Ngành Vận tải chịu thuế đặc biệt cho nhiên liệu thiết yếu
Xăng là nhiên liệu và năng lượng đầu vào của nền kinh tế. Và khi tăng giá thì đồng nghĩa nó làm cho giá tất cả các mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng có lưu thông (vận chuyển thông qua xăng dầu) tăng theo.
Chính sách thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt (TTĐB) lên xăng dầu không chỉ Việt Nam áp dụng, mà còn được nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Úc, Ấn Độ,... sử dụng như là một công cụ để định hướng tiêu dùng và điều tiết nguồn thu cho ngân sách. Do mặt hàng xăng dầu vốn có nguồn gốc không tái tạo, gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng nên nhiều quốc gia đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB cần hạn chế tiêu dùng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sắc thuế này được hình thành từ thời xăng dầu tiêu thụ còn phải nhập khẩu 100% cho đến nay thì có còn phù hợp?
Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng mạnh; cùng với lạm phát khiến cho đời sống người dân thêm khó khăn sau dịch bệnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem lại thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành với mặt hàng này.
Tại kỳ họp Quốc hội (QH) mới đây, một số đại biểu QH cho rằng trong cơ cấu tính giá xăng dầu còn hàm chứa “nhiều yếu tố phức tạp”, có nhiều loại thuế đánh vào giá thành xăng dầu bán ra là chưa hợp lý. Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh xăng dầu là hàng hóa thiết yếu nhưng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Nên phải chăng bỏ luôn loại thuế này trong bối cảnh giá xăng dầu tăng quá mạnh.
Trước thắc mắc của đại biểu QH, Phó chủ tịch QH đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu thêm để làm rõ vấn đề tại sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại bị đánh thuế TTĐB như hàng xa xỉ là bia rượu, thuốc lá.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói đây là thuế gián thu, nhà sản xuất xăng dầu và nhập khẩu phải nộp. Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định, việc đánh thuế mặt hàng này cùng một số mặt hàng khác như bia, rượu, để người dân sử dụng tiết kiệm xăng dầu.
Đến chiều 21-3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban công tác phía Nam đã tổ chức hội nghị lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam, quý I/2022.
Tại hội nghị, ông Đặng Văn Khoa - ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho ý kiến hiện nay người dân đang rất quan tâm về các biện pháp kiềm chế giá xăng. Giá xăng dầu tăng rất nhanh thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
Theo ông, xăng dầu hiện nay được xem là mặt hàng thiết yếu. Người dân mua 100.000 đồng xăng, trong đó có thể 50% là thuế và lệ phí, như vậy là quá cao. Bên cạnh đó, hiện nay xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia, theo ông là "quá phi lý".
Vừa qua, Nhà nước có điều chỉnh giảm VAT xuống 8% cho một số mặt hàng, nhưng xăng vẫn giữ mức 10% trong khi đây là mặt hàng thiết yếu.
"Mấy chục năm trước, khi đất nước khó khăn, người ta quan niệm chỉ người giàu mới dùng xăng dầu, coi như mặt hàng không thiết yếu, nhưng đến bây giờ vẫn áp dụng quan điểm này thì quá là phi lý", ông Khoa nói.
Cách đây 10 năm, khi giá xăng dầu tăng cao, cũng đã gây ra tranh cãi khá gay gắt. Khi đó, có khá nhiều ý kiến cho rằng cách tính như trên dẫn tới xăng dầu phải “gánh” thuế chồng thuế hoặc cho rằng xăng dầu bị đánh thuế hai, thậm chí là ba lần.
Các mặt hàng có lưu thông vận tải...cũng chịu thuế cùng xăng
Trao đổi thêm về nội dung này với phóng viên Bạn Đường, Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty Luật Solution & Partners cho biết, hiện tại theo quy định mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường, do đó cấu thành trong giá bán riêng phần thuế/phí chiếm gần 50%.
"Chính sách thuế nào cũng có mục tiêu và chức năng riêng của nó. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều chỉnh thái độ tiêu dùng, hoặc nguyên liệu chủ yếu trực tiếp sản xuất ra những mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng.
Nhưng không thể đánh đồng xăng dầu với thuốc lá hay rượu ngoại được vì đây là nhiên liệu và năng lượng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế. Không có nó, rõ ràng các hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải không vận hành được và rõ ràng giá xăng dầu đang làm cho giá tất cả các lĩnh vực khác có lưu thông (vận chuyển thông qua xăng dầu) tăng lên", luật sư Cường cho biết.
Do đó, Luật sư Trần Minh Cường cho rằng Bộ Tài chính nên xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu vì nếu tiếp tục áp dụng mức thuế này, giá cả mọi sản phẩm sẽ tăng, gánh nặng chi phí cho nền kinh tế lớn, tăng lạm phát và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, đời sống người lao động và nhân dân sẻ ngày càng khó khăn hơn.
Theo Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 2/1/2022, cách tính giá cơ sở được quy định như sau:
Giá cơ sở = Giá nhập khẩu x % sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu + Giá xăng dầu sản xuất trong nước x % sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước.
Trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định:
Giá nhập khẩu = Giá CIF (Giá xăng dầu thế giới + Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam) + Chi phí kinh doanh định mức + Mức trích lập Quỹ bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Chi phí thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng - VAT) + Phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành nếu có.
Riêng với chi phí thuế, giá tính thuế không tính rời rạc từng loại dựa trên giá CIF mà có sự liên quan, gối lên nhau.
Cụ thể, giá tính thuế nhập khẩu là giá CIF x thuế suất 12%, nhưng sau đó giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là (giá CIF + thuế nhập khẩu) x thuế suất 10%.
Tương tự, giá tính thuế VAT là giá đã bao gồm giá CIF, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt sau đó nhân với thuế suất 10%.