Dừng dự án hỗ trợ buýt nhanh tại TP.HCM
Nguyên nhân dừng thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật là do quá trình từ khi văn kiện dự án được phê duyệt (tháng 11/2018) đến khi Hiệp định tài trợ WB được ký kết và có hiệu lực (tháng 01/2020) là 3 năm, dẫn đến thời gian còn lại để thực hiện dự án là không đủ theo quy định.
UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Phát triển Giao thông Xanh Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, xác định dừng dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến buýt nhanh BRT số 1.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến BRT số 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, thực hiện từ năm 2016-2020. Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) ủy thác, tài trợ. Dự án nhằm tăng cường chất lượng và nâng cao hiệu quả của Dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM trên hành lang tuyến BRT số 1.
Tổng giá trị dự kiến của dự án gần 250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 10,5 triệu USD (tương đương 245 tỷ đồng), vốn đối ứng 4,7 tỷ đồng. Hiệp định tài trợ ODA có thời hạn thực hiện là 3 năm.
Được biết, đến cuối tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2023 và giao UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Tài chính trao đổi, làm việc với nhà tài trợ để thực hiện thủ tục điều chỉnh hiệp định tài trợ của dự án.
Tuy nhiên, do mục tiêu tổng quát dự án, tiến độ triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật phụ thuộc vào tình hình thực hiện dự án BRT, nên sau khi WB có thư ngày 27/9/2022 về việc ngưng thực hiện dự án BRT, các hoạt động triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật tạm ngưng để theo dõi tình hình chủ trương thực hiện dự án BRT.
Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân dừng thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật là do quá trình từ khi văn kiện dự án được phê duyệt (tháng 11/2018) đến khi Hiệp định tài trợ WB được ký kết và có hiệu lực (tháng 01/2020) là 3 năm, dẫn đến thời gian còn lại để thực hiện dự án là không đủ theo quy định. Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến việc huy động tư vấn nước ngoài.
Tính đến hết tháng 7/2023, tỷ lệ giải ngân dự án hỗ trợ kỹ thuật là 0% đối với nguồn vốn ODA và 50,98% nguồn vốn đối ứng, tương đương 2,4 tỷ đồng. Theo đó, việc tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật BRT là không còn phù hợp với tình hình thực tế do dự án hỗ trợ kỹ thuật bổ sung cho các hoạt động của dự án BRT và chỉ có thể triển khai khi dự án BRT được tiếp tục.
Cũng theo UBND TP.HCM, qua trao đổi sơ bộ, Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ mong muốn tiếp tục sử dụng nguồn tiền dự kiến cho dự án hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ TP.HCM trong các nghiên cứu liên quan lĩnh vực phát triển đô thị, giao thông công cộng.
Ngày 12/7 vừa qua, Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã có tờ trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy để xem xét việc dừng triển khai thực hiện dự án.
Đến ngày 24/7, Ban Thường vụ Thành ủy kết luận thống nhất chủ trương ngưng thực hiện Dự án Phát triển Giao thông Xanh Thành phố Hồ Chí Minh theo đề nghị của Ngân hàng Thế giới.