Chuyên mục


Họp nóng về sửa đổi nghị định xăng dầu

15/02/2023 11:06 (GMT +7)

Bộ Công Thương cùng Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Tại cuộc họp này, hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, đại diện VCCI và hơn 100 doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu trên cả nước. 

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Sửa đổi Nghị định trên tinh thần cầu thị

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trước đây khi sửa đổi cũng trải qua thời gian hơn 2 năm nghiên cứu, thảo luận, rà soát và tiếp thu lượng lớn ý kiến của các chuyên gia cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới gần đây có nhiều biến động mang tính chất dị biệt, đặt ra những yêu cầu mới về công tác quản lý và điều hành thị trường trong nước, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng đất nước, kiểm soát CPI - một trong những cân đối chính của nền kinh tế nhưng đi cùng với đó là tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Trần Duy Đông, dự thảo mà Bộ Công Thương đang đưa ra vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trao đổi ý kiến, các phương án đưa ra trong dự thảo đều có nêu rõ ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, việc làm chính sách cần hướng đến hiệu quả lâu dài và tôn trọng quy định khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng, và “quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị”.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, Dự thảo Bộ Công Thương đưa ra lần này là rất rõ ràng, rất thẳng thắn và không ngại va chạm. Đây là tín hiệu thúc đẩy đối thoại. Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tác động gián tiếp đến doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Sự hiện diện của đông đảo đại diện các doanh nghiệp đến từ 50 tỉnh, thành phố cũng thể hiện sự quan tâm và nhu cầu rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đối với việc sửa đổi Nghị định.

“Chúng tôi cho rằng, về quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo Nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch". Ông Đậu Anh Tuấn đồng thời nhấn mạnh, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95. Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, năm 2022, các cơ quan quản lý nói chung và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nói riêng đều đã thực hiện rất tốt, rất tích cực chức năng của mình theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95. Tuy nhiên, những tồn tại còn bộc lộ trên thị trường xăng dầu cho thấy vấn đề nằm ở Nghị định và cần sửa đổi, chứ không phải do các cơ quan chức năng chưa làm “tròn vai”.

Đối với việc điều hành giá, ông Bùi Ngọc Bảo nêu rõ quan điểm, không phải chu kỳ điều hành bao nhiêu ngày, mà điều quan trọng là cần tính đúng, tính đủ các chi phí của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong công thức giá. Các chi phí này cần được tính rõ trong đủ 20 ngày - số ngày doanh nghiệp bắt buộc đảm bảo dự trữ xăng dầu theo quy định.

“Chúng ta có thể 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày điều chỉnh giá một lần, nhưng mỗi lần điều chỉnh thì phải quay lại 20 ngày để tính toán, tương ứng với mức tồn kho của doanh nghiệp, vậy mới tính được cả các loại chi phí, chẳng hạn như chi phí lưu thông của doanh nghiệp”, ông Bùi Ngọc Bảo nêu rõ.

Như vậy, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị nên quy định theo hướng Nhà nước công bố các yếu tố cấu thành giá như giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước,… còn doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm tính toán và cộng thêm chi phí của mình vào, từ đó xác định và công bố giá bán lẻ cuối cùng.

Đối với vấn đề chiết khấu, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng đây là vấn đề giữa các doanh nghiệp với nhau, Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi cần xem xét kỹ lưỡng khi đưa ra quy định về sự tham gia quản lý của Nhà nước. Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng phân tích thêm, việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá nhằm mục đích đưa giá tiệm cận hơn với giá thế giới, nhưng khi giá thế giới lên cao lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) để “bình ổn”, điều này chưa hợp lý.

Vấn đề kinh doanh xăng dầu đang nóng hơn bao giờ hết.

Vấn đề kinh doanh xăng dầu đang nóng hơn bao giờ hết.

Liên minh bán lẻ xăng dầu "khóc ròng" vì quy định cũ

 

Nhóm các thương nhân phân phối xăng dầu tại Việt Nam kiến nghị chu kỳ điều hành giá 15 ngày như trong Nghị định 83, và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ như thứ 7, chủ nhật, ngày Lễ Tết.

Lý do đưa ra là chu kỳ 7 ngày sẽ không phù hợp với thực tế tại Việt Nam, khi kể từ khi ký hợp đồng nhập khẩu đến khi xăng dầu được vận chuyển về đến Việt Nam phải mất đến 10-15 ngày, về đến Việt Nam lại mất khoảng 5-7 ngày xăng dầu mới được vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (ở Hà Giang), cho biết nhóm doanh nghiệp bán lẻ của ông có 9.000 trên tổng số 17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Với mỗi cửa hàng, chi phí tối thiểu một tháng ước khoảng 100 triệu đồng. Số này bao gồm lương nhân viên 30 triệu đồng; khấu hao 30 triệu đồng; điện nước, bảo vệ 10 triệu đồng; thuê đất, sửa chữa hao hụt 10 triệu đồng; chi phí kế toán, trả lãi ngân hàng 20 triệu đồng.

"Ước tính số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ thời cao điểm nhất là 900 tỷ đồng/tháng, lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay thua lỗ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bán lẻ đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh", ông Tùng nói.

Đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Giang kiến nghị ban soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi để doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các doanh nghiệp đầu mối.

Bên cạnh đó, ông Tùng đề nghị quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử… Cụ thể, chi phí định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó của khâu bán lẻ khoảng 3-5%, lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ khoảng 2-2,5%.

Đồng quan điểm, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - cho rằng chi phí, lợi nhuận định mức xăng dầu cần phải chia 3 khâu gồm đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Theo ông, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ phải bằng 5-6% giá bán, còn lại cơ quan chức năng trực thuộc cần tính toán cho hợp lý.

Ngoài ra, Nghị định về kinh doanh xăng dầu cần phải có quy định về mức chiết khấu tối thiểu, cụ thể xem chiết khấu như một khoản chi phí trong kinh doanh xăng dầu. Điều này giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi tình huống biến động của thị trường.

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dầu khí Hải Long, đề xuất doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều đầu mối. "Nếu có 1-2 hay thậm chí 3 đầu mối có hợp đồng mua bán xăng dầu với thương nhân phân phối đều bị xử phạt, đình chỉ giấy phép khi xảy ra sai phạm như thời gian vừa qua thì thương nhân biết nhập hàng từ đâu? Chưa kể, các đầu mối có thể liên kết ép giá, khống chế chiết khấu cho thương nhân phân phối", ông Toàn nói.

Đại diện thương nhân phân phối xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai, cũng kiến nghị đến cơ quan soạn thảo một số vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối khi sửa đổi quy định.

Cụ thể, ông Phụng cho rằng đề xuất "thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 3 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác" cho thấy dấu hiệu của sự đứt gãy nguồn cung. Thương nhân phân phối giữ vai trò đưa hàng từ đầu mối, phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Vì vậy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét không hạn chế số lượng đầu mối mà thương nhân phân phối được nhập hàng và tiếp tục cho các thương nhân phân phối nhập hàng của nhau.

Các chuyên gia nói gì?

TS Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, về lâu dài, cần để giá xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường, phản ánh đúng giá cả thực tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu quốc gia để khi thị trường khó khăn sẽ có nguồn cung bơm ra thị trường.

Còn với mục tiêu trước mắt, khi giá xăng dầu vẫn chịu sự quản lý của nhà nước, cần lập 1 hội đồng mà ở đó có tất cả các bên: bán lẻ, nhà khoa học, cơ quan quản lý để cùng xây dựng một công thức giá. Đó có thể là giá tham chiếu để doanh nghiệp áp dụng.

Theo PGS. TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Quỹ BOG đang hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá; có xu hướng trích lập vào Quỹ khi giá ở kỳ điều hành trước giảm và ngược lại. Quỹ có vai trò điều hành giá quanh mức trung bình, “chống sốc” trong những kỳ biến động mạnh.

Do đó, ông khuyến nghị, Quỹ BOG chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Đồng thời, nên rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế tại hội thảo, ông Trần Duy Đông cho biết: Thời gian qua, nhà nước đã có những chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ thương nhân phân phối, nhập khẩu đến các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt.

Ông Đông đánh giá: Những bài phát biểu, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, các chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo rất hay, ngắn gọn trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và đối thoại liên quan đến những vấn đề của thị trường xăng dầu, như mức chiết khấu tối thiểu, Quỹ Bình ổn giá, và những câu hỏi liên quan đến vấn đề thị trường xăng dầu đã cạnh tranh hoàn toàn chưa?...

"Chúng tôi sẽ xem xét, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, báo cáo trình cấp có thẩm quyền, xem xét đến tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, mục tiêu quản lý nhà nước, giúp thị trường xăng dầu được cải thiện, khắc phục những bất cập thời gian qua", ông Trần Duy Đông khẳng định.

Mỹ Diệu
Hải Phòng yêu cầu di chuyển hàng hoá ra khỏi Cảng Hoàng Diệu
UBND quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng yêu cầu các Đại lý/Hãng tàu và chủ hàng chủ động liên hệ tới Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu để thực hiện di chuyển hàng hoá, tài sản ra khỏi các kho, bãi tại Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu trước ngày 22/8/2024.

Chủ đầu tư xây cao tốc vướng khi khai thác mỏ cát
Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng.

Quảng Ngãi giải ngân vốn đầu tư công thấp
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng, đạt hơn 22% kế hoạch được giao.

Vietjet mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo
Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus vừa ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.

6 giải pháp ứng phó với cước vận tải biển leo thang
Trước tình trạng giá cước vận tải biển tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các Hiệp hội đề xuất 6 giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn thiếu tàu bay cho các hãng hàng không
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40 - 45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways, Pacific Airlines. Trong khi, hàng không nội địa khó tìm được tàu bay thuê do giá thuê tăng cao.

Các đơn vị điện lực, viễn thông sẽ phải trả phí thuê hạ tầng đường bộ
Luật Đường bộ mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí từ khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông và công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.