Hà Nội sắp có thêm sân bay dân dụng
Bộ Chính trị đã thống nhất bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc và xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội.
Hà Nội sắp bước vào giai đoạn phát triển mới với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được triển khai trong thời gian tới, nổi bật là kế hoạch mở rộng chức năng của hai sân bay quân sự Gia Lâm và Hòa Lạc, đồng thời xây dựng thêm một sân bay thứ hai. Đây là những nội dung quan trọng trong Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn 2065 do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành.
Theo đó, sân bay Gia Lâm và sân bay Hòa Lạc sẽ được bổ sung thêm chức năng dân dụng, trở thành các sân bay lưỡng dụng trong tương lai gần. Sân bay Gia Lâm từng là sân bay hỗn hợp dân sự và quân sự do người Pháp xây dựng từ năm 1935, nhưng sau khi được Việt Nam tiếp quản vào năm 1954 đã chuyển sang mục đích quân sự hoàn toàn. Trong khi đó, sân bay Hòa Lạc tọa lạc trên địa bàn huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, hiện có 3 đường băng với chiều dài mỗi đường khoảng 2.200 m.
Song song với việc mở rộng sân bay hiện hữu, Hà Nội cũng sẽ có thêm một sân bay thứ hai. Bộ Chính trị đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng về vị trí và tác động kinh tế - xã hội của sân bay mới, đảm bảo sự phù hợp với định hướng phát triển chung của Thủ đô và vùng lân cận. Ngoài ra, đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chạy xuyên tâm qua trung tâm thành phố và ga Hà Nội cũng sẽ được cân nhắc thêm về hiệu quả và tính đồng bộ với mạng lưới đường sắt quốc gia.
Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu đưa ra tầm nhìn và giải pháp đột phá để khai mở cơ hội và giá trị mới cho sự phát triển của Hà Nội theo hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Muốn vậy, việc tăng cường kết nối liên vùng, đặc biệt là kết nối giao thông và logistics để phát huy lợi thế cũng như rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương là hết sức cần thiết.
Mặt khác, Hà Nội cũng cần tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch để tối ưu hóa các tiềm năng sẵn có. Cụ thể, khu vực nội đô lịch sử sẽ được cải tạo theo hướng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng khai thác giá trị của các di tích, danh thắng, công trình kiến trúc đặc sắc.
Thành phố cũng sẽ dành nhiều diện tích hơn cho hoạt động thương mại và dịch vụ thông qua việc sử dụng linh hoạt không gian phía trên, mặt đất và ngầm. Hà Nội cũng khuyến khích phát triển đa dạng các mô hình kinh tế ban đêm với nét đặc trưng riêng, đồng thời chú trọng hơn tới việc khai thác chuỗi sông hồ nổi tiếng như Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống hay sông Tô Lịch.
Với lộ trình phát triển bài bản và tầm nhìn dài hạn, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành một trung tâm kinh tế sôi động trong khu vực với hệ sinh thái du lịch - giải trí - mua sắm phong phú, hấp dẫn. Sự chuyển mình mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị hứa hẹn sẽ tạo đà bứt phá cho Thủ đô trong giai đoạn phát triển sắp tới, đưa Hà Nội tiến gần hơn tới vị thế một đô thị đẳng cấp trong mắt bạn bè quốc tế