Kết nối đường sắt tốc độ cao đến ga Hà Nội
Theo tư vấn, quy hoạch mạng lưới bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi, cách xa trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía bắc sông Hồng.
Liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) vừa hoàn tất báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội.
Tư vấn đề xuất ga đầu mối phía Nam là ga Ngọc Hồi, chuyển depot (nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác) Thường Tín về khu vực ga Ngọc Hồi. Ga đầu mối phía Đông là ga Lạc Đạo (tỉnh Hưng Yên).
Ga đầu mối phía Bắc bổ sung ga Yên Thường (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đảm nhiệm chức năng ga đầu mối về hàng hóa; ga Yên Viên đầu mối về hành khách, trong đó bao gồm cả kết nối trung chuyển với đường sắt đô thị (tuyến số 1); ga Bắc Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là ga trung gian có xem xét bố trí dự trữ quỹ đất để phát triển công nghiệp đường sắt.
Ngoài ra, ga Hà Nội là ga có chức năng phục vụ hành khách đường sắt đô thị kết hợp với hành khách đường sắt tốc độ cao. Theo tư vấn, quy hoạch mạng lưới bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi, cách xa trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía bắc sông Hồng.
Mặt khác, loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với các loại hình giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay. Theo đó, nên kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội.
Cũng theo báo cáo, mạng lưới đường sắt khu đầu mối trong tương lai bao gồm toàn bộ các tuyến hướng tâm như hiện nay và bổ sung thêm 2 tuyến vành đai (vành đai phía đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi đầu tư trước năm 2030 và vành đai phía tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi đầu tư sau năm 2030); cùng đó là một số tuyến đường sắt hướng tâm mới trên các hành lang có nhu cầu vận tải cao như: Hà Nội - TP.HCM, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn.
Trong đó, toàn bộ tuyến đường sắt vành đai phía tây hiện tại cùng với các đoạn tuyến đường sắt quốc gia phía trong đường vành đai 4 sẽ từng bước được chuyển đổi công năng thành đường sắt đô thị.
Liên quan tới phương án tổ chức khai thác vận tải đường sắt khu đầu mối Hà Nội, tư vấn đề xuất trong giai đoạn đầu, toàn bộ tàu khách hướng tâm sẽ dừng tại các ga đầu mối trên tuyến vành đai, trung chuyển thông qua hệ thống giao thông công cộng của TP Hà Nội (xe buýt, đường sắt đô thị). Riêng tàu khách tốc độ cao tiếp cận vào ga Hà Nội.
Ở giai đoạn sau, các đô thị vệ tinh phát triển đủ lớn, nhu cầu kết nối giữa đô thị vệ tinh và đô thị hạt nhân tăng cao sẽ xem xét tổ chức các đoàn tàu khách ngoại ô chạy hướng tâm để vận chuyển hành khách giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh; hướng đến các đối tượng là người lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu đi lại thường xuyên.
Về phía TP Hà Nội, tư vấn kiến nghị xem xét bố trí quỹ đất tại khu vực ga Yên Thường: Dự kiến khoảng 34ha, cho ý kiến về tính khả thi về quỹ đất đối với phương án di dời depot đường sắt tốc độ cao về ga Ngọc Hồi.
Trước đó, tại cuộc họp với các đơn vị trực thuộc và tư vấn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vào tháng Năm vừa qua, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, Dự án Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam là dự án có quy mô lớn, công nghệ-kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng.