Hải Dương khởi công loạt công trình giao thông đường bộ
3 công trình giao thông hoàn thành sẽ hình thành trục vành đai giao thông thông suốt và tạo điều kiện thuận lợi để kết nối khai thông phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và các vùng lân cận.
Ngày 3/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ khởi công 3 dự án giao thông gồm: đường trục Đông-Tây; 2 nút giao lên đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng kết nối với đường tỉnh 390 tại huyện Thanh Hà và đường tỉnh 392 tại huyện Bình Giang.
Đầu tiên là dự án xây dựng đường trục Đông-Tây, tỉnh Hải Dương, dự án được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, có chiều dài tuyến đường là 36,5km, quy hoạch 4-6 làn xe, quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng với thời gian hoàn thành 2022-2024.
Điểm đầu giao cắt với đường tỉnh 392C, tiếp giáp và kết nối với dự án xây dựng cầu vượt sông Chanh thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện; điểm cuối tại km 36+493 giao đường tỉnh 391 thuộc địa phận xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ.
Tuyến đường trục Đông-Tây nhằm kết nối các tuyến đường trục chính đã xây dựng: đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Quốc lộ 38B, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, tuyến đường trục Bắc-Nam tỉnh Hải Dương, Quốc lộ 37, Quốc lộ 10 và kết nối nhiều tuyến đường tỉnh của Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, từ đó, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giảm tải các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông, giảm hành trình đi từ khu vực phía Đông Nam thành phố Hải Dương đến Hưng Yên.
Đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khi hình thành, trục Đông - Tây tỉnh là trục giao thông chính liên kết các vùng huyện phía nam của tỉnh Hải Dương và huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Tuyến đường cũng sẽ liên kết các trục giao thông đối ngoại quan trọng như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38B, quốc lộ 37 với mạng lưới đường tỉnh 393, 391, 396, 392B...
Tiếp đó, nút giao với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng kết nối đường tỉnh 390 tại huyện Thanh Hà tại km 70+660 do Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc tài trợ.
Phạm vi dự án có điểm đầu giao đường tỉnh 390 tại lý trình khoảng km 1+956; điểm cuối đấu nối với đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại km 70+660 (trùng với vị trí nút giao đã giải phóng mặt bằng của Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng).
Dự án gồm 1 cầu vượt đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với chiều rộng 15,5m; 1 cống chui dân sinh; 3km đường dẫn đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật về kết nối đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được duyệt. Tổng đầu tư của dự án khoảng 350 tỷ đồng.
Cuối cùng, nút giao với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng kết nối đường tỉnh 392 tại huyện Bình Giang tại km 39+900 do Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát tài trợ xây dựng. Phạm vi dự án có điểm đầu giao với đường tỉnh 392 tại lý trình km 9+080; điểm cuối đấu nối với đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại km 39+900 (trùng với vị trí nút giao đã thi công dở dang của dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng).
Dự án gồm 1 cầu vượt đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; 1 cống chui dân sinh; 3,6km đường dẫn. Cầu vượt có chiều dài 215,2m; rộng 15,5m, các dầm là bêtông cốt thép dự ứng lực liên tục. Cống chui dân sinh có kết cấu bê tông dự ứng lực với chiều cao tĩnh không là 4m x 3,2m, chiều dài là 33,2m. Đường dẫn có kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Tổng vốn đầu tư của công trình trên 321 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để các công trình sớm hoàn thành đảm bảo yêu cầu về tiến độ, kỹ thuật và chất lượng, Chủ đầu tư, Bên tài trợ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng theo quy định, sát sao đôn đốc các nhà thầu giám sát, thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Đồng thời ông Hùng cũng đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện liên quan chủ động phối hợp với Chủ đầu tư, Nhà tài trợ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi công, đặc biệt là tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Đường trục Đông - Tây. Mặt khác, ông yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát công trình bố trí cán bộ giám sát có năng lực tốt để thường xuyên hướng dẫn, giám sát Nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, các đơn vị thi công bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị, tập trung thi công các công trình đảm bảo chất lượng và phấn đấu vượt tiến độ đề ra để sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.