Khoảng 400.000 người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ điện thoại
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến quý III năm 2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước. Khoảng 15 triệu người đang sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh.
Vấn đề này đã được đại diện cơ quan quản lý viễn thông, chuyên gia và các nhà mạng chia sẻ tại Tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số”. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo mục tiêu tắt sóng 2G vào trong năm 2024.
Các thiết bị 2G cũ sẽ không còn có thể sử dụng trong năm tới
Cụ thể, thuê bao sử dụng điện thoại “cục gạch” nghe gọi, nhắn tin sẽ phải chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh hoặc điện thoại có dịch vụ 3G, 4G. Tuy nhiên, từ tháng 9/2024-9/2026, Bộ TT&TT vẫn cấp phép cho các nhà mạng duy trì công nghệ 2G để cung cấp dịch vụ cho thuê bao 3G và 4G không có VoLTE (không có dịch vụ thoại). Từ tháng 9/2026, băng tần 900 MHz (đang dùng cho 2G) sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho 4G, 5G.
Dù khẳng định tắt sóng 2G là xu thế tất yếu nhưng các chuyên gia, nhà mạng đều nhận định đây là chính sách có tác động xã hội lớn khi tỷ lệ người dùng 2G ở Việt Nam còn cao. Khoảng 15 triệu thuê bao đang dùng 2G. Viettel, nhà mạng có số lượng thuê bao lớn nhất Việt Nam, vẫn còn khoảng 16% người dùng 2G. VinaPhone còn 3 triệu người dùng 2G, tương đương khoảng 8% tổng số thuê bao của nhà mạng này.
Theo các nhà mạng, tỷ lệ lớn khách hàng đang dùng 2G là người già, người đang sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, khoảng 70% khách hàng dùng 2G của Viettel ở nông thôn, khả năng tiếp cận thông tin thấp hơn, gặp rào cản về thu nhập khi phải bỏ tiền để thay thế thiết bị.
Để thúc đẩy người dân chuyển đổi từ 2G sang 4G, sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ, trong đó, Quỹ Viễn thông công ích dành kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa với khoảng 400.000 điện thoại. UBND một số tỉnh, thành phố có kế hoạch hỗ trợ các hộ khó khăn nhưng không thuộc diện hỗ trợ của Quỹ Viễn thông công ích thông qua các chương trình ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, việc hỗ trợ cũng có thể được thực hiện theo hình thức xã hội hóa thông qua việc cài đặt sẵn các ứng dụng trong điện thoại hỗ trợ.