TT.Huế tạo môi trường thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Việc tạo dựng, hình thành một môi trường thuận lợi để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo (KNST) được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội tại Thừa Thiên Huế.
Với quan điểm xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) đặt doanh nghiệp là trọng tâm của hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), kiến tạo môi trường, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST và các doanh nghiệp KNĐMST; việc tạo dựng, hình thành một môi trường thuận lợi để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo (KNST) được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương thời gian qua.
Đòn bẩy giúp doanh nghiệp tập trung khởi nghiệp kiến tạo, thúc đẩy nền kinh tế, khoa học công nghệ phát triển
Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, với quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Trên cơ sở này, việc phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết số 54 là rất quan trọng, đòi hỏi chính quyền và các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp thiết thực, xác định đây là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để tỉnh chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện chủ trương đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều nhiệm vụ, những bước đi cụ thể, HĐND, UBND tỉnh đã nhanh chóng ban hành các văn bản liên quan nhằm triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, cụ thể như Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII); Quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030...
Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là thiết chế quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối về tài chính các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân trong việc đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thừa Thiên Huế cho biết, với những chính sách, kế hoạch sớm và thiết thực, bám sát tinh thần của Đề án 844 đã giúp hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến nhiều sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng như các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh. Các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cũng được kết nối để đồng hành và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Với sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến nay đã tạo được những điểm sáng, giúp cổ vũ, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở địa phương và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
“Các ý tưởng khởi nghiệp đạt giải cao tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng tôi sẽ xem xét, phê duyệt đặt hàng thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Sau khi nhận hỗ trợ thông qua thực hiện dự án KHCN cấp tỉnh, đến nay, các dự án khởi nghiệp đã triển khai, bước đầu góp phần hoàn thiện và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, phát triển thị trường, đây là động lực quan trọng đối với các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp trong tình hình hiện nay”, ông Hồ Thắng chia sẻ.
Cũng trong năm 2023, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã khai trương Văn phòng Tư vấn, hỗ trợ dịch vụ KHCN&ĐMST, đây là mô hình mới đầu tiên tại tỉnh tập hợp các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ các chính sách, hỗ trợ truyền thông, tư vấn các hoạt động dịch vụ KHCN&ĐMST.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo mới, phù hợp với thực tiễn
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh và KHCN không ngừng thay đổi, việc thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là một nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ đối với các cấp trung ương mà còn đối với chính quyền địa phương. Đây được coi là một quyết sách quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững và có khả năng thích ứng cao.
Phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực tiễn triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách về KHCN&ĐMST, đặc biệt là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong cách hiểu cũng như trong thực thi các chính sách, pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh liên quan đến ĐMST và KNST được xây dựng, ban hành bởi nhiều cơ quan chủ trì khác nhau nhưng chưa có sự thống nhất xuyên suốt dẫn đến sự khó khăn, thậm chí không thực hiện được các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ĐMST và KNST.
“Hiện nay, Bộ KH&CN đang xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2025), trong đó sẽ thống nhất, đồng bộ hóa và luật hóa các vấn đề lớn, có tính cơ bản như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách đề đầu tư cho ĐMST, KNST, mô hình quỹ quốc gia về ĐMST, KNST, các chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng tài sản công… hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau”, Thứ trưởng Hoàng Minh thông tin.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác hoạch định và thực thi chính sách hỗ trợ KNST vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo ông Hồ Thắng, việc hỗ trợ theo Nghị quyết 21 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả, do cơ chế ràng buộc về hình thức, thủ tục hỗ trợ, chưa thu hút, khuyến khích được các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Bộ KH&CN chưa hướng dẫn rõ thẩm quyền chứng nhận các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung do đó các cơ sở chưa được chứng nhận nên chưa thể hỗ trợ theo quy định.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, chính sách ưu đãi đối với cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các hỗ trợ như: Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp… nhưng việc hỗ trợ vẫn khó thực hiện nếu chưa có quy định pháp lý về cấp giấy chứng nhận. Tại Điều 10, Khoản 2 Điểm b của Thông tư số 45/2019/TT-BTC về “Nội dung và mức chi hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Chi hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, việc hỗ trợ mang tính gián tiếp, chỉ hỗ trợ “sử dụng dịch vụ”, chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp khởi nghiệp. “Hỗ trợ tối đa 35% kinh phí”, mức hỗ trợ còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn kinh tế hiện nay nên chưa thu hút doanh nghiệp tham gia, việc đối ứng kinh phí còn khó khăn.
Do đó, việc nhận diện rõ các hạn chế, thách thức, đồng thời sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp, đáp ứng nhu cầu KNST trong khuôn khổ pháp lý là điều hết sức cần thiết. Các quy định cần định nghĩa cụ thể cho các thuật ngữ “khởi nghiệp”, “doanh nghiệp khởi nghiệp”, “khởi nghiệp sáng tạo”, quy định tiêu chí doanh nghiệp KNST. Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp KNST hiện nay hầu như mới chỉ đề cập tới các biện pháp hỗ trợ mà chưa đề cập tới việc triển khai thực thi các quy định này cũng như cách thức xử lý nếu như doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định để nhận hỗ trợ.
Bộ KH&CN cần có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung để đảm bảo việc thụ hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ được hiệu quả. Xem xét nội dung và mức hỗ trợ về Chi hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ KNĐMST, để việc hỗ trợ hoạt động KNST phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, thiết thực, tránh tình trạng thiếu nhất quán, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau. Hoàn thiện quy định về quỹ đầu tư KNST, việc phát triển quỹ đầu tư KNST và hình thành môi trường đầu tư KNST một cách minh bạch và cụ thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thực chất và hiệu quả, đồng thời giúp các nhà đầu tư thoát khỏi những lúng túng trong quá trình tổ chức hình thức đầu tư phù hợp. Do đó, các quy định pháp luật cần linh hoạt và rõ ràng để các nhà đầu tư có thể cấp vốn cũng như thu hồi vốn một cách chủ động, minh bạch.
Thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn đầu tư của doanh nghiệp khởi nghiệp. Tăng cường tầm ảnh hưởng và hiệu quả hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp và quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm. Đổi mới, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, thực hiện triển khai lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính sẵn có từ trong nước, nước ngoài, thúc đẩy ĐMST mở, phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực; cơ chế tài chính đặc thù cho các hoạt động đào tạo, ươm tạo… cho KNST.
Từ thực tiễn Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNST của Việt Nam, cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để thúc đẩy ĐMST và KNST, góp phần tạo ra một hệ sinh thái KNST sôi động và bền vững, để KHCN&ĐMST thực sự là động lực, đột phá chiến lược để đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.