Doanh nghiệp logistics kiến tạo cơ hội từ đâu?
Ở ngay những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết. Bởi khi đó, khối lượng hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam và các nước trên thế giới tăng cao; để thúc đẩy lưu thông với chi phí hợp lý, thời gian vận chuyển ngắn thì vai trò của doanh nghiệp logistics rất quan trọng.
Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng, vận hành và phát triển các trung tâm logistics tại Việt Nam... Theo thống kê tính đến tháng 7/2023, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định FTA, 3 FTA đang đàm phán. Các FTA thế hệ mới (CPTPP - EVFTA – UKVFTA) là một trong những điều kiện gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…
Đơn cử như, sau khi thương mại hóa với 15 đối tác FTA, năm 2022, xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 526 tỷ USD, chiếm tới 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ra toàn thế giới. Trong đó, xuất khẩu ghi nhận con số 238 tỷ USD (gần 64% kim ngạch xuất khẩu), nhập khẩu đạt 288 tỷ USD (trên 80% kim ngạch nhập khẩu).
Như vậy, có thể thấy rằng, dòng chảy thương mại hàng hóa phần lớn tới từ các đối tác FTA. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt cũng được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn, được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm… Các đối tác đều là các nền kinh tế có mức phát triển cao nên tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, công nghệ.
Vượt qua thách thức, nắm chắc cơ hội
Sở Công Thương thành phố Hải Phòng phối hợp Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) vừa tổ chức hội nghị “Hướng dẫn thực thi cam kết về thương mại dịch vụ logistics” ngày 4/8. Hội nghị đã thu hút được đông đảo đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế về kinh tế của các sở, ban, ngành, địa phương của thành phố cùng đại diện các doanh nghiệp Hải Phòng. Tại đây, các chuyên gia từ Bộ Công Thương phổ biến, hướng dẫn thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam về thương mại dịch vụ logistics, qua đó góp phần tăng cường hợp tác giữa Hải Phòng và các nước trên thế giới. Mục tiêu thời gian tói là đẩy mạnh, mở rộng thị trường logistics, tăng sản lượng vận tải cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương nhấn mạnh về hiệp định mà Việt Nam mới tham gia gần đây là EVFTA - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) và UKVFTA - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh để các doanh nghiệp tại buổi họp chú ý về những mặt lợi - hại có cái nhìn tổng quát hơn khi bước chân vào một thị trường mới.
Liên quan đến CPTPP - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đây là một FTA thế hệ mới với các yêu cầu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Được biết, đây là hiệp định thương mại quan trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua, thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Đối với hiệp định này, đây là cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng chiếm 13.5% GDP thế giới với các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, v.v... đồng thời tiếp cận các đối tác đều là các nền kinh tế có mức phát triển cao tạo thuận lợi cho vấn đề thu hút đầu tư, công nghệ.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức khi CPTPP cũng có thể tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ như: Cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho các thành viên CPTPP, đặc biệt với một số nhóm ngành Việt Nam như thép, ô tô, giấy hay như ột số hàng hóa có lợi thế cạnh tranh từ các thị trường lớn như Australia, Nhật Bản, New Zealand,...
Dù có nhiều cơ hội phát triển, doanh nghiệp Việt vẫn phải đối mặt với những thách thức đến từ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt với một số nhóm ngành như thép, ô tô, giấy. Tiêu chuẩn chất lượng cao, quy tắc nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (thuốc trừ sâu), dán nhãn, môi trường, sản phẩm xanh.. rất khắt khe buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh mô hình sản xuất, nuôi trồng phù hợp với chuẩn kỹ thuật.
Do đó, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế khuyến nghị, các doanh nghiệp cần phải có đội ngũ nhân sự pháp lý đủ khả năng, chủ động tìm hiểu thông tin các cam kết FTA và các nước đối tác FTA, nắm chắc những thông tin về lộ trình cắt giảm thuế liên quan đến các mặt hàng kinh doanh; nghiên cứu thủ tục, quy định, thị hiếu của thị trường để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, chất lượng sản phẩm, kế hoạch kinh doanh và cạnh tranh phù hợp nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA mang lại. Đồng thời, nỗ lực tự đổi mới sáng tạo, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển, nâng cao năng lực tham gia các chuỗi cung ứng mới
Logistics Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng, thể hiện qua các con số: Chỉ số LPI đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động logistics của các quốc gia năm 2023 đứng thứ 43/155 nước và vùng lãnh thổ (do WB xếp hạng), xếp thứ 11/50 thị trường logistics mới nổi (do Agility công bố), tốc độ phát triển 14-16%/ năm với quy mô đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục XNK Bộ Công Thương nhận định:" Logistics Việt Nam chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Hạ tầng logistics kết nối với hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn chưa cao.
Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt. Việt Nam hiện có hơn 43 nghìn doanh nghiệp vận tải, kho bãi, hơn 5000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3PL(Third Party Logistics – Cung cấp dịch vụ Logistics bên thứ ba) nhưng 95% là mô hình vừa và nhỏ, khó cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. Năng lực doanh nghiệp còn hạn chế và thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành".
Theo đó, Cục phó Cục XNK Bộ Công Thương đề xuất mô hình Khu thương mại tự do nhằm giảm bớt các “hàng rào” về thuế quan, phi thuế quan, tạo điều kiện cho ngành logistics phát triển. Khu thương mại tự do (FTZ) là khu vực địa lý nằm trên một quốc gia hay vùng lãnh thổ, nhưng không áp dụng thuế xuất nhập khẩu và các biện pháp quản lý thương mại. Về cơ bản, các FTZ tương tự như một khu chế xuất nhưng thường cứ quy mô lớn hơn.
Các khu thương mại tự do thường được thiết lập ở gần các cảng biển chính, sân bay quốc tế và cửa khẩu đường bộ - những vùng có nhiều lợi thế về thương mại. Trên lý thuyết, khu thương mại tự do có thể đặt ở bất kỳ đâu, nhưng thường gắn với cảng biển để có thể hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của dịch vụ cảng, giúp hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu có một cảng trung chuyển tầm cỡ tại Đông Nam Á, Việt Nam rất cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng nhiều hơn. Khi hàng hóa ra vào nhiều hơn, thì dịch vụ logistics càng có cơ hội để phát triển.
Những ngành hàng, doanh nghiệp có khối lượng xuất nhập khẩu thường xuyên và lớn, tốc độ luân chuyển nhanh là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ FTZ. Các doanh nghiệp khi tham gia vào FTZ không phải đóng thuế xuất nhập khẩu; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; tạo bàn đạp để tiếp cận thị trường và kết nối với các doanh nghiệp khác trong và xung quanh Khu thương mại tự do.
Góc nhìn và bài học phát triển logistic từ thế giới
Theo ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng phòng Đông Bắc Á - Nam Thái Bình Dương Vụ Thị trường châu Á – châu Phi – Bộ Công Thương, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển logistic trong thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Về phương thức vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc, ngoài phương thức vận chuyển đường bộ truyền thống, thương mại hai bên còn có đầy đủ các phương thức vận chuyển khác gồm đường sắt và đường không.
Đường bộ, với ưu điểm là được ưu tiên đầu tư phát triển trước hiện có mạng lưới cửa khẩu và đường mòn lối mở ở khắp 7 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trong khi đó, với đường biển thì hàng hóa xuất khẩu có thể xuất phát từ các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam đi các cảng lớn của Trung Quốc như Thâm Quyến, Ninh Ba, Thanh Đảo, Thiên Tân, Thượng Hải, Khâm Châu và Phòng Thành.
Đường sắt thì hiện đã có 2 tuyến, tương ứng với khổ 1 mét và khổ lồng (cả 1 mét và 1,4 mét) phục vụ vận chuyển hàng hóa tới ga Hà Khẩu, Vân Nam và ga Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Trung Quốc cũng có hệ thống sân bay chuyên dụng vận tải hàng hóa lớn, tuy nhiên đây lại là phương thức vận chuyển có giá thành cao nhất nên ít được doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên sử dụng.
Nhìn chung, khi khai thác thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần nắm chắc rằng, đây là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe. Do đó doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy. Đồng thời, hướng tới sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao, bền vững. Từng bước giảm phụ thuộc, tiến tới dùng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”. Liên tục theo dõi, thường xuyên cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường lân cận và tăng cường tiếp cận vùng.
Đối với những doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình định hướng khai thác thị trường ở khu vực mục tiêu, cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng, có hiểu biết về văn hóa nước ngoài; tuân thủ quy định của quốc gia xuất khẩu hàng đến về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm-kiểm dịch, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm...