Chuyên mục


Ký ức 70 năm với thầy, cô giáo và bạn học

15/11/2024 08:00 (GMT +7)

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, lại gợi nhớ về một thời là học sinh Trường Tiểu học Thanh Vân, Thanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ...

Ký ức 70 năm với Thầy, Cô giáo và bạn học, như một bức tranh chân thực về “Một thời được nhớ và tự hào” (Từ phải sang: Hàng ngồi: Thứ 5 - Nguyễn Hưu Giao, Thứ 6 - Thầy Dương Huy Thiện, Thứ 11 - Khánh Hoà; Thứ 14 - Nguyễn Văn Vĩnh; Hàng đứng: Thứ 1 -Kim Ngọc Tâm, Thứ 3 - Nguyễn Bá Thiện, Thứ 4 - Lâm Đình Ngọc, Thứ 6 - Đặng Việt Cương, Thứ 14 - Phạm Gia Nghi, Thứ 16 - Trưng Quang Tuất, Thứ 17 - Nguyễn Mạnh Hiến, Thứ 18 - Lê Văn Liễn)

Ký ức 70 năm với Thầy, Cô giáo và bạn học, như một bức tranh chân thực về “Một thời được nhớ và tự hào” (Từ phải sang: Hàng ngồi: Thứ 5 - Nguyễn Hưu Giao, Thứ 6 - Thầy Dương Huy Thiện, Thứ 11 - Khánh Hoà; Thứ 14 - Nguyễn Văn Vĩnh; Hàng đứng: Thứ 1 -Kim Ngọc Tâm, Thứ 3 - Nguyễn Bá Thiện, Thứ 4 - Lâm Đình Ngọc, Thứ 6 - Đặng Việt Cương, Thứ 14 - Phạm Gia Nghi, Thứ 16 - Trưng Quang Tuất, Thứ 17 - Nguyễn Mạnh Hiến, Thứ 18 - Lê Văn Liễn)

Đây là trường Tiểu học của vùng kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiệu Trưởng là cô giáo Tô Thị Lộc, một người Hà Nội ra kháng chiến, cô cũng là cô giáo trực tiếp dạy lớp 3 đến lớp nhất (lớp 5 bây giờ). Cũng từ lớp học này, dưới dự dạy dỗ của cô, trải qua 70 năm cùng với 70 năm Giải phóng Thủ đô, Đất Nước ta đã có được những học sinh của cô trở thành những nhà khoa học có đóng góp to lớn cho đất nước như: Giáo sư Tiến sỹ, Viện sỹ Viện Hàn lâm Trần Đình Long, một trong 6 người Việt là Viện sỹ nước ngoài của RAS; Tiến sỹ Lâm Đình Ngọc chuyên về Kinh tế Quốc tế của Viêt Nam tại Liên Xô cũ; Đại uý kỹ sư Phạm Gia Nghi nhận 2 Giải thưởng Nhà Nước về Khoa học và Công nghệ, trong đó có Công trình “Đèn Rùa cứu mạng”; Thượng tá kỹ sư Nguyễn Bá Thiện nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công Nghệ với công trình Phòng thủ bảo vệ Tổ Quốc.  

Những người bạn thuở thơ 70 năm (Từ phải sang: Phạm Gia Nghi, Lâm Đình Ngọc)

Những người bạn thuở thơ 70 năm (Từ phải sang: Phạm Gia Nghi, Lâm Đình Ngọc)

Cũng nhớ về khóa học sinh 1958-1961 của trường cấp 3 Hùng Vương Phú Thọ, họ đã tốt nghiệp ra trường 63 năm. Vượt mốc thời gian “Kim cương” của tình yêu chồng vợ, có thể coi đây là mốc thời gian “Kim cương” của tình thầy, tình bạn tuổi học trò. Tốt nghiệp ra trường “lớn lên mỗi người mỗi ngả”, mỗi lối đi riêng suốt cuộc đời. Vậy mà, vẫn nghĩa tình gắn bó bấy nhiêu năm. Cứ đến ngày kỷ niệm thành lập trường (1/12/1945), nếu vào năm chẵn cùng nhau về thăm trường, nếu vào năm lẻ lại hẹn gặp gỡ ở Hà Nội, thăm hỏi, động viên lẫn nhau và ôn lại những kỷ niệm trong sáng của thời học sinh. Để nghĩa tình thêm gắn bó với trường, từ năm 1990 các khóa học sinh Hùng Vương ở Hà Nội, như khóa anh Nguyễn Mạnh Kiểm, Lã Ngọc Khuê, Đào Chí Sảo, Nguyễn Anh Tuấn và khoa 1958 - 1961 thành lập “Quỹ khuyến học” để từ đó vào dịp Hội trường đều trích quỹ gửi về 10 xuất học bổng, tặng các học sinh xuất sắc của trường, động viên các em học sinh ngày nay phấn đấu trưởng thành hơn đàn anh ngày trước. Mối nghĩa tình từ tuổi học trò như thế, xứng đáng là kỷ niệm “Kim cương” của cựu học sinh trường cấp 3 Hùng Vương, nay là trường phổ thông trung học Hùng Vương ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, được cả nước vẫn gọi với cái tên thân thương là trường Hùng Vương.

Đại uý kỹ sư Phạm Gia Nghi và “Đèn Rùa Cứu mạng”

Đại uý kỹ sư Phạm Gia Nghi và “Đèn Rùa Cứu mạng”

Trường Hùng Vương ra đời từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám trên quê hương đất Tổ, trưởng thành cùng sự trưởng thành của cách mạng và đất nước, đã oanh liệt trải qua thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sơ tán về vùng rừng núi Văn Bán (huyện Cẩm Khê), Tân Phong (huyện Hạ Hòa). Việc dạy và học gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, thầy và trò đều làm bạn với “Túp lều tranh với ngọn đèn dầu”, với những quyển vở bằng giấy giang, giấy nứa. Ngày hòa bình lập lại, trường trở về thị xã Phú Thọ, với trọng trách là trường cấp 3 duy nhất của vùng kháng chiến cũ gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên và một phần tỉnh Sơn Tây.

Giáo sư Tiến sỹ, Viện sỹ Trần Đình Long một trong 6 người Việt là Viện sỹ nước ngoài của RAS

Giáo sư Tiến sỹ, Viện sỹ Trần Đình Long một trong 6 người Việt là Viện sỹ nước ngoài của RAS

Trường Hùng vương nằm trên một vùng đồi cao và rộng ở phía Tây Bắc thị xã Phú Thọ, hướng chính nhìn về phía Nam, hướng sau tựa vào đồi cao. Các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu và nhà văn Nguyễn Văn Bổng có dịp đến thăm trường đều khen: “Thế đất, thế núi đều rất đẹp, không mấy trường được thế”. Ngày ấy, chưa có trường xây, vẫn rất nghèo, thiếu nhiều lớp học, thiếu nhà ở cho thầy, cô giáo, thiếu ký túc xá cho học sinh vùng xa, thiếu nơi học thực hành. Thầy và trò toàn trường đã dùng sức lao động của chính mình, tự làm nên những lớp học xinh “nhà tranh, vách nứa”, những bàn những ghế bằng tre ghép lại, những đồ dùng học tập thủ công. Các đàn anh lớp 9, lớp 10 được giao lên rừng khai thác tre, nứa, lá cọ… đóng thành bè, mảng “lõng” (trôi) theo dòng sông Hồng đưa về “bến Đoan” (bến đò ở chợ Mè) để đàn em lớp 8 vận chuyển về trường, vừa làm vừa hát vang bài ca do anh Thế Dân, một học sinh của trường sáng tác: “Đoàn học sinh ta thi đua ta xây dựng trường, cùng cười vang ta thi đua đi làm hăng hái, vác tre, vác nứa leo đèo trập trùng, chúng ta không ngại ngùng… Ngày hôm nay ta xây lớp ta, rồi ngày mai ta xây nước ta, nước Việt Nam mới đời vinh quang sáng tươi…” Ý tưởng của bài hát cũng là mong ước của học sinh Hùng Vương, thúc dục họ hăng say trong học tập, rèn luyện phẩm chất con người, để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Điều may mắn cho họ là các thầy, cô giáo của họ ngày ấy đều còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm về trường, chỉ hơn họ mấy tuổi, chưa có gia đình, quê từ các tỉnh xa như: Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh… nên đều sống trong khu tập thể của giáo viên trong trường, chiều chiều cùng học sinh đá bóng, chơi bóng chuyền hay bóng bàn. Các thầy, cô cũng rất giỏi đàn hát, làm thơ viết truyện, gần gũi với họ như những người anh, người chị chỉ bảo cho các em về kiến thức, về điều hay, lẽ phải, tạo điều kiện cho họ phát huy các năng khiếu, trở thành những học sinh giỏi, suất sắc toàn diện. 

Lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp ra trường và thi vào đại học biết bao lưu luyến, biết bao lời tốt đẹp của mỗi người đã viết lưu niệm cho bạn bè và các thầy, cô giáo. Thật tuyệt vời, được đọc những dòng lưu niệm của 37 học sinh lớp 10D, trong tập sách của thầy chủ nhiệm Dương Huy Thiện: “Một đời trồng người”.

Thi tốt nghiệp xong, họ như những cánh chim tỏa đi muôn ngả, một số may mắn được lựa chọn đi học nước ngoài, còn phần đông thi vào các trường đại học có sự chỉ dẫn của các thầy, cô giáo theo năng lực và nguyện vọng của mỗi người.

Năm 1965, là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bắt đầu. Ngày 07/7/1965 Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng ký lệnh điều động 600 kỹ sư của 3 trường đại học là: Trường Bách khoa, Trường Tổng hợp và Trường Nông nghiệp vào phục vụ tại ngũ quân đội. Trong số này, có nhiều Kỹ sư là học sinh cũ của Trường Hùng Vương khóa 1958-1961 như: Nguyễn Bá Thiện, Đặng Trần Ngân, Phạm Gia Nghi đều từ trường Đại học Bách khoa, đều là cựu học sinh lớp 10D trường Hùng Vương. Một thời gian sau có thêm Phạm Tiến Duật lớp 10C tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Nguyễn Hữu Giao lớp 10D là giảng viên Trường Đại học Bưu điện truyền thanh cũng được điều động vào phục vụ tại ngũ quân đội.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, trường sơ tán về vùng quê Đông Thành ở ngoại vi thị xã Phú Thọ và Thanh Hà huyện Thanh Ba, lại bầu bạn với lớp học “Nhà tranh vách nứa”, chịu mọi thiếu thốn, khó khăn. Các thầy, cô giáo và học sinh đều sống ở nhà dân, trong sự đùm bọc thân thương của người dân quê “Rừng cọ đồi chè”. Mãi đến ngày đại thắng, đất nước thống nhất vẹn tròn, trường mới trở về “Đất Vua Hùng ban cho” ở thị xã Phú Thọ.

Phải đến kỷ niệm 40 năm thành lập trường Hùng Vương (01/12/1985), các bạn học Hùng Vương, mới tìm gặp được nhau trong niềm vui rạng rỡ của ngày Hội trường, sau nhiều năm xa cách.

Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, trường Hùng Vương đã có trên 4 vạn học sinh tốt nghiệp ra trường, nhiều học sinh Hùng Vương thuộc nhiều thế hệ đã trưởng thành và trở thành những người có danh tiếng, có nhiều cống hiến xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa nghệ thuật… trong cả nước.

Khóa học sinh Hùng Vương 1958-1961, cũng có những người có danh tiếng như: Giáo sư, tiến sỹ Viện trưởng Viện Tai mũi họng Phạm Khánh Hòa (10A); Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Trọng (10B); Tiến sỹ Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyễn Mạnh Hiến (10B); Nhà thơ, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Phạm Tiến Duật (10C); Giáo sư, tiến sỹ khoa học, viện sỹ, Chủ tịch Hội Giống và Cây trồng Trần Đình Long (10C); Tiến sỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đình Lập (10D); Kỹ sư, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Lâm (10E); Phó Giáo sư, tiến sỹ, Tổng giám đốc công ty Tư vấn Xây dựng công nghiệp Việt Nam thuộc Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Bằng (10G). Cũng có những người có những cống hiến xuất sắc như: Đại tá, kỹ sư Nguyễn Bá Thiện (10D) giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ với “Cụm công trình nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1956-1975”; Đại tá, Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Giao (10D giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ với công trình “Nghiên cứu phát triển khoa học mật mã Việt Nam trong chỉ huy quân đội các thời kỳ” và “Thiết kế chế tạo máy mã thoại số”.) và Đại uý, Kỹ sư Phạm Gia Nghi (10D) 2 lần nhận giải thưởng Nhà Nước về khoa học và công nghệ. Năm 2000 với công trình “Nghiên cứu thiết kế chế tạo, đồng hóa các loại phụ tùng đảm bảo cho xe máy quân sự trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và xây dựng quân đội 1965-1990”. Năm 2005 với công trình “Nghiên cứu thiết kế chế tạo đèn đặc dụng, xe đặc dụng dùng trong thời chiến”, còn gọi là “Đèn Rùa cứu mạng”.

Cũng có người làm Thầy như Giáo sư, tiến sỹ, giảng viên cao cấp, nhà giáo ưu tú Đặng Việt Cương (10D); Phó Giáo sư, tiến sỹ, giảng viên cao cấp, nhà giáo ưu tú Trần Thế Sơn (10C); Tiến sỹ, giảng viên chính Lê Thanh Đạm (10D); Tiến sỹ, giảng viên chính Nguyễn Phúc Hải (10E); Cử nhân, giảng viên chính Trịnh Văn Quý (10A) đều ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Thượng tá, bác sỹ chuyên khoa ngoại, giảng viên Kim Ngọc Tâm (10C) ở Học viện Quân y Bộ Quốc phòng; Cử nhân, giảng viên chính Hà Xuân Vinh (10D) ở Đại học Quốc gia Hà Nội; Cử nhân, giảng viên chính Trần Ngọc Trùy (10D) ở Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên; Tiến sỹ, giảng viên chính Hà Lan (10G) ở Hoc viện Chính trị Hành chính Hồ Chí Minh; Kỹ sư, giảng viên chính Phí Văn Ba (10G) ở Trường Đại học Nông nghiệp và Học viên Hành chính Quốc gia. Một số là thầy thuốc để cứu sống con người như: Bác sỹ Phạm thị Châu Băng (10E) ở bệnh viện E; Bác sỹ Nguyễn Minh Thu (10E) ở bệnh viện Bạch Mại; Bác sỹ Lâm Thị Đào (10E) ở bệnh viện Thanh Nhàn. Đặc biệt, tiến sỹ Lê Văn Thân (10C) ở Viện Mỏ Địa chất, ngoài tài năng nghiên cứu về khoáng sản còn là nhà ngoại cảm, giúp đỡ được nhiều bạn bè và các thầy, cô giáo trong những việc mà khoa học chưa giải thích được. Cũng có người học Đại học Tổng hợp để làm khoa học, nhưng éo le thay lại trở thành “Hạt giống đỏ” để được đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, trở thành giảng viên triết học rồi chủ nhiệm Khoa Triết của trường và sau này là phó Ban Tổ chức thành ủy Hà Nội.

Chuyện “Học một đằng làm một nẻo” còn có Đào Văn Ước, người được lựa chọn đi nước ngoài học Ngoại thương, nhưng về nước laị làm Trưởng Phòng Tổ chức ở công ty Xuất Nhập khẩu Hàng Công nghiệp, Bộ Công nghiệp. Có người như Trần Ngọc Toản (10C), mở cửa hàng kinh doanh thuốc để tần tảo sinh sống ở phố Lê Duẩn. Không mơ về danh tiếng cao sang, không ước vọng cống hiến xuất sắc, nhưng lại có cả một tấm lòng nhân ái vì mọi người. Bất cứ chuyện vui, chuyện buồn nào cũng có anh. Anh là “Trạm giao liên” của học sinh Hùng Vương các khóa. Ai đi đâu, về đâu cũng ghé qua đây để lại lời nhắn gửi và một dòng địa chỉ. Anh trở thành người không thể thiếu trong ký ước nghĩa tình 63 năm của thầy, trò Hùng vương.

Ký ức 70 năm với Thầy, Cô giáo và bạn học, như một bức tranh chân thực về “Một thời được nhớ và tự hào”, một thời Đất nước có nhiều thầy “Dạy thật”, với tấm lòng trong sáng, giàu nhiệt huyết và Đất nước có nhiều học sinh “Học thật”, luôn rèn luyện làm một người chân chính, đã đem lại mừng vui cho gia đình và xã hội.

Ký sự Phạm Gia Nghi
Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ
Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) vừa phối hợp tổ chức Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ".

Hành trình kết nối nhịp đập trái tim từ Thủ đô đến Huế
Được sự điều phối của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, sự hỗ trợ của Bệnh viện Quân Y 103 và Trung ương Quân đội 108, đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế chạy đua với thời gian, vượt qua trở ngại về không gian, đưa trái tim an toàn về ghép cho bệnh nhân.

Nghỉ 9 ngày liên tục dịp Tết Nguyên đán
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.

Hải Phòng: Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT
Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” (TNGT), chiều ngày 28/11 tại thành phố Hải Phòng, Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp mang tên “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại.

Công viên Lễ hội: Tâm điểm đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group tại Hà Nam
Mùa xuân năm 987, Vua Lê Đại Hành đã khai mở Lễ hội Tịch điền cầu mùa màng tốt tươi tại chân núi Đọi (Duy Tiên, Hà Nam). Hơn một thiên niên kỷ sau, tại vùng đất này, một cuộc khai mở khác cũng bắt đầu.

Cảnh giác lừa đảo mạo danh công an yêu cầu cài ứng dụng VNeID giả mạo
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận hơn 21.800 phản ánh của người dân về cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo, trong đó, nhiều nhất mạo danh công an yêu cầu tải, cài ứng dụng VNeID giả mạo.

Vĩnh Phúc sắp xếp đơn vị hành chính thuộc 6 huyện
Theo Nghị quyết số 1287/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 6 huyện, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Thành phố Phúc Yên, các huyện: Vĩnh Tường, Sông Lô, Yên Lạc, Lập Thạch và Tam Dương sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.