Kết nối đồng bộ các tuyến đường sắt
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết cần kết nối đồng bộ giữa đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị và các phương thức vận tải khác; trong đó lưu ý kết nối đường sắt với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistics…) trong vùng trọng điểm.
Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải vừa ra thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại buổi họp góp ý báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội diễn ra mới đây.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu tư vấn tiếp tục điều tra, khảo sát thu thập đầy đủ thông tin liên quan; tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện đồ án quy hoạch. Trong đó, lưu ý phải bảo đảm tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch ngành quốc gia; khắc phục các bất cập về quy hoạch đầu mối hiện nay; tiết kiệm quỹ đất, phù hợp với quy hoạch địa phương.
Đồng thời, kết nối đồng bộ giữa đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị và các phương thức vận tải khác; trong đó lưu ý kết nối đường sắt với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistics…) trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương.
Tư vấn phải tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu đầu vào như: Hiện trạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sử dụng đất, giao thông vận tải…; quy hoạch sử dụng đất, đô thị, giao thông vận tải, khu công nghiệp, cảng cạn, trung tâm logistics tại các địa phương liên quan khu đầu mối thành phố Hà Nội.Đồng thời, cập nhật các dự án liên quan: Dự án đường Vành đai 3, 4 thành phố Hà Nội; dự án đường sắt vành đai phía đông thành phố Hà Nội; dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...
Các dữ liệu phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch phù hợp. Làm việc cụ thể, kiểm tra thực địa cùng với địa phương và rà soát quy hoạch tỉnh để cập nhật thông tin chi tiết tại các ga Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Yên Thường...
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chỉ đạo, sớm hoàn thiện công tác điều tra, khảo sát thu thập số liệu đầu vào, đặc biệt là khảo sát nhu cầu giao thông (điểm đi, điểm đến, nhu cầu vận tải tại các đầu mối, mật độ vận tải trên các đoạn tuyến, tuyến đường sắt...). Từ khảo sát nhu cầu giao thông, kết hợp cập nhật quy hoạch tỉnh để xây dựng phương án chạy tàu, bố trí các ga, quy mô ga và xác định thứ tự ưu tiên đầu tư cho phù hợp.
Đặc biệt trong thông báo, Thứ trưởng cũng yêu cầu tư vấn xây dựng phương án tổ chức chạy tàu tối ưu cho cho các giai đoạn hình thành mạng lưới đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội; trong đó, có việc tổ chức khai thác, tổ chức chạy tàu chung giữa đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia; các tuyến đường sắt vành đai nghiên cứu tổ chức chạy tàu liên vùng.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại và có tính mở, đảm bảo kết nối thuận lợi, hiệu quả các tuyến đường sắt trong khu đầu mối, bao gồm cả kết nối đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị. Đối với các tuyến đường sắt hiện có cần xây dựng lộ trình điện khí hóa phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 (Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26).
Đối với các ga, tư vấn cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ; đề xuất giải pháp kết nối vận tải, đặc biệt là vận tải công cộng như: đường sắt đô thị, xe buýt; kết nối hạ tầng kỹ thuật bảo đảm khả năng giải tỏa hành khách, hàng hóa vào giờ cao điểm; xác định cụ thể quy mô, diện tích các hạng mục công trình và toàn bộ khu ga.
Kết luận thông báo Thứ trưởng yêu cầu, kết quả nghiên cứu phải đề xuất được mạng lưới tổng thể về hướng tuyến, tuyến, toàn bộ các ga khu vực đầu mối, phương án tổ chức khai thác; trong đó, lưu ý đến việc khai thác chung kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị.