Làn sóng tài chính ở Sữa Kun
Mặc dù được nhắc tên trong việc nợ bảo hiểm của 1.800 nhân viên, vẫn phải huy động vốn để trả nợ và mua nguyên liệu, nhưng có thể ghi nhận sự "thay da đổi thịt" của CTCP Sữa Quốc tế (IDP), lỗ thành lãi ngoạn mục từ khi xuất hiện những nhân sự đến từ Công ty Chứng khoán Bản Việt.
IDP dự kiến lãi 776 tỷ đồng, huy động 470 tỷ đồng trả nợ
CTCP Sữa Quốc tế (IDP) vừa công bố tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên với nhiều thông tin đáng chú ý. Năm 2023, IDP lên kế hoạch doanh thu thuần 7.141 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 776 tỷ đồng, giảm 4% so với mức thực hiện năm vừa qua.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức năm 2022 đã được IDP thanh toán đợt 1 với tỷ lệ 15%/cổ phiếu. Đợt 2 dự kiến uỷ quyền cho HĐQT căn cứ vào kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh tại từng thời điểm và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền, được toàn quyền quyết định.
Được biết, theo phương án được ĐHCĐ thường niên năm 2022 thông qua, IDP dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10 - 50%. Theo đó, cổ đông của doanh nghiệp này còn có thể nhận tối đa cổ tức bằng tiền thêm 35%.
Những thương vụ M&A đình đám mang dấu ấn Chứng khoán Bản Việt và ông Tô Hải:
Doanh thu ngân hàng đầu tư của Bản Việt năm 2022 đến từ các thương vụ đáng chú ý như tư vấn cho các cổ đông sáng lập của chuỗi trà sữa Phúc Long bán phần vốn chi phối cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN), Masan Meat Life chuyển nhượng mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho De Heus Việt Nam, phát hành riêng lẻ cho CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hưng Thịnh Group mua lại CTCP Sông Tiền.
Bên cạnh đó, IDP dự kiến trình ĐHCĐ thường niên năm 2023 các kế hoạch phát hành cổ phiếu. IDP lên phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng phát hành là hơn 1,1 triệu đơn vị, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ thời điểm phát hành.
IDP cũng trình phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ hơn 2,4 triệu đơn vị. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, năng lực tài chính, không phải công ty con hay công ty con của cùng công ty mẹ với IDP. Toàn bộ cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày HĐQT thông qua, và không thấp hơn giá trị sổ sách của IDP tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 30.615 đồng/cổ phiếu.
Cũng theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), bình quân giá tham chiếu của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày 24/3/2023 của IDP là 195.785 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán riêng lẻ ước tính đạt hơn 470 tỷ đồng.
Trong đó, IDP sẽ dành 230 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh; dành 40,8 tỷ đồng để thanh toán chi phí marketing và dành 200 tỷ đồng để trả nợ cho BIDV và VietinBank (chiếm hơn 42% tổng số tiền huy động được). Ngoài ra, Mới đây, Bảo hiểm xã hội Hà Nội công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm 30/1/2023. Đáng chú ý, trong danh sách này có IDP, nợ đóng bảo hiểm cho 1.869 lao động trong thời gian 1 tháng với số tiền lên tới hơn 3 tỷ đồng.
IDP từ thua lỗ triền miên đến lãi mục tiêu nghìn tỷ, dấu ấn lớn của ông Tô Hải
So sánh tài liệu cổ đông và thông tin xung quanh đơn vị sữa dành cho trẻ em khá mâu thuẫn. Nhiều bậc phụ huynh hoang mang và lo ngại việc một công ty nợ bảo hiểm nhân viên, huy động vốn để mua nguyên liệu trả nợ thì có khi nào cắt giảm giảm chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm?
Theo tìm hiểu, IDP có tiền thân là Công ty TNHH các sản phẩm sữa Quốc Tế được thành lập vào năm 2004, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005. Hiện, IDP hoạt động chủ yếu là sản xuất sữa với các sản phẩm chính như sữa LiF, Kun, Bavi với 3 nhà máy tại Chương Mỹ, Ba Vì và Củ Chi. Công ty này chính thức niêm yết trên sàn UPCOM ngày 7/1/2021 với mã chứng khoán IDP. Tính đến thời điểm ngày 29/3/2023, IDP đang ở mức hơn 249.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao bậc nhất trên thị trường UPCOM. Mặc dù lượng giao dịch ở mức đáy, trung bình khoảng 100 cổ phiếu/phiên. Tất nhiên có những phiên IDP có khoảng hơn 6.000 cổ được khớp lệnh nhưng đa phần không có hoạt động mua bán.
Trước đây, Sữa Quốc tế IDP đúng là hoạt động kinh doanh khá khó khăn, nhưng bắt đầu từ khi có nhóm chuyên gia tài chính, trong đó đứng đầu là ông Tô Hải, khó khăn đã qua đi, ít nhất thể hiện qua con số.
Năm 2020, ông Trần Bảo Minh từ chức, Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt - ông Tô Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT, bà Phạm Minh Loan đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc IDP. Được biết, ông Hải là nhân vật có nhiều kinh nghiệm về tài chính khi không dưới 10 năm giữ chức vụ quan trọng tại công ty chứng khoán. Hiện ông Hải đang nắm 10% vốn IDP. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của những nhân sự giàu kinh nghiệm trong ngành sữa như Tổng Giám đốc Lothamilk Hỗ Sĩ Tuấn Phát làm Thành viên HĐQT IDP, bà Chu Hải Yến - Thành viên HĐQT Lothamilk - làm Phó Tổng Giám đốc IDP.
Trong năm 2022, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.086,5 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với năm 2021. Giá vốn hàng bán tăng cao cùng các chi phí đồng loạt gia tăng khiến cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm nhẹ xuống chỉ còn hơn 810 tỷ đồng.
Tính tới hết 31/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 3.834 tỷ đồng tăng 29% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp tăng 173% lên 954 tỷ đồng, chủ yếu từ việc tăng khoản tạm ứng cho nhân viên khoảng 507 tỷ đồng, tăng 490 tỷ đồng so với đầu năm. Trong 2022, IDP có kế hoạch đầu tư cho dự án CTCP Sữa Quốc Tế - Chi nhánh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng.
Về cơ cấu vốn, tại ngày 31/12/2022, IDP có tổng nợ phải trả là 2.027 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.978 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay của công ty đạt 792 tỷ đồng. Năm 2022, công ty phải trả gần 28 tỷ đồng lãi vay.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 mặc dù dương hơn 63 tỷ đồng nhưng lưu chuyển tiền sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 489 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động tài chính âm gần 75 tỷ đồng.
Quy mô của công ty cổ phần Sữa Quốc Tế - IDP còn khá nhỏ so với các ông lớn trong ngành sữa và kết quả kinh doanh cũng khá khó hiểu. Điều đáng nói là IDP cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ chỉ trong vòng 2 năm sau cuộc chuyển giao chủ sở hữu năm 2020. Trong khi, những năm trước đó, công ty đang ở trong tình trạng thua lỗ cả trăm tỷ đồng.
IDP bắt đầu làm ăn thua lỗ từ năm 2014 và năm 2017 là năm lỗ nặng nhất khi doanh thu thuần đạt 1.289 tỷ đồng, chỉ bằng 26,7% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế của công ty âm đến gần 300 tỷ đồng. Năm 2018, mức lỗ thu hẹp còn 44 tỷ đồng. Đến năm 2019 thì công ty đã chuyển từ thua lỗ sang có lãi, lãi gần 113 tỷ đồng trước thuế.
Những thay đổi lớn nhất khi đó là việc hai quỹ đầu tư thuộc VinaCapital và Daiwa bán hết vốn và công ty có các cổ đông tổ chức mới là Blue Point và Lothamilk. Những cổ đông lớn nhất khi đó gồm CTCP Chứng khoán Bản Việt (15%), CTCP Lothamilk (10,18%) và CTCP Blue Point (60,56%), bà Đặng Phạm Minh Loan - Phó Tổng Giám đốc điều hành của Vina Capital (5%) và ông Phan Văn Thắng (3,75%). Đến quý I/2021, CTCP Lothamilk đã thoái toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại IDP và bên mua vào là CTCP Gold Field International.