Không quá lạc quan với vận tải hàng không quốc tế
Mảng quốc tế sẽ phục hồi hoàn toàn từ 2024-2025 với tổng sản lượng khách quốc tế tính theo RPK của Vietnam Airlines và Viejet Air sẽ tương đương lần lượt 34%, 67%, 98% và 107% so với mức trước dịch Covid-19.
Hoạt động hàng không tại thị trường trong nước đã vượt mức đại dịch nhờ tỷ lệ tiêm chủng tối ưu (tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ mũi cơ bản của Việt Nam đạt 86% tính đến ngày 31/8/2022) để gỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với hoạt động hàng không trong nước. Các cơ quan chức năng đã bỏ yêu cầu khai báo y tế trong tại sân bay đối với các chuyến bay nội địa vào tháng 5/2022. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức gỡ bỏ các hạn chế đối với tần suất của các chuyến bay trong nước vào ngày 24/3/2022.
Vì đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, hoạt động vận tải hàng không trong nước đã vượt mức cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch). Tổng lượt hành khách trong nước đạt 52 triệu lượt trong 7 tháng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh đã củng cố đà phục hồi của hàng không trong nước. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, số lượng khách du lịch trong nước trong 7 tháng cao hơn 37% so với con số ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019. Mặc dù sự gia tăng trong kỳ này có thể đến từ xu hướng “du lịch bù” sau các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19 vào năm 2021, nhu cầu du lịch trong nước vẫn ổn định trong 2 năm dịch Covid-19 (cụ thể, năm 2020 và 2021) và phục hồi về mức trung bình trước dịch sau khi các hạn chế về việc đi lại được gỡ bỏ.
Theo đó, kỳ vọng hoạt động vận tải hành khách bằng đường hàng không trong nước sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu du lịch trong tương lai. Dự báo tổng doanh thu hành khách mỗi km (RPK) trong nước của Vietnam Airlines (HoSE: HVN) và Vietjet Air (HoSE: VJC) đạt lần lượt 125%, 133%, và 139% so với con số của năm 2019 vào các năm 2023, 2024, và 2025.
Mảng hàng không quốc tế đang trong đà phục hồi chậm lại do lượng khách du lịch đến từ các quốc gia Đông Á thấp. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 897% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ đạt 10% so với cùng kỳ năm 2019. Xu hướng phục hồi chậm cũng có thể thấy ở các quốc gia Đông Nam Á khác.
Lượng hành khách quốc tế phục hồi chậm chủ yếu do lượng khách đến từ Trung Quốc thấp bởi chính sách Zero-Covid. Trung Quốc chiếm hơn 32% tổng lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019. Ngoài ra, lượng khách từ Nhật Bản với đóng góp 5,3% tổng lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm do yêu cầu tái nhập cảnh nghiêm ngặt và chính sách mở cửa còn hạn chế.
Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng chính sách Zero-Covid từ cuối quý IV/2022. Chính phủ Nhật Bản gần đây đã công bố kế hoạch nới lỏng kiểm soát biên giới từ ngày 7/9 và nâng số lượng người được cho phép nhập cảnh vào quốc gia này từ 20.000 lên 50.000 người/ngày. Động thái này sẽ giúp lượng khách từ Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ.
Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ được kỳ vọng là các quốc gia chính đóng góp lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn phục hồi. Gần đây, Hàn Quốc đã nối lại đường bay với Việt Nam và chính phủ nước này đã nới lỏng các quy định cho công dân trở về nước. Các hãng đang khai thác các tuyến bay thẳng giữa Việt Nam với Ấn Độ; và khách du lịch Ấn Độ ngày càng chuyển dịch sang các quốc gia gần hơn từ Trung Quốc và châu Âu, cũng như đến các quốc gia đưa ra các yêu cầu thị thực và nhập cảnh dễ dàng hơn.
Mảng quốc tế sẽ phục hồi hoàn toàn từ 2024-2025 với tổng sản lượng khách quốc tế tính theo RPK của Vietnam Airlines và Viejet Air sẽ tương đương lần lượt 34%, 67%, 98% và 107% mức trước dịch Covid-19 trong năm 2022, 2023, 2024, và 2025.
Chi phí nhiên liệu giảm trong dài hạn ảnh hưởng thế nào đến hàng không? Giá dầu thô đã hạ nhiệt từ đỉnh tháng 6 nhưng vẫn duy trì cao hơn mức trước dịch. Giá dầu Brent trong 8 tháng đã tăng 55% so với năm ngoái, đạt trung bình 104 USD/thùng, và cao hơn 60% so với giá trung bình cùng kỳ 2019. Ngoài ra, nguồn cung dầu và các sản phẩm hóa dầu đã phục hồi trên toàn cầu vào tháng 7/2022 và sự phục hồi dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm nay.
Vì vậy, kỳ vọng giá dầu Brent trung bình và chênh lệch giữa giá nhiên liệu máy bay với giá dầu Brent sẽ giảm từ năm 2022-2025. Dù các cơ quan chức trách vẫn chưa quyết định chính sách phụ thu phí nhiên liệu theo đề xuất của các hãng hàng không, song lạc quan với triển vọng chính sách được thông qua giúp các hãng chuyển giá nhiên liệu sang cho khách hàng. Trong nửa đầu năm 2022, Korean Air, AirAsia Malaysia và Japan Airlines bắt đầu áp dụng lại phụ thu phí nhiên liệu cho cả chuyến bay trong nước và quốc tế.