Logistics với kinh tế cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn
Báo cáo quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2022-2030 và tầm nhìn 2050 đã được xây dựng công phu, bao gồm các vấn đề tổng thể để phát triển kinh tế xã hội địa phương trong giai đoạn lập quy hoạch.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đưa ra các ý kiến về việc quy hoạch không gian để phát triển dịch vụ logistics và doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thế mạnh của Lạng Sơn là kinh tế cửa khẩu và các hoạt động giao thương hàng hóa qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà trọng tâm là 12 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quan trọng nhất là cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng và ba cửa khẩu đường bộ là Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma. (Theo đánh giá tại ”Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2023-2030, tầm nhìn 2050”).
Hạ tầng logistics cho vận tải đường sắt
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang thực hiện việc thẩm tra cuối kỳ ”Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam” với ga Yên Viên phía Bắc Hà Nội là trung tâm kết nối đường sắt phía Bắc trong đó có kết nối với Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng và Ga đường sắt quốc tế Lào Cai. Khi dự án này đi vào hoạt động thì vận tải đường sắt hoàn toàn có thể kết hợp với vận tải đường bộ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà cụ thể là sẽ giảm thời gian vận chuyển và giảm chi phí.
Với tốc độ bình quân trên 200 kms/giờ trên trục đường sắt cao tốc Bắc Nam, kết hợp vận chuyển đường sắt và đường bộ giữa cửa khẩu Ga quốc tế Đồng Đăng với các cửa khẩu biên giới Tây Nam tiếp giáp Camphuchia hoặc hàng hóa nông thủy sản ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển so với đường bộ. Đây chính là tương lai mà quy hoạch ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng phải hướng tới.
Trên thực tế, năng lực xử lý lưu lượng hàng hóa thông qua ga Đồng Đăng hiện nay rất nhỏ so với lưu lượng hàng hóa thông qua đường bộ. Điều này làm giảm cơ hội của các doanh nghiệp logistics trong mục tiêu tổ chức vận tải đa phương thức và làm giảm khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt. Vấn đề lớn của vận tải đường sắt tại cửa khẩu chính là không đủ không gian để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.
Nếu ”Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam” giúp giảm thời gian chuyển tải container từ khu vực Đông Nam bộ qua đường sắt đến ga Yên Viên xuống dưới một ngày thì nhu cầu về tăng năng lực xử lý hàng hóa tại ga Đồng Đăng sẽ xuất hiện sau năm 2036. Nhu cầu này chỉ được đáp ứng nếu được quy hoạch từ trước đó.
Hạ tầng logistics cho vận tải đường bộ và vận tải đa phương thức
Tắc nghẽn tại khu vực cửa khẩu hiện đang gây ra rất nhiều vấn đề cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương thuộc tỉnh Lạng Sơn, nơi có các cửa khẩu. Trước tiên, tắc nghẽn dòng lưu chuyển hàng hóa sẽ làm gia tăng chi phí xuất nhập khẩu, kéo giảm năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Tắc nghẽn dòng lưu chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn gây ra bởi nhiều nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như yếu tố mùa vụ trong nông nghiệp, các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, chính sách zero-Covid của nước bạn,...Một trong các nguyên nhân gây ra ách tắc dòng lưu chuyển hàng hóa chính là quy hoạch hạ tầng logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hiện tại, mọi thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang được thực hiện tại khu vực cửa khẩu, bao gồm thủ tục hải quan và biên phòng. Đây chính là nguyên nhân khiến khu vực cửa khẩu luôn tập trung một lượng lớn phương tiện, hàng hóa và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc.
Trong thời gian qua, chính quyền và doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để làm giảm nguy cơ này bằng việc mở rộng năng lực xử lý lưu chuyển hàng hóa tại khu vực cửa khẩu và phân luồng hàng hóa trước khi vào khu vực cửa khẩu.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính thì vẫn còn y nguyên. Xe hàng phải vào được khu vực cửa khẩu thì mới được làm các thủ tục thông quan hàng hóa. Chính điều này đang khiến cho doanh nghiệp và phương tiện thực hiện mọi nỗ lực để tiến vào cửa khẩu, tạo ra môi trường cho các hoạt động thiếu minh bạch đã từng được cơ quan Công an tỉnh Lạng Sơn xử lý hình sự.
Khu vực cửa khẩu là nơi thực hiện nhiều nhiệm vụ bao gồm thương mại (xuất nhập khẩu hàng hóa), ngoại giao và du lịch (xuất nhập cảnh), an ninh quốc phòng,...Mô hình quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tập trung như hiện nay khiến cho việc phân bổ không gian và nguồn lực để thực hiện đầy đủ các chức năng của khu vực cửa khẩu trở nên khó khăn.
Giải pháp để giải quyết vấn đề này chính là thay đổi mô hình quản lý tập trung như hiện nay thành mô hình quản lý phân tán nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ách tắc. Thay bằng việc phương tiện phải tiến vào khu vực cửa khẩu để làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, nên xem xét mở ra các điểm thông quan hàng hóa nằm ngoài khu vực cửa khẩu.
Các điểm thông quan hàng hóa này có thể bố trí cách cửa khẩu với bán kính trên dưới 10 km nhằm mở rộng không gian và phạm vi tập trung phương tiện, giảm nguy cơ ách tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu như hiện nay.
Các điểm thông quan ngoài cửa khẩu sẽ giúp chia sẻ lưu lượng hàng hóa làm thủ tục tại khu vực cửa khẩu, thậm chí phân luồng toàn bộ hàng hóa ra khỏi khu vực cửa khẩu khi cẩn phải thực hiện các hoạt động ngoại giao, du lịch, an ninh quốc phòng mà vẫn duy trì được các hoạt động thương mại.
Để mở ra các điểm thông quan ngoài cửa khẩu như đã đề cập ở trên thì trước tiên phải quy hoạch không gian cho hoạt động này. Trong ”Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2023-2030, tầm nhìn 2050” đã đề cập đến một khu trung chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện Cao Lộc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 4 kms.
Vị trí này gần ga Đồng Đăng nên rất phù hợp để triển khai các hoạt động vận tải đa phương thức, kết hợp giữa vận tải đường sắt và đường bộ. Với không gian khoảng 100 ha tại đây và tầm nhìn quy hoạch hướng đến năm 2050 thì địa điểm này chỉ đáp ứng được cho nhu cầu vận tải đường sắt và hoạt động vận tải đa phương thức đường sắt - đường bộ. Vì vậy, cần có thêm những địa điểm khác nữa trong quy hoạch để phục vụ hoạt động vận tải đường bộ gắn với các thủ tục thông quan hàng hóa. Quy hoạch những địa điểm như thế sẽ giảm tải, thậm chí giải phóng khu vực cửa khẩu khỏi các hoạt động thương mại quá mức như hiện nay, nếu cần.
Quy hoạch các điểm thông quan ngoài cửa khẩu để giải quyết ách tắc luồng hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ cần một nguồn vốn lớn để biến quy hoạch này thành hiện thực. Đây là cơ hội để chính quyền địa phương tạo ra một môi trường cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh bình đẳng để cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn. Cạnh tranh là động lực của phát triển và lợi ích lớn nhất từ quá trình cạnh tranh cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu là sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Trung tâm logistics
Theo Phụ lục II, Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics định hướng đến năm 2030 thì tỉnh Lạng Sơn cần có một trung tâm logistics với quy mô 20 ha sau hai giai đoạn thực hiện. Tuy nhiên, mục tiêu của quy hoạch này là một hệ thống trung tâm logistics hướng đến việc phục vụ thị trường trong nước, thỏa mãn nhu cầu nội địa của cư dân.
Vì vậy, cần phân biệt giữa quy hoạch này với quy hoạch một trung tâm logistics để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Lạng Sơn. Định nghĩa về một trung tâm logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu cũng hoàn toàn khác biệt với một trung tâm logistics phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa như đã được đưa ra tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg.
Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2023-2030, tầm nhìn 2050 đã đề cập đến việc hình thành một ”Trung tâm logistics cao cấp” thông qua việc mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất bãi đỗ xe hiện có tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, ...... Thực hiện ý tưởng này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ách tắc dòng hàng hóa lưu chuyển và ảnh hưởng đến các chức năng khác của cửa khẩu như đã đề cập ở trên.
Để thúc đẩy sự phát triển dịch vụ phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này thì cần phải có một Trung tâm logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu. ”Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2023-2030, tầm nhìn 2050” đã rất chính xác khi đặt ra mục tiêu phát triển thêm các dịch vụ mới như các dịch vụ giá trị gia tăng cho hàng hóa như kho lưu hàng, đóng gói, LTL (Less-Truck-Loading) tại trung tâm logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tuy nhiên, các hoạt động này không nên và không thể thực hiện tại khu vực cửa khẩu. Nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm này là phải kết nối các phương thức vận tải, kết nối các chủ thể thị trường nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch thương mại và thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ mới. Căn cứ vào nhiệm vụ của một Trung tâm logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu thì vị trí phù hợp của trung tâm này là khu trung chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện Cao Lộc, gần ga đường sắt Đồng Đăng.
Đánh giá các nhu cầu quy hoạch cho logistics
Hiện nay, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) đang quản lý và khai thác Ga đường sắt Yên Viên, phía Bắc Hà Nội. Với diện tích đất là khoảng 2 ha, Ratraco hiện đang lưu giữ khoảng 600-1,000 container và năng lực xử lý hàng ngày khoảng 100 container đến/đi thông qua ga Yên Viên.
Nếu giả định lưu lượng hàng hóa đến/đi qua đường sắt và thông quan tại các cửa khẩu khu vực Lạng Sơn sau năm 2036 là 500 container/ngày thì quỹ đất cần có cho hoạt động này tối thiểu phải 10 ha chưa bao gồm đường giao thông tiếp cận và các khu vực phụ trợ cho hoạt động vận tải đường bộ phục vụ hàng hóa vận tải đường sắt.
Nếu quy hoạch cho cả nhu cầu về vận tải đa phương thức thì quỹ đất cần cho hạ tầng logistics đường sắt sẽ còn lớn hơn nữa. Để dự báo chính xác nhu cầu này thì cần phải chờ Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT công bố lựa chọn cuối cùng và các thông tin liên quan đến ”Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam”.
Ước tính có khoảng 5,000 phương tiện vận tải có tải trọng lớn (sơ mi-rơ mooc, xe tải thùng loại 3, 4 trục) hoạt động thường xuyên tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nếu tính mỗi phương tiện vận tải cần khoảng 100 m2 bãi đỗ bao gồm cả không gian cho giao thông tĩnh thì Lạng Sơn cần phải quy hoạch khoảng 50 ha đất cho mục đích này. Nếu tính đến nhu cầu mặt bằng cho việc quản lý vận hành hoạt động của lượng phương tiện này thì nhu cầu quỹ đất cho hoạt động vận tải đường bộ có thể vượt 100 ha. Rõ ràng, các quy hoạch hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu này. Trên dải hành lang an toàn giao thông hai bên đường quốc lộ 1A, kéo dài khoảng 20 kms đến khu vực cửa khẩu, bãi đỗ xe của các doanh nghiệp vận tải được thiết lập tạm với mật độ cao thể hiện rõ ràng sự thiếu hụt này.
Các đề xuất
Ngày 12/1/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-UBND để phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, tỷ lệ 1/500 (giai đoạn 2). Nội dung quyết định này về mục đích của Khu trung chuyển hàng hóa là ”.. khu kiểm tra, kiểm soát, giám sát các thủ tục hải quan, khu vực trung chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, khu kinh tế tổng hợp, dịch vụ thương mại và xuất khẩu, nhập khẩu....”. Các mục tiêu quy hoạch của Khu trung chuyển hàng hóa được đề ra trong Quyết định này có thể đáp ứng một phần nhu cầu về Trung tâm logistics hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng chưa giải quyết hết các vấn đề của vận tải đường sắt, vận tải đường bộ.
Nghiên cứu và xem xét lại mục tiêu quy hoạch theo Quyết định số 92/QĐ-UBND ngày 12/1/2022 theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa vận tải đường sắt. Đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục đầu tư cho quy hoạch này để thu hút vốn đầu tư thứ cấp phục vụ hoạt động logistics. Đây sẽ là một phần lời giải cho tình trạng tắc nghẽn hàng hóa ở khu vực cửa khẩu hiện tại.
Bổ sung vào ”Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2023-2030, tầm nhìn 2050” thêm một số địa điểm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế địa phương, có kết nối giao thông tốt và nằm ngoài khu vực cửa khẩu để phục vụ hoạt động lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường bộ. Các địa điểm này cần có chức năng thông quan, lưu giữ hàng hóa và phát triển các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Quan trọng nhất là các địa điểm này phải gắn mục tiêu bãi đỗ với thông quan hàng hóa để phân bổ hàng hóa ra khỏi khu vực cửa khẩu, sẵn sàng phân luồng toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu ra ngoài khu vực cửa khẩu để khu vực cửa khẩu thực hiện các nhiệm vụ khác.
Hiện tại, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang sở hữu toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, vận hành và cung cấp dịch vụ mặt đất cho các hãng hàng không tại các sân bay trên toàn quốc, trừ sân bay Vân Đồn. Đề nghị chính quyền tỉnh Lạng Sơn xem xét triển khai mô hình này. Xây dựng, sở hữu và có thể đấu thầu vận hành các cơ sở hạ tầng logistics tại khu vực cửa khẩu nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và duy trì nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương.