Ngành thép kỳ vọng vào đầu tư công
Thị trường sắt thép năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn khi thị trường bất động sản gần như đóng băng vì lãi suất vay đã bị đẩy lên rất cao.
Sản xuất thép thô cả năm 2022 ước đạt 23 triệu tấn, tương đương so với năm 2021. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 31 triệu tấn, giảm khoảng 5% và bán hàng thép thành phẩm khoảng 27,5 triệu tấn với mức giảm tương đương.
Dự báo mới đây của Hiệp hội thép Thế giới cũng nhận định, nhu cầu thép thế giới sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2023, ở mức +1% (đạt 1,8 tỷ tấn), sau khi suy giảm 2,3% trong năm 2022 (đạt 1,79 tỷ tấn) và đà phục hồi giá thép trở nên rõ rệt hơn kể từ đầu tháng 12/2022 đến nay.
Hiện giá bán bình quân thép xây dựng của Việt Nam tính từ đầu tháng 12 cho tới nay tăng từ 0,4-1% so với tháng 11/2022, vẫn thấp hơn nhiều so mức tăng của các nước trên thị trường thế giới (từ 2,9 đến 4,7%) tùy theo khu vực.
Do đó, dư địa tăng giá bán và nâng cao năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam còn nhiều.
Xuất khẩu sản phẩm thép các loại năm 2022 cũng giảm khoảng 15-16% so với năm 2021 và thị trường chủ yếu vẫn là khu vực Đông Nam Á chiếm hơn 42%.
Đáng chú ý, những tháng cuối năm 2022, nhu cầu sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải loay hoay giải quyết vấn đề hàng tồn kho giá cao, thậm chí dừng sản xuất. Đơn cử, Hòa Phát dừng hoạt động 4 trong 7 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương từ tháng 11/2022.
Với thực tế trên, dự báo thị trường sắt thép năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn khi thị trường bất động sản gần như đóng băng vì các vấn đề lãi suất vay đã bị đẩy lên rất cao.
Triển vọng trong tương lai của ngành phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công trong những năm tới khi đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp ngành thép.
Trong năm 2023, giá nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất thép như quặng sắt đã lấy lại đà phục hồi đáng kể sau khi chạm đáy vào cuối tháng 10/2022. Ðến nay, giá quặng sắt đã tăng 36%, chủ yếu do kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với bức tranh nhu cầu đang tăng trở lại trên thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới là Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thực thi mạnh mẽ nhiều chính sách giải cứu thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân giúp ngành thép có thêm động lực tăng trưởng, nhất là sau khi nước này dỡ bỏ chính sách “Zero Covid” và mở cửa trở lại.