Lý do VIMC có lợi nhuận khủng?
Năm 2021, lợi nhuận của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN) ước đạt 3.750 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch đề ra.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022, Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC (MVN) cho biết, năm 2021, tổng doanh thu toàn VIMC đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần kế hoạch.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, sản lượng vận tải biển vẫn ghi nhận 23 triệu tấn, đạt 121% kế hoạch. Sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, khối vận tải biển của Tổng công ty này đã ghi nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Khối cảng biển đóng góp 65% lợi nhuận của VIMC, tương đương hơn 2.400 tỷ đồng, là lĩnh vực kinh doanh chủ lực, đóng góp lợi nhuận lớn vào tổng doanh thu của VIMC.
Một số cảng có mức lợi nhuận cao như: Cảng Sài Gòn đạt 852 tỷ đồng (vượt hơn 214% so với kế hoạch 2021), Cảng Hải Phòng đạt hơn 732 tỷ đồng (vượt 9% so với kế hoạch), Cảng Quy Nhơn lãi 420 tỷ đồng (vượt hơn 162% so với kế hoạch).
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 126 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng hàng container ước đạt 5,4 triệu tấn.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh vai trò của VIMC trong việc dẫn dắt sự phát triển kinh tế hàng hải. VIMC cần tiếp tục mở đường trong mở rộng thị trường vận tải biển quốc tế, nhất là thị trường vận tải container.
Thứ trưởng đề xuất, VIMC nghiên cứu phát triển tuyến vận tải biển, ven biển Việt Nam – Trung Quốc, chung tay tháo gỡ tình trạng ùn tắc đường bộ ở cửa khẩu cho hàng nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, VIMC cần tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong thế chân vạc "Cảng biển – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải". Trong đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến 3, 4 Lạch Huyện, nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn, hoàn thiện các bến ở sông Soài Rạp, cảng Sài Gòn.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ đầu tư xây dựng cảng trung chuyển container ở Cần Giờ, xây dựng bến container ở Liên Chiểu (Đà Nẵng). Theo đó, VIMC cần tập trung nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới để đầu tư, phát triển thêm cảng biển trong 10 – 30 năm tới.
Được biết, VIMC từng có nhiều năm thua lỗ, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản do thị trường hàng hải thế giới suy thoái kéo dài. Sau khi tái cơ cấu, 4 năm qua, doanh nghiệp đã bước đầu cân bằng và có lãi, khối cảng biển sau khi cổ phần hóa đã mang lại lợi nhuận hơn 1.000 tỷ mỗi năm, bù đắp cho hoạt động vận tải biển.
Trên thị trường chứng khoán, ngày 13/1/2022, giá cổ phiếu MVN giao dịch quanh mức 34.100 đồng/cổ phiếu.