệm chi, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tới nay, Chính phủ vẫn chưa báo cáo xem tăng thu tiết kiệm chi được bao nhiêu và dự kiến sử dụng như thế nào nên cũng chưa rõ.
Riêng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng “rõ nhất” nhưng số vốn lại quá bé (chỉ khoảng 9.620 tỉ đồng), chỉ chiếm khoảng hơn 10% trong tổng mức đầu tư các dự án. Trong khi đó, chính nhờ số vốn này mà các dự án lại được hưởng các cơ chế đặc thù của chương trình phục hồi phát triển kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, trong 5 nguồn vốn thì mới chỉ chắc chắn 1 nguồn nhưng lại quá bé, còn lại đều chưa xác định. Ngoài ra, việc chuẩn bị đầu tư, tính khả thi về vận hành, thu phí… theo Chủ tịch Quốc hội cũng còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình thuyết phục.
“Từ trước tới giờ tôi chưa thấy trình dự án đầu tư lại bảo đáng nhẽ 100 đồng nhưng em tiết kiệm được 20 đồng nên chỉ báo cáo tổng mức đầu tư là 80 đồng thôi. Tư nhân cũng chẳng làm thế chứ đừng nói nhà nước. Cái này đếm cua trong lỗ, anh Thể (Bộ trưởng GTVT - Nguyễn Văn Thể) ạ! Tôi 10 năm kiểm toán, Phó tổng kiểm toán, Bộ trưởng Tài chính tới nay mấy chục năm chưa thấy ai làm như vậy”.
Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan phối hợp với cơ quan thẩm tra để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện để trình vào thời điểm sớm nhất. Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với hồ sơ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dù đã đưa vào chương trình của kỳ họp nhưng đến phút chót vẫn chưa đủ điều kiện thì sẽ báo cáo Quốc hội để rút khỏi chương trình.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội để nghị các cơ quan tập trung cao độ để tiếp thu, giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến dự án như nguồn vốn, khả năng cân đối vốn. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về mặt chủ trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức ủng hộ việc thực hiện các dự án này. Tuy nhiên các nội dung cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo thuyết phục thì khi trình Quốc hội mới có sự đồng thuận cao.