Hai phương án nâng cấp thành phố Huế
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước. Trở thành đô thị di sản, thông minh và sáng tạo; thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Khu vực Đông Nam Á; là xứ sở hạnh phúc.
Chiều 29/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế, có 2 phương án thành lập các đơn vị hành chính khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Phương án 1: Gồm 3 quận (quận phía Nam, quận phía Bắc, quận Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện (Quảng Điền, Phú Vang, A Lưới, Phú Lộc + Nam Đông).
Phương án 2: Từ phương án 1, giữ nguyên hiện trạng thị xã Hương Thủy, chỉ có 2 quận được tách ra từ TP Huế. Như vậy theo phương án 2 sẽ gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Theo Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, quận phía Nam là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... của thành phố trực thuộc Trung ương, là nơi còn nhiều quỹ đất để xây dựng, phát triển đô thị và là nơi tập trung nhiều trụ sở các cơ quan hành chính quan trọng của thành phố. Quận phía Bắc là nơi tập trung các di tích, di sản, nhà vườn... nên định hướng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn.
Quận Hương Thủy được quy hoạch với vai trò đảm nhận chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm chức năng công nghiệp, là cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế; cung cấp dịch vụ công cộng cho thành phố Huế và khu vực Hương Thủy; phát triển các chức năng cư trú, công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đây cũng được xác định là đầu mối giao thông của thành phố với khu vực và thế giới, đặc biệt là có sân bay Quốc tế Phú Bài.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022.
Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn; là cơ sở để tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai.
Theo nhiệm vụ quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế có trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình nhưng dẫn đầu cả nước về phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; thành phố Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Đông Nam Á. Đến năm 2050, Thừa Thiên Huế thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức khá của cả nước.