Chuyên mục


Lãng phí như chuyện kiểm định xe!

20/03/2023 21:50 (GMT +7)

Việc 1 chiếc ô tô ở Việt Nam trong 20 năm sử dụng phải đăng kiểm 36 lần, trong khi các nước phát triển chỉ 9 lần, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho cả xã hội.

Lỗi kỹ thuật không phải nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông

Hiện cả nước có khoảng trên 5 triệu ô tô đăng ký lưu hành, hàng năm có khoảng 0,5 - 0,6 triệu xe đăng ký mới. Con số này khá nhỏ so với các nước ASEAN bởi tính theo chỉ số ô tô/1.000 dân thì Việt Nam chỉ là 50 xe/1.000 dân, Thái Lan 280, Malaysia 443…

Nhu cầu đăng kiểm ô tô giai đoạn tới sẽ tăng rất cao.

Nhu cầu đăng kiểm ô tô giai đoạn tới sẽ tăng rất cao.

Trong tương lai, giai đoạn 2030 - 2035, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ ô tô hóa (motorization) và hạ tầng giao thông hiện đại, số lượng ô tô sẽ tăng như Thái Lan hiện nay, khoảng gấp 3 - 5 lần. Như thế, nhu cầu đăng kiểm ô tô cũng sẽ rất cao, không chỉ là cho 5 triệu xe mà sẽ cho khoảng 15 - 20 triệu xe.

Nghịch lý là, tuy lượng xe khá nhỏ nhưng tai nạn ô tô ở Việt Nam hiện nay so với thế giới khá cao tính theo chỉ số trung bình tỷ lệ người chết tai nạn ô tô/số ô tô lưu hành. Cụ thể, tỷ lệ ở Việt Nam là 2/1.000, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 1/1.000, Thái Lan 1/1.000, Mỹ 0,1/1.000. Nguyên nhân gây tai nạn ô tô của thế giới chủ yếu là do người lái mất tập trung (94%), còn lại 6% là lỗi kỹ thuật xe, lỗi cơ sở hạ tầng và lỗi do các thành phần khác. Do đó, thế giới hiện đang tập trung các công nghệ hỗ trợ tiên tiến cho người lái (ADAS), xe thông minh, giao thông thông minh, xe tự lái từ mức độ 1 đến mức độ 5.

Việt Nam chưa có thống kê về nguyên nhân gây tai nạn ô tô nhưng các loại xe hiện nay dùng công nghệ của các nước tiên tiến và hạ tầng giao thông cũng trên nền tảng công nghệ các nước tiên tiến, thì nguyên nhân gây tai nạn giao thông cũng sẽ theo xu hướng thế giới. Nghĩa là, do lái xe mất tập trung là chính, còn từ lỗi kỹ thuật xe, lỗi cơ sở hạ tầng sẽ chỉ chiếm phần nhỏ.

Từ đây, chúng ta nên có cái nhìn khách quan về những bất cập của đăng kiểm, để có tâm thế thay đổi công nghệ đăng kiểm, phương thức quản lý đăng kiểm đáp ứng nhu cầu và hội nhập với xu hướng ô tô cũng như dịch vụ ô tô của thế giới.

Lãng phí nguồn lực lớn cho xã hội

Quy trình kiểm định ô tô ở nước ta hiện nay gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn kiểm tra và hoàn tất hồ sơ xe, đóng phí kiểm định. Giai đoạn kiểm tra xe có 5 công đoạn, với mỗi công đoạn được chia ra nhiều hạng mục nhỏ, tổng cộng có khoảng 56 hạng mục. Thực hiện đầy đủ 56 hạng mục này là một khối lượng công việc lớn, cần nhiều thiết bị và nhân lực. Thực tế, ở các nước chỉ tập trung vào 2 nhóm chính là kiểm tra an toàn xe và kiểm tra khí thải, trong đó tập trung vào phần khí thải nhiều hơn.

Bên cạnh đó, chu kỳ đăng kiểm của Việt Nam hiện khá dày đặc và kiểm định cả xe mới sản xuất với những lý do sai của những ngành khác. Đơn cử, có nhiều nguyên nhân được viện dẫn như: vì điều kiện bảo dưỡng sửa chữa ở nước ta không như nước ngoài (thiết bị cũ, không theo quy định của nhà chế tạo), vì đường sá hạ tầng kém, vì xe kinh doanh vận tải là xe cũ, xuống cấp nhanh, vì các chủ xe không tuân theo các điều kiện của nhà sản xuất xe mà tự ý thay đổi kết cấu xe…

Cần biết rằng, trước năm 2000, ngành công nghiệp ô tô, giao thông vận tải Việt Nam chưa phát triển nên còn có những bất cập về chất lượng xe sử dụng, có sự cải tạo xe do khan hiếm phụ tùng, hạ tầng đường sá kém… Đó là lý do Bộ GTVT quy định chu kỳ đăng kiểm ô tô khá ngắn, phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông. Song, từ năm 2010 đến nay, nền công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển quy mô lớn với công nghệ nhập của các nước phát triển trong sản xuất cũng như dịch vụ hậu mãi, bảo trì xe.

Hạ tầng đường sá cũng được xây dựng trên nền tảng công nghệ nước ngoài nên đảm bảo không có những bất cập về chất lượng xe mới, xe lưu hành và đường sá như trên. Những sai sót nếu có là do vi phạm của những người có liên quan không chấp hành hay không tuân thủ các quy định của ngành, của nhà nước, cần xử lý bằng pháp luật chứ không chạy theo những cái sai này mà ảnh hưởng đến các quy trình và chất lượng đăng kiểm, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh vận tải, logistics…

Việc 1 chiếc ô tô ở Việt Nam trong 20 năm sử dụng phải đăng kiểm 36 lần, trong khi các nước phát triển chỉ 9 lần, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho cả xã hội.

Thời gian để 1 xe đăng kiểm trung bình trong điều kiện thông thường là 40 phút.

Thời gian để 1 xe đăng kiểm trung bình trong điều kiện thông thường là 40 phút.

Thời gian đăng kiểm trung bình 40 phút, thực sự kiểm định chỉ 10 phút

Cách mạng số hóa 4.0 đang thay đổi và biến động. Ô tô điện, xe tự lái và hạ tầng giao thông thông minh ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như Việt Nam, đặt ra những yêu cầu mới với công tác kiểm định xe cơ giới.

Mặc dù thời gian qua, ngành GTVT và lĩnh vực đăng kiểm đã có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số. Tuy vậy, tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm cũng như những sai phạm của một số đơn vị đăng kiểm vừa qua, đã phần nào cho thấy việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng kiểm còn khá nhiều hạn chế.

Theo một báo cáo chuyên ngành, thời gian để 1 xe đăng kiểm trung bình trong điều kiện thông thường là 40 phút, trong đó thời gian thực sự kiểm định chỉ là 10 phút (25% tổng thời gian), 30 phút còn lại (75% tổng thời gian) là thời gian làm các thủ tục đăng ký, nộp phí và lệ phí, tra cứu phạt nguội...

Các công nghệ thu thập dữ liệu tự động từ nền tảng Internet vạn vật - IoT; công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI và công nghệ dữ liệu lớn - Big Data hoàn toàn có khả năng thay thế giai đoạn 30 phút làm các thủ tục hồ sơ đăng kiểm trực tuyến trước khi chủ xe đưa xe đi đến trạm đăng kiểm và phân bổ lịch đăng kiểm chính xác giống như lịch hẹn khám sức khỏe ở các bệnh viện tiên tiến.

Các cơ sở đăng kiểm sẽ chỉ làm giai đoạn kiểm tra kỹ thuật xe; cho phép cung cấp số liệu minh bạch, chính xác, tránh sai sót chủ quan, khách quan; giúp nhận diện, nhanh chóng tìm kiếm dữ liệu và lịch sử đăng kiểm, các thông tin cần thiết phục vụ đăng kiểm (thuế, phí đăng kiểm, thông tin nộp phạt…); giúp chẩn đoán, phát hiện các lỗi hệ thống trên phương tiện, từ đó ngăn chặn các rủi ro, thậm chí yêu cầu các hãng xe chủ động thu hồi để khắc phục cũng như ngăn chặn có hiệu quả nạn đăng kiểm giả…

Ngoài ra, cũng cần triển khai các công nghệ kiểm định tự động thay cho con người, từ việc đo các thông số an toàn đến nồng độ khí thải... Các hệ thống này được số hóa kết nối trực tuyến với hệ thống quốc gia một cách minh bạch, có kiểm soát để không còn các tiêu cực đăng kiểm.

Mặt khác, trên 90% các xe bán ra hay nhập khẩu là của các nhà sản xuất ô tô của các nước tiên tiến và các nhà sản xuất ô tô lớn Việt Nam nên chu kỳ đăng kiểm cũng nên theo quy định chung của các nước này. Các nhà phân phối xe đều có dịch vụ hậu mãi 3S, 4S kết nối với nhà sản xuất gốc OEM, dịch vụ toàn cầu, có bảo dưỡng, sửa chữa ô tô theo tiêu chuẩn của nhà chế tạo. Do đó, cần cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô chính hãng được kiểm định xe cơ giới để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và tận dụng nguồn lực xã hội cho hệ thống đăng kiểm.   

  

PGS-TS Phạm Xuân Mai/Thanh Niên
Năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nghiên cứu trong thời gian rất dài, tới 18 năm với sự tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực vị thế quốc gia cho thấy năm 2027 là thời điểm thích hợp triển khai dự án.

Rà soát các dự án giao thông chậm tiến độ, dừng thi công
Đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch biện pháp xử lý.

Dừng thu phí BOT trong trường hợp nào?
Trạm thu phí BOT phải dừng thu phí nếu chất lượng bảo trì đường không tốt và bị cơ quan chức năng có thẩm quyền ra văn bản nhắc nhở hai lần kèm theo thời hạn khắc phục; khi để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông...

Xe buýt 4 cửa như “hàng không” giúp tối ưu hiệu quả nhờ không gian riêng
Thực tế là xe buýt 4 cửa lâu nay vẫn được sử dụng đưa đón khách tại một số cảng hàng không, từ nhà ga ra tàu bay. Nó đã cho thấy khả năng lên xuống linh hoạt, tiếp nhận hoặc giải tỏa khách nhanh chóng, không bị gò bó về hướng đỗ xe.

Khởi công xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa kết hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án “Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi".

Bắc Ninh: Xây dựng hệ thống chợ dân sinh phù hợp với sự phát triển đô thị
Ngày 16/11, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình gặp mặt Doanh nhân chuyên đề tháng 11 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát triển và quản lý chợ với thông điệp “Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.

Tổng bí thư Tô Lâm: Hải Phòng phát huy lợi thế 'cửa chính ra biển' cả miền Bắc
Tổng bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương vừa có chuyến thăm, làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng; thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.