Giá xăng chạm ngưỡng 24.200 đồng/lít
Từ 15h ngày 11/4, xăng E5 RON 92 tăng 1.090 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.120 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã có 7 lần tăng, 3 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Chiều 11/4, liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Quyết định tăng thêm 1.090 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 1.120 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.170 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.240 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng trong đợt điều hành này, song mức tăng thấp hơn giá xăng. Trong đó, giá dầu diesel tăng 710 đồng lên 20.140 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 700 đồng lên 19.730 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ trích lập 150 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, trích lập 300 đồng/lít với xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa. Cơ quan quản lý chỉ chi quỹ bình ổn 300 đồng/kg với mặt hàng dầu mazut. Như vậy, tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 11 lần điều chỉnh giá, trong đó có 7 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Dự liệu từ cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 5/4 cho thấy giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng tăng cao. Điều này có khả năng đã tác động mạnh đến giá xăng trong nước tại kỳ điều hành này.
Cụ thể, giá xăng RON95 giao dịch mức 104,3 USD/thùng, xăng RON92 là 101,89 USD/thùng, dầu diesel là 100,75 USD/thùng. Mức giá này cao hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/3 - 3/4 (xăng RON92 mức 93,822 USD/thùng, xăng RON95 mức 98,294 USD/thùng và dầu diesel là 96,891 USD/thùng).
Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 11/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 79,95 USD/thùng, tăng 0,21 USD/thùng tương đương tăng 0,26%; giá dầu thô Brent giao ở mức 84,33 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng tương đương tăng 0,18%.
Cũng theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3/4 - 11/4) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đã đồng ý nâng sản lượng cắt giảm tự nguyện từ tháng 5 lên 1,6 triệu thùng mỗi ngày để ổn định thị trường toàn cầu; tâm lý lo ngại lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu… làm giá xăng dầu tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng so với kỳ điều hành ngày 3.4.