Doanh nghiệp thép "thủng đáy" lợi nhuận
Năm 2022 là một năm đầy thách thức khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp thép lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Thép Nam Kim, Thép Pomina, VNSteel rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2023, có lẽ tiếp tục là năm khó khăn khi thị trường bất động sản gần như đóng băng do lãi suất vay bị đẩy lên cao. Triển vọng của ngành thép phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công trong những năm tới. Với các doanh nghiệp thép, trước mắt, lượng hàng tồn kho lớn trong khi giá thép liên tục giảm sẽ khiến giá vốn ở mức cao, trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp này.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã: NKG), theo giải trình của doanh nghiệp này, quý IV/2022 lợi nhuận giảm sút là do giá vốn tăng cao. Theo báo cáo tài chính mới được công bố, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.299 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Thép Nam Kim lỗ gộp 149 tỷ đồng, trong khi, cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt gần 1.058 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính ghi nhận 47 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm được hơn 30 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm mạnh từ 516 tỷ đồng xuống còn 152 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, NKG lỗ ròng 356 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thế công ty mẹ đạt 452 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp thép này kinh doanh thua lỗ. Theo NKG, lợi nhuận giảm là do giá vốn tăng.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần đạt 23.071 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ chủ yếu do sụt giảm doanh thu xuất khẩu. Lợi nhuận ròng âm gần 67 tỷ đồng, trong khi, năm 2021, NKG lãi ròng 2.225 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên NLG báo lỗ kể từ năm 2012 đến nay.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Thép Nam Kim là 13.521 tỷ đồng giảm 12% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 7.061 tỷ đồng, chiếm 52% tổng tài sản. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 34% so với đầu năm, lên 5.114 tỷ đồng và chiếm 37,8% tổng nguồn vốn.
Được biết, năm 2022, NKG đặt kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng. Như vậy cả kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận NKG đều không thể thực hiện được.
Công ty chứng khoán VNDirect dự báo năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn trong bối cảnh nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng... Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022.
Về xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản.
Nhưng nhìn chung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và có thể chỉ thực sự khởi sắc vào nửa cuối năm.
Một ông lớn ngành thép cũng báo lỗ nặng đó là Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý IV. Được biết, trong quý, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt hơn 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp lỗ ròng gần 2.000 tỷ đồng, trong khi, quý III lỗ 1.800 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ. Lãi sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, bằng 24% so với năm 2021.
Sau nửa năm khó khăn, Hòa Phát đánh giá ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Hiện ông lớn này đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt. Sắp tới, tập đoàn tiếp tục đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, phát triển thêm sản phẩm mới ngành hàng điện máy gia dụng.
Thêm doanh nghiệp lớn ngành thép thua lỗ đó là Công ty cổ phần Thép Pomina, quý IV, Thép Pomina đạt 1.800 tỷ đồng doanh thu, là mức thấp nhất kể từ năm 2010 của doanh nghiệp này. Pomina có quý kinh doanh dưới giá vốn thứ hai liên tiếp với khoản lỗ gộp hơn 240 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp âm hơn 461 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, Thép Pomina lỗ hơn 1.127 tỷ, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 238 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12, nguồn vốn của Pomina giảm hơn gần 4.000 tỷ so với đầu năm, còn khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, công ty này nợ hơn 8.500 tỷ, giảm gần 2.800 tỷ, vốn chủ sở hữu giảm gần 1.200 tỷ, còn hơn 2.500 tỷ đồng.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm. Luỹ kế cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là lần đầu công ty này lỗ kể từ năm 2014 và cũng là mức lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011.