Logistic đang "giảm tốc"
Những ngành có tăng trưởng doanh thu cao trong quý II và dự kiến chậm lại trong nửa cuối năm gồm hóa chất, thủy sản, phân bón, logistics, vận tải thủy, may mặc, cao su. Nguyên nhân là do xuất khẩu kém tích cực và giá hàng hóa giảm mạnh.
Cơ hội đầu tư đến từ những ngành tăng trưởng kém tích cực nhưng có triển vọng hồi phục cao và trên nền định giá thấp. Cụ thể, một số ngành có lợi nhuận kém tích cực giai đoạn vừa qua sẽ có cơ hội hồi phục bao gồm bất động sản (BĐS) dân cư, BĐS bán lẻ, vật liệu xây dựng, sữa, bán lẻ, dược phẩm, chăn nuôi. Nhóm doanh nghiệp trên được dự kiến sẽ đóng góp chính vào sự tăng trưởng của khối phi tài chính trong nửa cuối năm, chủ yếu đang được hỗ trợ bởi hai yếu tố vĩ mô có ảnh hưởng trực tiếp, đó là giá hàng hóa hạ nhiệt giúp giảm áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất đã tăng trong giai đoạn vừa qua khó tăng mạnh thời gian tới.
Fiingroup cho rằng biên lợi nhuận doanh nghiệp sữa đã giảm về mức rất thấp trong quý II và được cải thiện từ quý III nhờ giá sữa nguyên liệu giảm. Chỉ số Global Dairy Trade giảm 30% so với đỉnh hồi tháng 3 và về mức thấp nhất từ đầu 2021 đến nay.
Tương tự, doanh nghiệp chăn nuôi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và giá bán lợn hơi giảm mạnh. Với giá ngô và đậu nành đang giảm mạnh, lợi nhuận ngành chăn nuôi được kỳ vọng phục hồi tốt.
Trong khi đó, ngành sản xuất ống nhựa như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong có lợi nhuận tăng mạnh trong quý II sẽ tiếp tục tăng tốc trong quý III khi giá hạt nhựa tiếp tục giảm cùng diễn biến giá dầu. Với nhóm dược phẩm, Bộ Y tế tổ chức đấu thầu trở lại thuốc và vật tư y tế sau nhiều tháng tạm dừng là thông tin hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp tập trung phân phối qua kênh bệnh viện (ETC).
Cổ phiếu ngành chăn nuôi, dược phẩm, nước và sữa chưa được phản ánh đầy đủ triển vọng lợi nhuận phục hồi nửa cuối năm trong khi nhóm nhựa và sản xuất ống nhựa đã phản ánh.
Ngược lại, những ngành có tăng trưởng cao trong quý II và dự kiến chậm lại trong nửa cuối năm gồm hóa chất, thủy sản, phân bón, logistics, vận tải thủy, may mặc, cao su. Nguyên nhân là do xuất khẩu kém tích cực và giá hàng hóa giảm mạnh.
Khác với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước bắt đầu giảm tốc từ tháng 5 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nguyên nhân chính đến từ căng thẳng về chuỗi cung ứng dần hạ nhiệt - hoạt động sản xuất dần được khôi phục ở nhiều quốc gia có chung thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam đang tham gia, bao gồm hóa chất, thủy sản, cao su, gỗ; nhu cầu nhập khẩu yếu đi ở một số thị trường chủ lực, bao gồm Mỹ và EU, vì tồn kho tại đây tăng cao khi người dân thắt chặt chi tiêu dưới ảnh hưởng của lạm phát.
Đồng thời, lạm phát dù hạ nhiệt nhưng phần nào vẫn tác động tiêu cực lên sức mua trang sức nửa cuối năm nay. Với công nghệ thông tin, rủi ro lạm phát và suy thoái tại các nền kinh tế lớn (Mỹ, châu Âu) có thể hạn chế nhu cầu về phần mềm toàn cầu.
Với bất động sản nhà ở, triển vọng lợi nhuận chung trong ngắn hạn có thể vẫn được đảm bảo nhờ lượng hàng đã được hấp thụ trong các quý vừa qua, nhưng tăng trưởng dài hạn kém khả quan với nhiều khó khăn hiện hữu.
Cụ thể, nỗ lực kiểm soát tín dụng (bao gồm hoạt động cho vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp) vào các lĩnh vực có rủi ro cao (bao gồm bất động sản) đang gây sức ép lên thanh khoản của thị trường, đặc biệt là phân khúc căn hộ, cũng như nguồn vốn tài trợ triển khai các dự án BĐS mới.
Quy định nhà đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải có 100% đất ở vẫn chưa được tháo gỡ, gây ra nhiều ách tắc trong việc cấp phép mới các dự án nhiều năm qua.
Trong khi đó, dự thảo sửa đổi Luật đất đai theo hướng siết quản lý về quy hoạch đất đai và sửa khung giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ là trở ngại lớn đối với các nhà phát triển bất động sản trong các năm tới. Chi phí thuê đất hiện nay chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng giá thành sản phẩm và cơ chế mới có thể làm chi phí thuê đất tăng lên đáng kể mặc dù sẽ mất thời gian đi vào áp dụng.
Cuối cùng, giá nguyên vật liệu đầu vào hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao làm gia tăng chi phí xây dựng đối với các chủ đầu tư. Với ngành ngân hàng, phần lớn các ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý II nhờ tín dụng tăng trưởng và NIM cải thiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022 của ngành mới ở mức bình quân 51,54%, cho thấy khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm tương đối thấp nếu không có thêm hạn mức tín dụng. Trong bối cảnh này, kỳ vọng vào các ngân hàng có lợi thế về cấp thêm hạn mức tín dụng, có các chỉ tiêu về an toàn vốn cao, chất lượng tài sản tốt và có chính sách trích lập dự phòng thận trọng.