Lạc quan về chu kỳ mới của Vn-Index
Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần trước không quá ảm đảm với thông tin khởi tố, bắt giam, kỷ luật và tiếp tục điều tra. Vn-Index đã trở lại qua mốc 1.500 điểm và kỳ vọng tiếp tục tăng với chu kỳ mới.
Duy trì quán tính tăng điểm với đợt mới
Nhận định về phiên giao dịch ngày 4/4, Công ty Chứng khoán Bản Việt - VCSC cho rằng, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của HNX-Index cải thiện lên mức trung tính, tương đồng với tín hiệu của VNSmallcap. Trong khi đó, tín hiệu ngắn hạn của VNMidcap quay trở lại mức tích cực, tương đồng với tín hiệu của VN-Index và VN30.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể sẽ duy trì quán tính tăng điểm trong phiên sáng, trong đó VNSmallcap và HNX-Index sẽ kiểm định kháng cự MA10 ngày còn VN-Index sẽ kiểm định kháng cự đỉnh lịch sử tại 1.530-1.535 điểm. Ngưỡng kháng cự này có thể thúc đẩy lực bán chốt lãi ở vùng giá cao, tạo nên sự giằng co và rung lắc cho các chỉ số. Tuy nhiên, nếu VN-Index có thể trụ vững trên mốc 1.515 điểm sau nhịp củng cố này, chỉ số sẽ có cơ hội tăng điểm ở những phiên sau đó để lập đỉnh lịch sử mới tại khu vực 1.560-1.665 điểm. Ngược lại, nếu VN-Index đảo chiều đóng cửa dưới 1.515 điểm, chỉ số có thể sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ MA5, MA10 đang nằm tại 1.500 điểm.
Trong khi, Công ty Chứng khoán Phú Hưng - PHS nhận định, VN-Index có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch vượt mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền tham gia thị trường tích cực. Không những vậy, chỉ số vượt qua đường Trendline nối đỉnh với nến tăng cô đặc và thoát khỏi mô hình tam giác hình thành từ đầu tháng 12/2021 tới nay, cùng với RSI vượt lên trên ngưỡng 60, cho thấy chỉ số có thể đang bước vào một đợt tăng mới. Thêm vào đó, đường +DI có tín hiệu cắt lên đường –DI, cùng với đường MACD có dấu hiệu tạo mẫu hình Hook, cho tín hiệu mua mới và chỉ số có thể có cơ hội tiến lên thử thách lại ngưỡng đỉnh lịch sử quanh vùng 1.530 – 1.535 điểm.
HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên tăng trở lại và cắt lên MA20, cùng với RSI giữ được trên đường Midline, cho thấy chỉ số vẫn còn cơ hội giữ được xu hướng phục hồi ngắn hạn, và hướng lên thử thách lại vùng đỉnh gần nhất, quanh ngưỡng 465 điểm. Nhìn chung, thị trường đang quay lại xu hướng phục hồi sau phiên tăng điểm 1/4. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng thêm một phần nhỏ tỷ trọng tại các nhịp rung lắc kỹ thuật, với ưu tiên là các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh 2022 tươi sáng và đang hút được dòng tiền mạnh
Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức giao dịch trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, VN-Index đứng ở mức 1.516,44 điểm, tương ứng tăng 17,94 điểm (1,2%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 7,65 điểm (-1,66%) xuống 454,1 điểm. UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,16%) xuống 117,19 điểm. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 33.102 tỷ đồng/phiên, tăng 4,9%. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 30.386 tỷ đồng/phiên.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trong khi nhà đầu tư tổ chức cũng như khối ngoại đều có được sự tích cực.
Theo dữ liệu của FiinPro, cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng 1.270 tỷ đồng tại sàn HoSE trong tuần giao dịch 28/3-1/4, giảm 37% so với tuần trước đó, trong đó có 950 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Các cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất mã DGC với giá trị 688 tỷ đồng. VNM và TCB bị bán ròng lần lượt 357 tỷ đồng và 264 tỷ đồng. DXG và NKG đều bị bán ròng trên 200 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, MWG đứng đầu danh sách mua ròng của các cá nhân với 240 tỷ đồng. HPG và VHM đứng sau với giá trị mua ròng đều trên 200 tỷ đồng.
Các tổ chức trong nước chấm dứt chuỗi 5 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 455 tỷ đồng, trong đó có 382 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất mã TCB với 264 tỷ đồng. ACB và HPG với giá trị mua ròng lần lượt 159 tỷ đồng và 148 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, MWG bị bán ròng mạnh nhất với 240 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND và FPT có giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Tại sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng 816 tỷ đồng, giảm 67% so với tuần trước. DGC vẫn là cổ phiếu được khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất với giá trị 761 tỷ đồng. Tiếp theo, VNM với 377 tỷ đồng. EIB, VRE, DXG, HDB, NKG và KDH đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.
HPG đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 380 tỷ đồng. VHM và VIC bị bán ròng lần lượt 256 tỷ đồng và 118 tỷ đồng.