Khủng hoảng toàn diện tại Sri Lanka
Đảo quốc Sri Lanka tuyên bố chính thức vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài, tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện đối với đất nước này.
Chỉ vài tháng trước, sự hồi sinh của ngành du lịch thời hậu Covid ở Sri Lanka đang đầy hứa hẹn. Các nhà điều hành tour đã báo cáo về lượng đặt phòng tăng, nhiều nơi đã được lấp đầy vào mùa cao điểm khiến ngành du lịch đối diện với sự lạc quan, hào hứng. Nhưng mọi thứ dường như chững lại vào tháng 3, khi các cuộc biểu tình liên quan đến khủng hoảng kinh tế của đất nước bắt đầu diễn ra, và đẩy lên cao trào trong tháng 4.
Có nhiều khách nước ngoài vừa đến đã rời khỏi Sri Lanka trong bối cảnh cuộc khủng hoảng diễn ra, chỉ còn lại những khách nội địa. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây ảnh hưởng toàn diện tới các hệ thống các tàu điện bị cắt điện từ 10-12 tiếng mà nhiều khi đang giữa chừng phải dừng lại, các phòng khách sạn được đặt sớm đều bị hủy vì đang cầm cự nhờ việc dùng máy phát điện để rồi nhiên liệu đang dần cạn kiệt.
Sri Lanka đang vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ khi giành được độc lập, khi chính phủ Đảo quốc Ấn Độ Dương không còn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng trong thời gian dài đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Sri Lanka từ lâu đã ký nhiều thỏa thuận vay của nước ngoài nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính sách quản lý tài chính yếu kém cùng tác động từ đại dịch Covid-19 với ngành du lịch, vốn mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, đã khiến Sri Lanka ngập trong "núi nợ". Sri Lanka phải nhập khẩu hầu hết mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng.
"Nếu tình hình tiếp diễn, du lịch Sri Lanka phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng việc làm lớn trong ngành. Các đơn đặt phòng của chúng tôi đang bị hủy. Điều tồi tệ nhất là thời gian tới không có khách đến, trong khi đang là mùa cao điểm", giám đốc điều hành một khách sạn cao cấp tại thủ đô Colombo nói.