Gánh nặng trên đôi vai doanh nhân Chu Thị Thành
Suốt 2 thập kỷ, TMD Group cùng hệ thống công ty thành viên khiến tỉnh nhà Nghệ An "nở mặt nở mày" khi trong top những doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất, rồi bứt phá đầu tư trong nam ngoài bắc,...cho đến khoảng thời gian hợp tác với đại gia ngành nhựa Plaschem thì khó khăn lại bộn bề.
Quá khứ lừng danh dần lãng quên
Gần đây dư luận bất ngờ trước thông tin Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức của bà Chu Thị Thành nợ thuế... Đặc biệt, phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra vào ngày 13/7/2022 của ông Nguyễn Đình Đức - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nghệ An cho hay: Tính đến ngày 30/6/2022, các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang nợ thuế với số tiền 979 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Thiên Minh Đức được xác định là doanh nghiệp có số nợ thuế nhiều bậc nhất.
Nhiều năm liền là đơn vị nộp thuế lớn nhất, dưới sự lãnh đạo của bà Chu Thị Thành, TMD Group đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức được thành lập tháng 9/2001, có địa chỉ trụ sở chính tại Số 2A, đường Lê Mao, phường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Vốn điều lệ của công ty này vào năm 2019 là 855 tỷ đồng, ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí, sản xuất giấy, bao bì, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài, với hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Được biết đến là đầu mối xuất nhập khẩu cả xăng dầu và khí hóa lỏng với mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và hiện đang sở hữu "Tổng Kho xăng dầu DKC & các sản phẩm sau dầu mỏ" lớn bậc nhất khu vực Bắc Trung bộ tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), hoạt động từ tháng 2/2019 với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Đây là dự án tổng kho xăng dầu kết hợp cảng chuyên vận lớn nhất Bắc Trung Bộ, có trữ lượng 115.000 m3 (gồm kho ngoại quan và kho nội địa) và được kỳ vọng sẽ đóng góp ngân sách cho tỉnh Nghệ An hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Doanh nhân Chu Thị Thành cũng được biết đến với nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, ủng hộ và hỗ trợ các chương trình cho người nghèo. Tại lễ khởi công Tổng kho xăng dầu DKC, nữ doanh nhân này đã trao tặng 1 tỷ đồng cho UBND xã Nghi Thiết xây dựng trường tiểu học.
Ngoài ra, TMD còn có một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu như: CTCP Dầu khí EPIC, CTCP Dầu khí Sài Gòn – Nghệ An, CTCP Xăng dầu DKC Hà Tĩnh. Hay tại Hải Phòng, Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Hoàng Huy (thành viên TMD Group) là chủ đầu tư dự án xây dựng kho xăng dầu 45.000 m3 tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên.
Tại miền Nam, trung bình mỗi tháng khoảng 2 chuyến tàu với sản lượng 20.000 tấn xăng dầu được nhập khẩu trực tiếp bởi chủ hàng TMD Group và lưu ký tại Tổng Kho Nhà bè.
Hoạt động lâu năm trong lĩnh vực cũng cấp xăng dầu, doanh nghiệp của bà Chu Thị Thành nắm bắt nhanh thời cơ kinh doanh trong lĩnh vực nào sẽ bội thu và đầu tư vào đâu sẽ được ưu đãi. Thông qua CTCP Năng lượng DKC, TMD Group còn đầu tư vào Dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu tại địa chỉ Lô C31, khu C, Khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thuộc Khu Kinh tế Đông Nam. Cũng tại tại tỉnh nhà, TMD Group còn là chủ đầu tư tại Phân khu chức năng 1 thuộc Dự án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ.
Xét về góc độ doanh thu, TMD Group liên tục tăng suốt từ năm 2017 đến nay (2.180 - 11.160 tỷ đồng). Dù vậy, lợi nhuận đúng là đáng chú ý. Công ty lỗ liên tục cho đến 2-3 năm gần đây lãi vài chục tỷ đồng. Luỹ kế đến nay lợi nhuận chưa đạt dương.
Được gì khi bắt tay với Plaschem?
Thực ra, TMD Group đã nợ thuế tỉnh từ vài năm nay, nhưng gần đây mới bị tiết lộ thông tin "thua trên sân nhà". Nhiều ý kiến cho rằng, TMD lợi nhuận khiêm tốn hoặc luôn để bị lỗ nhằm trốn thuế. Tuy vậy, trong giới tài chính cũng nhiều người hiểu rằng, dù ngạch kinh doanh xăng dầu có siêu lợi nhuận nhưng đầu tư bất động sản dàn trải thì âm vốn, thua lỗ cũng là không quá khó hiểu.
Bà Thành bắt đầu chú ý đến bất động sản từ khi hợp tác cùng đại gia ngành nhựa Bùi Tố Minh. TMD Group từ khi bắt tay cùng Plaschem tăng được quy mô tài sản, dự án bất động sản đầu tư; nhưng cũng vướng nhiều tai tiếng.
Là một người con của quê hương, tôi mong muốn đầu tư, xây dựng và phát triển tại Nghệ An với những điểm thuận lợi về cảng biển, hàng không và giao thông”.
Chu Thị Thành - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức
Ngày 31/12/2022, Bộ Công thương đã ban hành Kết luận thanh tra số 8146 tại hơn 10 doanh nghiệp (DN) là thương nhân đầu mối xăng dầu khu vực phía nam khi doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có hành vi bán hàng ra ngoài hệ thống; bán cho các cửa hàng bán lẻ khi chưa có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Trong đó, Công ty cổ phần Thiên Minh Đức đã mua xăng dầu từ 2 công ty con của Tập đoàn xăng dầu VN (Công ty xăng dầu khu vực II - TNHH MTV; Công ty xăng dầu Nghệ An) và một công ty con Tổng công ty Dầu VN (Công ty CP xăng dầu Vũng Áng), dù các công ty này không phải thương nhân đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu.
Thanh tra Bộ Công thương kết luận các công ty con của Tập đoàn xăng dầu VN và Tổng công ty Dầu VN bán xăng dầu cho Công ty Thiên Minh Đức là không phù hợp với quy định tại Nghị định 83/2014-NĐ-CP sửa đổi và Thông tư 38/2014/TT-BCT sửa đổi.
Trước đó, ngày 2/11/2022, thời điểm tình trạng khan hiếm xăng dầu, đứt gãy nguồn cung, TMD Group cũng bị Bộ Tài Chính "chỉ mặt điểm tên" cùng nhiều doanh nghiệp khác do không gửi thông tin về chi phí nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, Bộ Tài chính đã có văn bản số 10856/BTC-QLG ngày 21/10/2022 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo gấp những chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh xăng dầu. Thế nhưng tại thời điểm bị "điểm danh" vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp chưa chịu công bố thông tin.
Tập đoàn Thiên Minh Đức từng dính lùm xùm bán hơn 3.200 lít xăng kém chất lượng và bị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt hành chính hồi tháng 9/2019.
Quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Nghệ An đối với Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Theo Quyết định 3629/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Thiên Minh Đức (trụ sở tại số 2A, đường Lê Mao, TP Vinh) đã thực hiện hành vi vi phạm: Bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp vớ quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (cụ thể cửa hàng xăng dầu DKC Đền Cuông ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu đã bán 3.224 lít xăng E5 Ron 92-II có chất lượng không phù hợp, hàm lượng Etanol = 0,67% thể tích, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2015/BKHCN hàm lượng Etanol phải đạt từ 4-5% thể tích, trị giá hàng hóa vi phạm là 63.222.640 đồng), quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, đơn vị này còn có hành vi bán xăng dầu cho các đối tượng ngoài hệ thông phân phối của thương nhân, quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 19, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ.
Ngoài việc xử phạt hành chính số tiền gần 230 triệu đồng, UBND tỉnh Nghệ An còn áp dụng các hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trong thời hạn 1 tháng đối với cửa hàng xăng dầu DKC Đền Cuông thuộc Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Sau mối hợp tác không thành với CTCP Gami Bất động sản, Plaschem của ông Bùi Tố Minh (SN 1967) đã nhanh chóng "bắt duyên" kinh doanh cùng bà Chu Thị Thành. Mối duyên hợp tác này cũng khá lạ bởi để chọn đối tác đầu tư dự án lớn, thì có lẽ ông Minh đã không nên chọn doanh nghiệp doanh thu lớn nhưng lợi nhuận không cao. Nếu minh bạch tài chính mà nói thì doanh nghiệp như vậy hiệu quả kinh doanh chưa tối ưu và cũng không có tiềm lực vốn!
Ngày 29/6/2020, CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nam (KCN Hà Nam) được thành lập đánh dấu quan hệ hợp tác bền chặt của hai bên tại KCN Đồng Văn I mở rộng (về phía quốc lộ 38), tỉnh Hà Nam. Trong đó, Plaschem góp 225 tỷ đồng, sở hữu 45% vốn điều lệ. Còn TMD Group góp tổng cộng 250 tỷ đồng, sở hữu 50% vốn điều lệ. Bà Chu Thị Thành đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT của công ty.
Đến tháng 7/2020, nữ doanh nhân cũng được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của CTCP Sân Golf Silk Path. Công ty này được thành lập vào tháng 9/2018, cũng đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại KCN Đồng Văn I, ban đầu có quy mô vốn 100 tỷ đồng và do nhóm Plaschem góp gần như 100% vốn.
Plaschem thương hiệu lớn ngành nhựa - doanh nghiệp của đại gia Bùi Tố Minh có quy mô tài sản đạt mức 2.646 tỷ đồng. Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, Plaschem còn rót vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, nổi bật là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khách sạn Silk Path Sa Pa hay thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản tại 93 Đức Giang cho CEN Invest hồi đầu năm nay.
Đối với TMD Group, thương vụ hợp tác với một doanh nghiệp giàu tiềm lực như Plaschem sẽ giúp góp phần đẩy mạnh mảng bất động sản của gia đình nữ doanh nhân Chu Thị Thành. Trước đó, TMD Group cũng tham gia góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Sài Gòn Safari cùng với Công ty TNHH Khách sạn Paragon Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoàng Hải Long và Công ty TNHH Silverland Bến Thành.
Kể từ khi hợp tác với Plaschem, Tập đoàn Thiên Minh Đức dồn vốn về Hà Nội. Được biết, Thiên Minh Đức là đơn vị đã bỏ giá cao nhất, trúng đấu giá quyền sử dụng đất lô đất TQ5 (1) thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) với giá bỏ là hơn 779,6 tỷ đồng (tăng 81 tỷ đồng so với giá khởi điểm). Trong đó, lô TQ5 (1) có diện tích 83.388m2, gồm đất để xây dựng nhà ở thấp tầng (31.529,6m2), đất xây dựng công trình thương mại, dịch vụ (2.513m2), đất xây dựng bãi đỗ xe (9.079,4m2), đất xây dựng nhà trẻ (8.692m2) đất cây xanh thể dục thể thao (1.728,7m2) và đất giao thông nội bộ khu vực (30.232,1m2).
Nếu chia bình quân cho diện tích đất toàn khu, bao gồm cả đất cây xanh thể dục thể thao, đất xây dựng nhà trẻ, đất giao thông nội bộ khu vực, giá đất khởi điểm cho cả khu đất TQ5 chỉ khoảng 8,4 triệu đồng/m2. Sau khi đấu giá, chia bình quân cho diện tích toàn khu, giá một m2 đất tại khu TQ5 (1) chỉ ở mức 9,35 triệu đồng/m2.
Được biết, giá đất ở cao nhất tại thị trấn Trâu Quỳ là đường Nguyễn Đức Thuận (22,08 triệu đồng/m2), kế tiếp là đường Ngô Xuân Quảng (20,7 triệu đồng/m2)…; giá đất thương mại, dịch vụ cao nhất là đường Nguyễn Đức Thuận (13,9 triệu đồng/m2), kế tiếp là đường Ngô Xuân Quảng (13,1 triệu đồng/m2)… Như vậy, giá khởi điểm các loại đất để đấu giá khu đất TQ5 theo phương án được Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký phê duyệt trước đó còn thấp hơn giá các loại đất cao nhất tại thị trấn Trâu Quỳ, theo bảng giá đất mới được UBND TP Hà Nội ban hành.
Tại quê nhà, Thiên Minh Đức tiếp tục âm thầm "thâu tóm" Tổ hợp đô thị khách sạn Hà Nội Kim Liên - dự án có vị trí đắc địa nằm ngay mặt biển Cửa Lò, Nghệ An. Dự án này được giao cho Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư từ năm 2006 với tổng mức đầu tư gần 78 tỷ đồng nhưng bị chậm tiến độ hàng chục năm.
Vào tháng 6/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội. Quyết định này nêu rõ, trong 10 ngày công ty phải họp để quyết định giải thể. Thế nhưng, trong tháng 10 và 11/2017, Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, theo đó cả ông Vũ Văn Thảo và 2 cổ đông khác thoái hết vốn tại doanh nghiệp này.
Sau khi thay chủ mới, cổng cũ của dự án Khách sạn Hà Nội Kim Liên bị dỡ bỏ và thay vào đó là cổng sắt mới được dựng lên với logo của TMD Group. Đồng thời, bà Chu Thị Thành trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội.
Bà Chu Thị Thành còn lấn sân sang cả cây dược liệu, cuối tháng 11/2020, TMD Group đã tổ chức lễ gắn biển và khởi công dự án Trung tâm Giống và Công nghệ cao - DKC. Dự án này là Phân khu 1 của Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, rộng 618 ha nằm tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ngày 25/9/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức đầu tư Dự án trồng cây lâm nghiệp chất lượng cao, trồng dược liệu dưới tán rừng tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh.
Diện tích đất dự kiến sử dụng thực hiện dự án khoảng 910ha, địa điểm tại Tiểu khu 403, 401, 402 thuộc xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Về cơ cấu sử dụng đất, gồm các hạng mục lâm sinh (tổng diện tích khoảng 8.805.865m2, chiếm tỷ lệ 96,8%). Các hạng mục xây dựng cơ bản chiếm 3,2% diện tích (293.500m2) gồm: Khu nhà văn phòng, nhà ăn, nhà nghỉ ca công nhân viên; Khu vườn ươm, mái vòm tự động, Nhà kho chứa các nguyên vật liệu, vật tư, Công trình phụ trợ, trạm điện, bãi đỗ xe; Sân thể thao, tiểu cảnh, hành lang, Đường giao thông bao quanh và đường giao thông nội bộ.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 345,974 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 100% tiền mặt của Công ty CP Thiên Minh Đức, tiến độ góp vốn theo tiến độ dự án, không huy động vốn khác. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ khi được giao đất, cho thuê đất.
Ngoài bắt tay lĩnh vực bất động sản, TMD Group và Plaschem còn hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hai pháp nhân này đã góp vốn thành lập CTCP Điện mặt trời Miền Trung MK (Miền Trung MK) – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Kỳ Anh MK có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16.206 tỷ đồng tại Hà Tĩnh.
Tỉnh Nghệ An cũng đã công bố chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án điện mặt trời với tổng mức 7.800 tỷ đồng, công suất 450 MWp triển khai trên diện tích mặt hồ thuộc huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, Nghệ An vào tháng 3/2022. Được biết, hai dự án do CTCP Điện mặt trời Khe Gỗ MK (Khe Gỗ MK) và CTCP Đầu tư Điện mặt trời hồ Vực Mấu MK (Vực Mấu MK) với quy mô lần lượt là 4.100 tỷ đồng (250 MW) và 3.700 tỷ đồng (200 MW) đều là công ty con của CTCP Điện mặt trời Miền Trung (Miền Trung MK).
Như vậy, cơ bản các dự án đều trong quá trình đầu tư, chưa rõ hiệu quả. Tuy nhiên, có thể nhìn rõ khó khăn của doanh nhân Chu Thị Thành bởi việc chuyển hướng đầu tư đúng thời điểm thị trường bất động sản "ngủ đông"; nhiều dự án kế hoạch được ưu tiên phát triển nhưng lại có thể khó khăn trong giai đoạn tới.
Hiện công ty đang dùng tài sản đảm bảo là bất động sản và hàng tồn kho hình thành từ các hợp đồng với Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn - Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Chi nhánh Nghệ An của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hiện đang cấp tín dụng cho TMD Group. Tuy nhiên, theo dữ liệu của PV Banduong.vn, lãnh đạo công ty cũng đang huy động thêm các nguồn vốn vay bên ngoài để thực hiện các kế hoạch mở rộng bất động sản.