Lại chờ đợi để "đánh thức" Dự án Nâng cấp, mở rộng QL 9!
Sở GTVT Quảng Trị đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Ban QLDA 3 hoàn trả hệ thống ATGT trên tuyến, đặc biệt là tại các vị trí mất an toàn giao thông do đã thi công đào sâu sát mép mặt đường và tại 2 đầu cầu Tân Xuân Km4+400.
Quảng Trị không xử lý được mặt bằng cho con đường huyết mạch
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 sử dụng vốn dư của dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vốn vay Ngân hàng Thế giới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1384/QĐ-TTg ngày 4/8/2021 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư Dự án tại Quyết định số 1939/QĐ-BGTVT ngày 11/11/2021 với tổng mức đầu tư 19,05 triệu USD tương đương 440,37 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2021 – 2022.
Dự án có phạm vi điểm đầu từ Cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) và điểm cuối là nơi giao nhau với Quốc lộ 1 tại Km 754 + 042, Ngã Tư Sòng (xã Thanh An, huyện Cam Lộ), tổng chiều dài là 13,8 Km. Quy mô đường cấp II, 4 làn xe; tổng bề rộng nền đường 28m, không bao gồm phần hè đường. Dự án do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án gồm 2 gói thầu, trước mắt, sẽ thi công xây lắp Gói thầu RAI/CP26 (từ Km 6+500 đến Km 13+800) và dự kiến đến tháng 4/2022 sẽ thi công Gói thầu RAI/CP25 (Km 0 đến Km 6+500). Dự án dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho rằng, Quốc lộ 9 thuộc tuyến đường xuyên Á (AH16) là một trong những trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Quảng Trị. Đây còn là tuyến giao thông kết nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Đồng thời khẳng định, phía tỉnh Quảng Trị sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để chủ đầu tư đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án đã đề ra.
“Tuyến Quốc lộ 9 đoạn từ Cửa Việt đến Quốc lộ 1 đi qua nhiều khu đông dân cư, trường học, chợ, có lưu lượng xe tham gia giao thông lớn, đặc biệt là khi tuyến đường tránh phía Đông, TP. Đông Hà đưa vào khai thác, sử dụng thì lưu lượng xe trọng tải lớn, xe container sẽ lưu thông chủ yếu trên tuyến đường này. Do đó, địa phương đề nghị chủ đầu tư và các cấp, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn giao thông, bố trí người hướng dẫn giao thông trong suốt quá trình thi công”, Phó Chủ tịch Lê Đức Tiến nhấn mạnh.
Thế nhưng, do khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), Dự án đã không hoàn thành đúng tiến độ như cam kết trong Hiệp định. Ngày 12/01/2023, WB đã có ý kiến chính thức việc không gia hạn Hiệp định vay. Người dân sống quanh khu vực suốt tuyến đường, người tham gia giao thông, xe kinh doanh vận tải,... lại tiếp tục phải mỏi mòn chờ đợi đến khi dự án được đánh thức.
Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan có thẩm quyền phương án sử dụng nguồn vốn khác, điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục thực hiện hoàn thành Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1.
Sở GTVT yêu cầu hoàn trả lại hệ thống ATGT mới tạm tiếp nhận
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị cho biết, trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận phương án thay đổi nguồn vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục triển khai thi công hoàn thành dự án thì Ban Quản lý dự án (QLDA) 3 tiếp tục quản lý mặt bằng. Đối với các đoạn địa phương đã bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA 3 và đơn vị thi công; trong phạm vi đã bàn giao công tác GPMB, chính quyền các địa phương cùng với đơn vị chủ quản sẽ có trách nhiệm bảo vệ và xử lý các trường hợp lấn chiếm phạm vi đã được GPMB thuộc Dự án.
Trước đó, đầu tháng 8/2022, Sở GTVT Quảng Trị chủ động mời các đơn vị trực tiếp quản lý, UBND các huyện, các sở, ngành liên quan kiểm tra và đề xuất xử lý tại hiện trường, kịp thời bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Kết quả kiểm tra của Sở GTVT Quảng Trị nhận thấy trên hiện trường số lượng nhân công, thiết bị, máy móc rất ít, rãi rác không đáp ứng tiến độ, nhiều vị trí đã bàn giao mặt bằng, nhưng đơn vị thi công vẫn không triển khai. Các nhà thầu đều gặp khó khăn chung về nguồn vật liệu (đặc biệt là đất đắp), giá cả nhiên vật liệu tăng cao; các đoạn thi công qua ruộng lúa gặp nền đất yếu nhưng chưa có giải pháp trong hồ sơ thiết kế được duyệt, nên phải tạm dừng thi công chờ phê duyệt điều chỉnh thiết kế.
Trong thời gian chờ nguồn vốn khác để tái triển khai dự án, Sở GTVT Quảng Trị đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Ban QLDA 3 hoàn trả hệ thống ATGT trên tuyến, đặc biệt là tại các vị trí mất an toàn giao thông do đã thi công đào sâu sát mép mặt đường và tại 2 đầu cầu Tân Xuân Km4+400. Sau khi Ban QLDA 3 hoàn trả hệ thống ATGT trên tuyến, xử lý các vị trí mất ATGT do đã thi công, Sở GTVT Quảng Trị sẽ tạm tiếp nhận lại tuyến đường để thực hiện công tác quản lý, bảo trì theo quy định.
Được biết, đến nay, công tác GPMB của Dự án đã bàn giao 4,56km/13,8km cả hai bên tuyến (trong đó: Gio Linh: 3,02km; Cam Lộ: 1,09km; Đông Hà 0,45km) và 6 cầu trên tuyến.
Hiện nay, hệ thống biển báo, cọc tiêu, cọc H, cột Km trên tuyến không được duy tu bảo trì; một số vị trí đã đào, đắp nền đường đến sát mép mặt đường nhựa hiện hữu nhưng hệ thống an toàn giao thông không được đảm bảo, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là tại hai đầu cầu Tân Xuân Km4+400; một số đoạn tôn lượn sóng, cọc tiêu, cọc H các nhà thầu tháo dỡ nhưng chưa lắp đặt lại.