Logistics hoa quả "chạy sau" xuất khẩu
Đi ngược lại so với xu hướng tăng trưởng chóng mặt của thị trường xuất khẩu hoa quả nông sản, ngành logistics đang yếu thế hơn vì áp lực chi phí và thiếu kết nối linh hoạt.
Trở về từ Hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống quốc tế Thaifex 2022, Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T, ông Nguyễn Đình Tùng, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi khác tại TPHCM cho biết: Trái cây Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới, nhưng để gia tăng thêm giá trị xuất khẩu thì doanh nghiệp cùng với người nông dân, thay vì ồ ạt mở rộng quy mô thì sẽ tập trung nâng cao chất lượng các vùng trồng hiện nay.
Mặc dù cước hàng không cao hơn so với đường biển nhưng chúng tôi vẫn xuất khẩu một số loại như xoài, thanh long bằng đường hàng không để duy trì lượng hàng nhất định cho các nhà nhập khẩu. Nhu cầu rất lớn, có loại họ cần 10 thì mình chỉ đáp ứng được 7-8. Thậm chí, đối tác có khi cần cả trăm tấn nhưng chúng tôi mới đáp ứng được khoảng 30 tấn.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Vina T&T
Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T, ông Nguyễn Đình Tùng, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi khác tại TPHCM cho biết, thời điểm này, nhu cầu các thị trường truyền thống của trái cây Việt Nam tăng cao, doanh số xuất khẩu tăng hơn 30% so mới mọi năm, sản lượng tăng khoảng 14%.
Khả năng thông quan của các cảng trên thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, vận tải đường biển còn chậm. Để đáp ứng nhu cầu trái cây cho các thị trường, doanh nghiệp thực hiện theo 2 hướng, một là vận chuyển đường biển trái cây có thể bảo quản đông lạnh dài ngày (như sầu riêng), hai là đường hàng không với xoài, thanh long...
Còn đại diện Công ty Thiên Sa, đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh bánh pía, sầu riêng và cà phê với thương hiệu G20 Coffee có trụ sở tại TPHCM cũng cho rằng, sau đại dịch COVID-19, xuất khẩu nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến và nông sản của Việt Nam tăng trưởng tích cực, trong đó điều đặc biệt là chúng ta có nhiều cơ hội tại các thị trường mới.
Nhiều năm cung cấp bánh pía trên các hệ thống siêu thị trong nước, nhưng năm 2021, do đại dịch COVID-19 nên tiêu thụ trong nước gặp khó khăn. Mặc dù vậy, ông Tuyển cho hay doanh nghiệp vẫn có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Tính cả năm 2021, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia của Thiên Sa vẫn đạt doanh số hơn 1,9 triệu USD. Bên cạnh thị trường truyền thống, công ty này đang có thêm nhiều khách hàng mới tại Dubai (UAE), Đức, CH Czech, Nga quan tâm đến các mặt hàng như cà phê, bánh pía và trà.
Chuối cũng là mặt hàng đang rộng cửa tăng sản lượng xuất khẩu. Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết trong 5 tháng qua, doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 15.000 tấn chuối vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Sản lượng này cao hơn rất nhiều so với các năm trước nhưng vẫn chưa khai thác hết nhu cầu của thị trường. Tỉ trọng nhập khẩu chuối từ Việt Nam chỉ chiếm 0,6% trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản (trung bình mỗi tháng gần 100.000 tấn). Như vậy dư địa vào thị trường này là rất lớn. Từ nay đến cuối năm, doanh số xuất khẩu của Công ty TNHH Huy Long An dự kiến sẽ còn tăng khi các nông trại chuối của doanh nghiệp vào kỳ thu hoạch và thị trường chính là Trung Quốc phục hồi.
Tuy rộng cửa tăng sản lượng xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp khẳng định, chưa phải thời điểm mở rộng vùng trồng. Ông Võ Quan Huy cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho trái chuối. Riêng về chế biến sâu, theo ông Huy, có những loại như xoài, chuối, thanh long thì xuất khẩu trái tươi mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản phẩm chế biến.
Các doanh nghiệp nông sản ưa chuộng xuất khẩu qua đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp. Kéo theo tỷ lệ sử dụng đường hàng không hiện nay chưa nhiều do chi phí vận chuyển cao, chưa phù hợp với các mặt hàng nông sản giá trị thấp, việc thiếu kết nối linh hoạt giữa doanh nghiệp nông sản và logistics là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả kinh doanh nông sản. Do vậy nhiều doanh nghiệp nông sản đầu tư vào công nghệ bảo quản để tối đa hóa chi phí.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp logistics về phương thức vận tải để vận chuyển hàng nông sản và hàng lạnh, đường bộ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các doanh nghiệp chủ hàng do sự linh hoạt, thời gian vận chuyển nhanh và cũng là một phương thức “truyền thống”, đặc biệt là đối với xuất khẩu sang các thị trường có chung đường biên giới với nước ta.
Tiếp đến là đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp. Còn đối với vận chuyển bằng đường sắt, các doanh nghiệp cũng không lựa chọn vì phải qua nhiều khâu trung chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Kiến nghị của một số doanh nghiệp để phát triển vận chuyển nông sản bằng đường hàng không, nhất thiết phải có một hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt như bưu điện. Theo đó, giá cước phí máy bay mới giảm được. Bên cạnh đó là đầu tư hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, bảo quản, thông quan bảo đảm chất lượng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.