Logistics Việt Nam thuộc Top 1 Đông Nam Á
Ngày 14/7, tại TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Hội nghị thường niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên đoàn Các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA).
Sự kiện thu hút hàng trăm doanh nghiệp logistics quốc tế là các nhà cung cấp dịch vụ logistics từ 50 quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển logistics.
Tại hội nghị đã có những thảo luận quan trọng về các nội dung như: Hành trình số của FIATA - Phát triển nhà giao nhận vận tải số; vai trò của trung tâm logistics trong phát triển vận tải xuyên biên giới và hành lang kinh tế Đông Tây; chương trình đào tạo hàng hoá hàng không FIATA-IATA toàn cầu và lợi ích cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo của WB công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với vị trí địa chính trị đặc biệt, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics quy định tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có buổi tiếp xã giao với Chủ tịch FIATA và Tổng Giám đốc FIATA, ông Stéphane Graber, đồng thời ghi nhận những đóng góp của FIATA trong phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam, mong FIATA tiếp tục quan tâm hỗ trợ ở góc độ tư vấn, kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh, đào tạo trong ngành dịch vụ logistics của Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ đồng hành cùng các đối tác trong và ngoài nước, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại-dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng đến hợp tác phát triển dịch vụ logistics đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam với các nước lên tầm cao mới, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh ngành dịch vụ logistics đang đối mặt với nhiều thay đổi khó lường và sự phát triển của khoa học công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cơ hội mới cùng với những thách thức cho ngành logistics, hội nghị là cơ hội quý báu để các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh cũng như chia sẻ những kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics mở ra cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hôm qua (ngày 13/7), Đoàn công tác của Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận Vận tải thế giới (FIATA) do ông Ivan Petrov - Chủ tịch FIATA và ông Stéphane Graber - Tổng Giám đốc FIATA dẫn đầu đã đến thăm và tìm kiếm cơ hội đầu tư, tìm hiểu các hoạt động logistics tại thành phố Hải Phòng. Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành chức năng của thành phố và Hiệp hội Logistics Hải Phòng đã tiếp và làm việc với đoàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường thông tin tới FIATA các kết quả nổi bật về phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong thời gian qua và cho biết:" Hải Phòng là thành phố duy nhất trong khu vực phía Bắc có đầy đủ 5 phương thức vận tải gồm: Đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa cùng các điều kiện địa lý tự nhiên và hệ thống cảng biển rất thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics và trở thành Trung tâm logistics của khu vực phía Bắc".
Hải Phòng hiện có tổng cộng 4 Trung tâm logistics, gồm 2 Trung tâm đã hoạt động là Trung tâm logistics Green, Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (KCN Đình Vũ); 2 Trung tâm đang được xây dựng là Trung tâm logistics CDC (KCN Đình Vũ 2) và Trung tâm thuộc KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C III). Phó Chủ tịch thành phố cho biết, mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics sẽ đạt khoảng 30% - 35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20% - 25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%; đến năm 2030, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%. Định hướng đến năm 2025 – 2030, thành phố Hải Phòng quy hoạch 9 Trung tâm logistics…
Lãnh đạo FIATA cho biết, FIATA là tổ chức lớn nhất trên thế giới về giao nhận vận tải và logistics được thành lập năm 1926, bao gồm các thành viên chính thức là những Hiệp hội quốc gia những người giao nhận và thành viên cộng tác là những hãng giao nhận tư nhân trên thế giới. Đoàn đến thăm Hải Phòng nhằm tìm hiểu cơ hội, thế mạnh về phát triển logistics của Hải Phòng, đồng thời trao đổi về việc thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng trong thời gian tới.
Đoàn FIATA nhân dịp này cũng đã đến thăm Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng và Công ty Cổ phần Đầu tư VIDIFI Duyên Hải. Tại đây, đoàn FIATA bày tỏ ấn tượng về lợi thế vận tải đa phương thức của thành phố Hải Phòng.
Đại diện FIATA cho rằng, tới đây chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cải thiện hạ tầng cơ sơ đường sắt, bên cạnh đó cần quy hoạch kết nối hệ thống cảng biển và hệ thống đường thủy giữa các địa phương… Khẳng định, Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng sẽ có nhiều cơ hội trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất trong những năm tới, lãnh đạo FIATA cũng cho rằng việc hợp tác của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) đối với FIATA sẽ rất quan trọng để góp phần giải quyết vấn đề vận tải đa phương thức tiến tới xây dựng trung tâm kỹ thuật số cho hệ thống cảng biển Hải Phòng. FIATA muốn hỗ trợ Hải Phòng trở thành trung tâm logistics và cửa ngõ của khu vực.