Kinh nghiệm lái xe ô tô đi xa vào dịp Tết
Nhu cầu đi lại vào ngày Tết bằng ô tô tăng mạnh trong dịp Tết. Do đó, đặc biệt là với các chuyến đi xa, tài xế và chủ xe cần ghi nhớ một số lưu ý để có hành trình an toàn, trọn vẹn.
Lên lộ trình phù hợp
Tùy theo độ ngắn dài của hành trình mà chúng ta sẽ phân phối lộ trình cho phù hợp. Ví dụ hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng gần 1.000 km, người lái sẽ chia hành trình thành 2 ngày để hành trình vừa phải, đảm bảo sức khoẻ: Ngày thứ 1 có thể nghỉ ở Nha Trang, Phú Yên hoặc Quy Nhơn tùy theo khả năng; ngày thứ 2 sẽ đi tiếp hành trình còn lại.
Theo kinh nghiệm của các lái xe lâu năm, ngày đầu chúng ta nên khởi hành sớm và đi dài hơn để ngày thứ hai sẽ có thời gian khởi hành trễ hơn và đến đích thong thả hơn.
Tương tự với hành trình đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng. Tuỳ theo khả năng và sở thích, bạn có thể lựa chọn nơi nghỉ cho hành trình 2 ngày tại Thành phố Vinh, Hà Tĩnh hoặc Đồng Hới. Một số tài xế có thể chọn đi thẳng trong 1 ngày, tuy nhiên trong trường hợp này các bác tài cũng nên quan sát theo tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình để đưa ra lựa chọn sáng suốt.
Trên hành trình dài, chúng ta nên nghỉ ngơi trung bình sau 200 km. Điều này sẽ giúp lái xe duy trì được sự tập trung suốt một chặng đường 400 – 500 km. Ngoài ra, các hành khách trên xe cũng cần được đi vệ sinh, nhằm đảm bảo đồng hồ sinh học như bình thường.
Chưa hết, khoảng cách giữa các bữa sáng, trưa, tối cũng cần được cân nhắc. Nên lựa chọn ngay một điểm dừng chân khi đến các bữa ăn trong ngày. Nếu điểm dừng phía trước còn xa, nên chuẩn bị một số thức ăn vặt để tránh ảnh hưởng đến sự hào hứng của gia đình trên xe.
Tăng giảm tốc độ hợp lý
Nhờ sự phát triển của hệ thống cao tốc Bắc Nam, việc đi lại dọc đất nước trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sẽ hấp dẫn hơn nếu chúng ta lựa chọn các cung đường quốc lộ, qua các thành phố, thị xã.
Đi vào thành phố, đô thị, người lái phải nắm vững quy định về biển báo trong và ngoài khu dân cư để không vượt tốc độ quy định. Đồng thời, tài xế cũng cần cảnh giác với các giao lộ, nơi thường xuyên có xe qua lại bất ngờ để tránh xảy ra va chạm.
Ngoài ra, nếu nhận thấy điều kiện giao thông phức tạp, xe di chuyển thành đoàn nối đuôi nhau, chúng ta cũng nên di chuyển theo đoàn. Không nên vượt các xe khác vì có thể dẫn đến các tình huống xử lý thiếu chuẩn xác.
Tránh và vượt xe an toàn
Vấn đề ùn tắc giao thông trong dịp Tết tại các địa điểm du lịch hoặc các cung đường là rất khó tránh khỏi. Do đó, việc vượt xe và tránh các xe ngược chiều cũng cần chú ý: Không vượt ở những nơi cấm, đường cong, góc khuất; Không vượt trên đường đèo dốc quanh co; chỉ vượt khi tầm quan sát phía trước rộng, thoáng, không có xe ngược chiều; nhường xe ngược chiều đang lên dốc; xe có chướng ngại vật phải nhường cho xe không có chướng ngại vật đi trước; chủ động tránh xe khách, xe tốc hành, xe container phía ngược lại.
Nếu phải lái xe vào buổi tối, ban đêm, bạn cũng cần lưu ý sử dụng đèn chiếu gần và đèn chiếu xa đúng cách. Theo quy định, chỉ sử dụng đèn chiếu xa ngoài khu vực dân cư và khi tầm nhìn bị hạn chế ở tốc độ cao.
Nếu bạn đang chạy sau một chiếc xe khác hay có xe ngược chiều, sử dụng đèn chiếu xa có thể khiến người lái xe ngược chiều hoặc xe đi trước bị mù tạm thời.
Do đó, lái xe cần phải sử dụng đèn pha một cách hợp lý: Sử dụng đèn chiếu gần hay đèn cos khi đi trong khu dân cư, giao nhau với xe ngược chiều và chạy sau xe phía trước; dử dụng đèn chiếu xa hay đèn pha ngoài khu vực dân cư, lái xe ở tốc độ cao và tầm nhìn bị hạn chế. Nếu thấy cần thiết, bạn có thể dùng đèn passing khi vượt hoặc cảnh báo phương tiện ngược chiều.
Tuyệt đối nói “không” với rượu bia
Khi du lịch vào dịp Tết nguyên đán thì cũng dễ có các cuộc hội ngộ, giao lưu với bạn bè người thân. Tuy nhiên, điều này là cực kỳ nghiêm trọng, khi Nghị định 100 của Chính phủ đã được thông qua. Việc giao lưu rượu bia chỉ nên thực hiện nếu sau đó chúng ta không lái xe. Ngoài ra, tuyệt đối “không” sử dụng rượu bia trước khi ngồi vào sau vô lăng.
Cuối cùng, bạn cũng nên chuẩn bị các công cụ hỗ trợ như máy bơm hơi, bình kích điện, dây câu bình… nhằm tự khắc phục các sự cố trên đường. Các dụng cụ y tế như bông băng, thuốc đỏ, thuốc đau bụng, thuốc hạ sốt… cũng rất cần thiết để tạo nên một chuyến đi hoàn hảo.