Làm thế nào để xây dựng một quy trình tự động hóa hiệu quả?
Công tác xây dựng, quản lý vận hành và ứng dụng các công nghệ trong bảo trì, tự động hóa luôn là thách thức lớn đối với các nhà máy sản xuất.
Chuỗi sự kiện công nghiệp 2023 vừa diễn ra tại Tòa nhà INTECH Group Business Hus (Khu công nghiệp VSIP, thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) với hàng loạt các chương trình sự kiện về tư vấn giải pháp quản lý xây dựng, bảo trì và tự động hóa, vận hành và kết nối hợp tác với đơn vị cung ứng dịch vụ.
Sự kiện đón nhận sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, hiệp hội, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực Xây dựng nhà máy sản xuất muốn tìm hiểu, quảng bá sản phẩm, giải pháp và giao lưu, kết nối hợp tác.
Chuỗi sự kiện Công nghiệp 2023 gồm Diễn đàn đầu tư và xây dựng nhà máy Công nghiệp; Diễn đàn Tự động hóa Nhà máy; GMPx Pharma Forum; Hội thảo Xây dựng Hệ thống Vận hành và Bảo trì bài bản, hiệu quả cho Nhà máy Công nghiệp.
Diễn đàn đầu tư và xây dựng Nhà máy Công nghiệp
Đầu tư và xây dựng nhà máy công nghiệp là việc lớn đối với mỗi Chủ đầu tư, không chỉ tiêu tốn nguồn tài chính lớn mà còn cần đầu tư nhiều công sức trong việc hoàn thành thủ tục đầu tư, tìm vị trí đất, các thủ tục pháp lý, tài chính, tìm hiểu môi trường kinh doanh và các chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, các vấn đề như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông chưa đồng bộ, tính chưa sẵn sàng về đất đai, các thủ tục pháp lý, tài chính phức tạp, cồng kềnh, các vướng mắc trong cơ chế như tiền thuê đất, quy định về môi trường, an toàn, PCCC cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho Chủ đầu tư.
Ngoài ra, xây dựng và vận hành nhà máy công nghiệp là quá trình phức tạp với nhiều giai đoạn và khía cạnh khác nhau đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, từ kỹ thuật, tài chính, quản lý đến văn hóa tổ chức. Bên cạnh đó, năng lực quản lý dự án vốn không phải là năng lực chuyên môn của các Chủ đầu tư, do vậy việc kiểm soát các nhà thầu xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và chi phí được thực hiện đúng cam kết cũng là một thách thức lớn.
Theo đó, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và quản lý doanh nghiệp VKI và INTECH Group đã tổ chức Diễn đàn đầu tư và xây dựng nhà máy công nghiệp "Khó khăn của chủ đầu tư và giải pháp trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành nhà công nghiệp" nhằm chia sẻ các thông tin hữu ích cho các Chủ đầu tư đang quan tâm tới đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp.
Diễn đàn gồm có 2 phần chính. Phần 1, xu hướng đầu tư và dịch chuyển đầu tư vốn FDI của từng vùng miền trong cả nước, những kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, trong đó có 3 chủ đề: (1) Xu hướng đầu tư theo vùng miền; (2) Lợi ích khi đầu tư trong Khu công nghiệp (KCN), (3) Kinh nghiệm thực tế khi lựa chọn dự án đầu tư, làm dự án đầu tư trong KCN.
Phần 2, mục tiêu, khó khăn, vướng mắc và giải pháp cho quá trình dự án đầu tư công nghiệp chia sẻ từ góc độ chủ đầu tư cần quan tâm lưu ý trong quá trình xin cấp phép, thiết kế, thi công và đưa công trình vào hoạt động, gồm 2 chủ đề: (4)Khó khăn, kinh nghiệm, giải pháp cho các chủ đầu tư trong KCN và (5) Xây dựng bền vững: Công nghệ mới và vật liệu xây dựng bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường.
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, trong đó có sự góp mặt tham gia tham luận của các đại diện đến từ Greenpan, VSIP, VKI, ICS,...Tại đây, quý khán giả sẽ được lắng nghe kinh nghiệm thực tế trong triển khai các dự án đầu tư; nắm bắt xu hướng đầu tư để kinh doanh phù hợp; hiểu được quá trình, quy trình xây dựng và các rủi ro thường gặp và tham quan các sản phẩm, giải pháp được trưng bày tại triển lãm CLEANFACT & RESAT EXPO 2023.
Diễn đàn tự động hoá Nhà máy
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang trải qua một giai đoạn hứng khởi, sôi động nhưng cũng đầy thách thức. Việc hội nhập thương mại toàn cầu sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đi kèm với không ít khó khăn mà các doanh nghiệp cần đối mặt để tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh này, chuyển đổi số và tự động hóa nhà máy trở thành xu hướng quan trọng để nâng cao năng suất và tăng khả năng cạnh tranh.
Một trong những yêu cầu bức thiết ở hiện tại là lôi kéo được nguồn lao động chất lượng cao để ứng biến với các thách thức mới trong điều kiện phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, khi nhu cầu về chất lượng lao động tăng cao, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực về chi phí lao động. Với sự thay thế của các hệ thống tự động hiệu suất cao và chính xác, tự động hóa sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng về cân đối tài chính.
Tiếp đó, tình trạng cạnh tranh khốc liệt ở hiện tại đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt từ các doanh nghiệp Việt Nam. Các công ty sản xuất cần nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng gấp rút, và đồng thời giảm thiểu lãng phí. Tự động hóa mang lại khả năng kiểm soát chặt chẽ, tối ưu hóa quy trình, và giảm nguy cơ sai sót, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của môi trường kinh doanh ngày nay.
Bên cạnh những thách thức, thị trường cũng mang đến cơ hội dành cho các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ và đón đầu xu hướng sẽ trở thành một phần trọng yếu trong các lĩnh vực sản xuất. Đầu tiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra những cánh cửa mới về dữ liệu và phân tích, giúp họ đưa ra quyết định dựa trên thông tin chi tiết và chính xác.
Nhiều doanh nghiệp đang nhìn nhận cơ hội phát triển thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT) và tự động hóa quy trình sản xuất. Đây đều là các công cụ mạnh mẽ để thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó tối ưu hóa quy trình sản xuất và dự báo nhu cầu thị trường. Chính sách hỗ trợ và quy hoạch chiến lược từ chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi này. Việc khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp thông minh, cùng với các chính sách thuế ưu đãi, đang khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp tự động hóa để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng thực hiện tự động hóa thành công và hiệu quả. Các dự án không thành công chủ yếu đến từ các sự cố liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, độ tin cậy của phần mềm cũng như các vấn đề về lãnh đạo, quản lý vận hành từ chính doanh nghiệp. Ngoài ra, quá trình triển khai tự động hóa cũng đòi hỏi nhà quản trị, đội ngũ nhân sự phải có chiến lược, kế hoạch phù hợp, cùng tầm nhìn sâu rộng và chi tiết về từng công đoạn, thiết bị nhà máy sản xuất ứng dụng phù hợp.
Tự động hóa nhà máy là một bài toán khó và lớn, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm lời giải để có khả năng phát triển và cạnh tranh lâu dài. Các cơ hội tiếp cận thông tin, sản phẩm và giải pháp về tự động hóa với họ còn nhiều hạn chế mặc dù trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp.
Nhận thấy tình hình trên, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) phối hợp với INTECH Group và các đối tác, nhà tài trợ đồng tổ chức Diễn đàn Tự động hóa 2023 với chủ đề: “Cơ hội, xu hướng, và giải pháp ứng dụng tự động hóa trong công nghiệp”.
Diễn đàn Tự động hóa 2023 vinh dự có sự tham gia chia sẻ của các Diễn giả là chuyên gia đầu ngành với bề dày kinh nghiệm và vốn kiến thức được đào tạo chuyên sâu cùng sự am hiểu thị trường Việt Nam.
Diễn đàn đã làm rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng tự động hóa, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng trước xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới. Đồng thời, các Diễn giả mang đến các chia sẻ giải pháp, nền tảng ứng dụng, cũng như giúp đỡ các khách tham dự tháo gỡ các khó khăn phổ biến trong các dự án tự động hóa nhà máy trực tiếp tại phiên thảo luận.
Bên cạnh đó, với mong muốn tạo ra một không gian kết nối giữa các chuyên gia và doanh nghiệp có cùng mối quan tâm về tự động hóa và số hóa, Diễn đàn cũng tạo điều kiện để các nhà cung cấp giới thiệu, trình bày sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng đang tìm kiếm giải pháp tham khảo.
GMPx Pharma Forum
Trong bối cảnh thị trường Dược phẩm giữa Việt Nam và thế giới dần thu hẹp lại do kết quả của hội nhập quốc tế và nhiều hiệp định thương mại được ký kết, việc đầu tư hoặc nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng cũng như các vấn đề khác đối với nhà máy lĩnh vực Dược như sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… theo tiêu chuẩn GMP ngày càng được quan tâm.
Hiện nay, các yêu cầu của tiêu chuẩn GMP ngày càng nghiêm ngặt, việc định kỳ cập nhật các yêu cầu mới trong guideline dẫn tới việc thực tiễn hoạt động của nhà máy trước đây khó tuân thủ. Trong đó các vấn đề như thẩm định hệ thống, toàn vẹn dữ liệu ngày càng được quy định chặt chẽ. Đây là một vấn đề rất cần được lưu ý khi đầu tư nhà máy mới cũng như khi duy trì tiêu chuẩn GMP tại nhà máy đang hoạt động.
Với mong muốn cùng các doanh nghiệp Dược, cộng đồng sản xuất trong ngành cùng nhau chia sẻ tháo gỡ một số khó khăn khi duy trì cũng như đầu tư nhà máy mới, nâng cao hệ thống quản lí chất lượng cũng như sự tuân thủ theo tiêu chuẩn GMP, công ty CP tư vấn thiết kế GMP-EU tổ chức hội thảo “Vai trò của thẩm định hệ thống, toàn vẹn dữ liệu trong việc nâng cao hệ thống chất lượng, tuân thủ theo tiêu chuẩn GMP”. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà máy GMP kết nối cùng các chuyên gia, đối tác các đơn vị cung ứng uy tín và chuyên nghiệp, mang đến cơ hội tìm hiểu và hợp tác cho các bên, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà máy sản xuất trong lĩnh vực sản xuất Dược phẩm Y tế như Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (GMP HS), sản xuất Thuốc (GMP WHO, PICS, EU…).
Hội thảo xây dựng Hệ thống Vận hành và Bảo trì bài bản, hiệu quả cho Nhà máy Công nghiệp
Để nhà máy sản xuất được vận hành liên tục, giảm thiểu sự cố, tránh gián đoạn sản xuất thì vai trò của hệ thống bảo hành, bảo trì là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, chuyên môn hóa cao như hiện nay.
Tuy nhiên, không ít các nhà máy đang gặp phải những khó khăn trong quá trình triển khai hệ thống, đội ngũ vận hành và bảo trì. Hệ thống thiết bị đa dạng, công nghệ hiện đại, phức tạp làm gia tăng số lượng nhân sự chuyên trách cũng như quản lý, chi phí vận hành tăng cao. Các công tác tổ chức bảo trì không được đồng bộ, thực hiện đúng quy trình dẫn đến hỏng hóc thường xuyên xảy ra, không có sự kiểm soát, thống kê, cảnh báo trong khi yêu cầu hệ thống ngày càng khắt khe về sự cạnh tranh, cần vận hành liên tục, tối ưu chi phí.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất xa trung tâm gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng, tìm kiếm nhân sự vận hành cũng như tìm kiếm đối tác cung ứng dịch vụ đồng thời tính ổn định của nhân sự thường không cao.
Hệ thống vận hành cơ sở vật chất, kỹ thuật bài bản sẽ giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vào công tác sản xuất, phát triển sản phẩm và thị trường, giảm lỗi sản phẩm, phát hiện sớm và giảm thời gian sự cố… Để đạt được các mục tiêu trên, hệ thống vận hành bảo trì nhà máy cần xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và thường xuyên update công nghệ, kiến thức về hệ thống và máy móc, xây dựng, chuẩn hóa hệ thống hồ sơ tài liệu quy trình khoa học và bài bản; thích nghi nhanh chóng trong thay đổi quy trình (SOP) bảo trì phù hợp để đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn; áp dụng công nghệ, số hóa vào vận hành, bảo trì hợp lý.
Nhận thấy các khó khăn của nhiều doanh nghiệp, Công ty Cổ phần dịch vụ vận hành và bảo trì INTECH Service cùng với các đối tác tổ chức hội thảo: “Xây dựng hệ thống quản lý vận hành và bảo trì bài bản, hiệu quả trong nhà máy công nghiệp” với mục tiêu giúp các doanh nghiệp sản xuất làm chủ được quá trình vận hành và bảo trì, tối ưu chi phí, giảm thiểu áp lực cho hệ thống sản xuất quản lý. Bên cạnh đó, hội thảo còn là nơi kết nối, giao lưu, giới thiệu sản phẩm cho các nhà cung cấp giải pháp dịch vụ, phần mềm bảo trì và vận hành.
Hội thảo dự kiến vẽ lên bức tranh tổng quan về thực trạng và các giải pháp bảo trì, xu hướng các dịch vụ bảo trì, phương pháp xây dựng bảo trì chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, quản lý vận hành bảo trì trên phần mềm cũng là một nội dung nhận được sự quan tâm của các nhà máy trong xu thế chuyển đổi số toàn diện. Hội thảo có tính thực tiễn cao, mang lại những thông tin hữu ích cho các quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ thuật trong lĩnh vực cơ điện - bảo trì công nghiệp.