Chuyên mục


Chuyển đổi số hướng tới mục tiêu kép

13/07/2023 07:25 (GMT +7)

Chuyển đổi số đang là bước đi tất yếu của tất cả các ngành nghề nhằm tạo ra một sự thay đổi lớn và hiệu quả cao cho sự phát triển kinh tế. Ngành vận tải cũng không ngoại lệ, đang tích cực thực hiện chuyển đổi số với những bước đi đầu tiên nhằm đạt mục tiêu kép.

Banduong.vn xin giới thiệu bài phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) - ông Nguyễn Văn Quyền.

Cuộc cách mạng công nghệ đã tạo ra những bước nhảy với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành vận tải. Xin ông cho biết, lĩnh vực vận tải đường bộ đã tham gia và có những bước đi như thế nào?

Chuyển đổi số (CĐS) không còn là bước đi nữa và chúng ta phải tham gia như một cuộc đua. Tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế đang thay đổi gấp rút phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng công nghệ thông tin (CNTT) để giảm bớt các thủ tục, chi phí. Hiện nay, các nhóm giải pháp chính, như xây dựng các nền tảng phát triển thu phí, giao thông thông minh, quản lý phương tiện giao thông, kiểm soát nhận dạng phương tiện, giám sát hành trình… Đối với các thủ tục hành chính về quản lý người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải đang thực hiện trực tuyến mức độ 3,4 và được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được nộp trực tuyến mức độ 3, 4. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) - ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, tốc độ rất quan trọng trong cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngành nghề hiện nay. Nhưng “nhanh” là chưa đủ, mà chúng ta còn cần sự chính xác và khoa học

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) - ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, tốc độ rất quan trọng trong cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngành nghề hiện nay. Nhưng “nhanh” là chưa đủ, mà chúng ta còn cần sự chính xác và khoa học

Điểm nhấn đầu tiên trong chuyển đổi số của ngành GTVT là cải cách hành chính. Nhiều đơn vị trực thuộc Bộ GTVT như Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam... đều đã thay thế toàn bộ hồ sơ giấy bằng dịch vụ trực tuyến, mang lại sự tiện lợi cũng như tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp (DN). 

Cục Đường bộ đã xây dựng quy trình quản lý tuyến cố định, biển hiệu, phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải bằng ứng dụng công nghệ toàn diện, giám sát hành trình phương tiện xe ô tô vận tải để phát hiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ tự động, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận tải và an toàn giao thông (ATGT).

Bộ Công an đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông, xây dựng hệ thống camera giám sát hỗ trợ xử phạt vi phạm trên các tuyến cao tốc và quốc lộ. Đây chính là cơ sở để phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông hiện nay. Việc lắp đặt camera giao thông đồng nghĩa với việc sử dụng công nghệ vào quản lý Nhà nước, tạo cơ sở để cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, giảm bớt việc ra đường của cán bộ. Từ đây, cảnh sát giao thông không cần phải tiếp xúc với tài xế, tránh tiêu cực, tham nhũng ngầm, nâng cao trách nhiệm, danh dự của người cảnh sát giao thông.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường đang là những vấn đề lớn nhất đặt ra với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và ngành ô tô nói riêng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của khách hàng ngày càng thay đổi, cá nhân hóa. Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô đang phải chịu áp lực lớn bởi yêu cầu chuyển sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26. 

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường đang là những vấn đề lớn nhất đặt ra với các doanh nghiệp sản xuất ô tô

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường đang là những vấn đề lớn nhất đặt ra với các doanh nghiệp sản xuất ô tô

Ông có nghĩ rằng “tốc độ sẽ tạo nên chiến thắng” trong quá trình chuyển đổi số thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ?

Đúng là tốc độ rất quan trọng trong cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngành nghề hiện nay. Nhưng theo tôi “nhanh” là chưa đủ, chúng ta còn cần sự chính xác và khoa học. Không thể ào ào chạy đua mà phải có những bước đi theo đúng lộ trình, tránh căn bệnh thành tích. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị cơ quan chức năng phải xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở cho việc triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS trong giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Qua đó, triển khai công tác này một cách cụ thể trên từng lĩnh vực và giải quyết đồng bộ về định hướng, chính sách, nguồn lực của đề án; tránh hiện tượng chồng chéo, thiếu tính đồng bộ hay gây lãng phí hoặc bỏ sót những lĩnh vực cần thiết áp dụng CNTT hoặc CĐS.

Đặc biệt lưu ý một số lĩnh vực mấu chốt liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, Hiệp hội kiến nghị cần làm rõ hơn ở từng lĩnh vực vận tải, phương tiện - người lái, kết cấu hạ tầng hiện nay đều đã áp dụng CNTT và CĐS nhưng ở mức độ khác nhau. Qua đó, đánh giá cụ thể để xác định rõ cần phải đầu tư cơ bản (bao gồm phần cứng, phần mềm, nhân lực, mặt bằng) ở lĩnh vực nào? Lĩnh vực nào cần nâng cấp phần mềm?  Để đảm bảo tiện lợi cho người sử dụng và an toàn cho hệ thống hoạt động ổn định. 

Vận tải cần đánh giá hết sức cụ thể về phần mềm tích hợp dữ liệu thiết bị giám sát hành trình; camera lắp trên xe để đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm chưa? Cơ chế quản lý của trung tâm tích hợp dữ liệu đã đảm bảo cho hệ thống hoạt động an toàn và ổn định chưa?  

Ở phần quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cần khẩn trương hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất từ Cục ĐBVN đến các Sở GTVT với nền tảng đủ mạnh, phần mềm tiện lợi cho người sử dụng...

Giao thông thông minh cần nghiên cứu triển khai để giải quyết các vấn đề như: Đèn tín hiệu ở các đô thị; biển báo trên hệ thống đường bộ cũng cần chuyển đổi số để đáp ứng hoạt động giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả khai thác cao,... Những nội dung nghiên cứu về ứng dụng giao thông thông minh có thể chi phí sẽ lớn nhưng nếu có cơ chế phù hợp; có đầu mối nghiên cứu khi có kết quả có cơ chế chuyển giao cho các địa phương thực hiện sẽ rất hiệu quả. 

Quản lý đào tạo lái xe, phần mềm về sát hạch, cấp đổi GPLX đã hoạt động từ nhiều năm, nay bổ sung những nội dung về quản lý đào tạo, sát hạch do đó cần nâng cấp; nhất là phần mềm tích hợp, phân tích, hệ thống hóa dữ liệu về DAT; phần mềm mô phỏng; cabin điện tử để các cơ quan quản lý, đơn vị đào tạo khai thác nhanh chóng, phục vụ hiệu quả công tác quản lý.

Các doanh nghiệp vận tải ô tô có nhiều tiềm năng áp dụng chuyển đổi số để đạt được mục tiêu kép là nâng cao hiệu quả kinh doanh; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; giảm thiểu tai nạn giao thông. Hiện đã có những doanh nghiệp áp dụng trong kết nối với khách hàng và quản trị doanh nghiệp cho hiệu quả rõ rệt. 

Tuy nhiên, trong ngành vận tải ô tô hiện nay còn những đơn vị theo mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ nên áp dụng chuyển đổi số còn hạn chế; việc khai thác tiềm năng lợi thế của vận tải ô tô còn chậm, việc nhận vận chuyển hàng ký gửi thường là hoạt động nhỏ lẻ của lái xe khách kết nối trực tiếp với người gửi hàng. Các bến xe khách với lợi thế về mặt bằng, vị trí thuận lợi trong kết nối với bên gửi hàng và bên vận tải nhưng cũng chỉ mới có một số ít tham gia vào chuỗi thương mại điện tử; một số bến xe cho các đơn vị có nhu cầu cần thuê mặt bằng làm kho, bãi.

Hoạt động vận tải ô tô hiện còn không ít vấn đề như tình trạng phương tiện phải dừng để kiểm tra nhiều lần; bị ùn tắc ở cửa khẩu; chưa có các nền tảng để kết nối các phương thức vận tải; giữa vận tải liên tỉnh với nội tỉnh… Để tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế của vận tải, giảm chi phí cho các đơn vị và cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải hiệu quả hơn. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ GTVT có đề án tổng thể và chỉ đạo triển khai về chuyển đổi số trong quản lý hoạt động vận tải.  

Lợi ích từ việc chuyển đổi số là rõ ràng nhưng tại sao nhiều doanh nghiệp có vẻ như chưa muốn thay đổi để thích ứng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Việc chuyển đổi số hiện đã là xu hướng tất yếu, tuy nhiên do những điều kiện cụ thể như quy mô doanh nghiệp nhỏ, nhiều hợp tác xã vận tải theo mô hình dịch vụ hỗ trợ nên quản lý phân tán; bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng chưa đủ nguồn lực, chưa biết bắt đầu từ đâu; bên cạnh đó, cũng có nơi lại không muốn minh bạch thông tin, vẫn muốn quản lý theo cách cũ để duy trì lợi thế đã có. Do đó, cần phải có động lực và giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp vận tải. Về phía quản lý Nhà nước, cần nghiên cứu hình thành những nền tảng kết nối dùng chung để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành vận tải. Giúp doanh nghiệp tin tưởng chuyển đối số là một giải pháp quan trọng để tiết kiệm tối ưu chi phí mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Nên giao quyền tăng giảm tần suất chạy xe cho các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định

Nên giao quyền tăng giảm tần suất chạy xe cho các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định

Hiện nay, bến xe khách ngày càng ít khách và xe vào bến. Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân và giải pháp để tăng tính hiệu quả của các đơn vị này và tăng tính liên kết giữa vận tải với hành khách và hàng hoá?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng nói trên như: Hiện nay, nhu cầu đi lại của hành khách đã thay đổi; yêu cầu về sự tiện lợi và chất lượng phục vụ ngày càng tăng; các phương thức kết nối giữa nhà xe với hành khách ngày càng nhanh chóng và tiện lợi; hành khách có xu hướng lựa chọn những loại xe có chất lượng cao hơn.

Bên cạnh đó, cũng một phần do xu hướng dịch chuyển các bến xe ra xa trung tâm đô thị ở nhiều nơi; khi không ổn định về vị trí thì nhiều bến xe không được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu cao của hành khách hiện đại.

Tính kết nối giữa các phương thức vận tải; giữa vận tải đường dài, các tuyến liên tỉnh với xe bus chưa cao... Nhiều tiềm năng lợi thế của bến xe như tham gia lĩnh vực thương mại điện tử chưa được chú trọng khai thác... Bên cạnh đó, các quy định trong quản lý vận tải hành khách theo tuyến cố định thì quá chặt chẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng với thị trường nhiều biến động theo mùa vụ và nhu cầu ngày càng đa dạng phong phú của hành khách. Trong khi việc quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng còn lỏng lẻo, điều kiện kinh doanh đơn giản; nhiều quy định đối với vận tải hành khách hợp đồng như là đơn vị vận tải phải truyền dữ liệu hợp đồng vận tải, danh sách hành khách về Sở GTVT trước khi xe lăn bánh hầu như chưa được thực hiện; việc quản lý thuế đối với xe hợp đồng cũng còn lỏng lẻo, xe giả danh hợp đồng chạy lòng vòng đón khách đi vào trong phố nội đô, xung quanh các bến xe hình thành các điểm đón khách, chuyển khách giữa các nhà xe hoạt động công khai.

Để chấn chỉnh tình hình trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có nhiều báo cáo kiến nghị đến các cơ quan lãnh đạo, quản lý như: Cần điều chỉnh các quy định trong vận tải hành khách theo tuyến cố định; giao quyền tăng giảm tần suất chạy xe cho các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định; đơn giản hóa thủ tục mở tuyến; đa dạng hóa chất lượng dịch vụ với giá cước hợp lý đi đôi với tăng cường quản lý đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng. Ổn định vị trí các bến xe ở các vị trí thuận lợi, kết nối giữa vận tải ô tô với các phương thức vận tải khác, giữa vận tải với hành khách liên tỉnh với vận tải nội tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng. Các nền tảng kết nối giữa vận tải đường dài với vận tải nội tỉnh xe bus, xe taxi; khuyến khích các bến xe đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ ở bến xe sao cho bến xe là nơi thu hút hành khách và sử dụng trải nghiệm nhiều dịch vụ một cách thoải mái...

Xin chân thành cảm ơn ông!

Hoài Linh - Hồng Mến
TP.HCM tìm giải pháp phát triển kinh tế số
Theo Giám đốc Sở TT-TT, TP.HCM được giao chỉ tiêu năm 2024, kinh tế số sẽ đóng góp 22% vào chỉ số GRDP của thành phố, đến năm 2030 là 40%.

Ứng dụng ngân hàng số cho doanh nghiệp - SeAMobile Biz được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê
Vừa qua, tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, SeAMobile Biz - ứng dụng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) đã được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm.

Hai cảng hàng không Việt Nam lọt top 100 sân bay tốt nhất thế giới
Tổ chức quốc tế Skytrax vừa công bố kết quả xếp hạng các sân bay trên thế giới năm 2024, trong đó Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) có 2 đơn vị được vinh danh đó là Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Đà Nẵng.

Ra mắt mô hình Camera đảm bảo an ninh trật tự tại Phù Chẩn, Bắc Ninh
Ngày 19/4, UBND thành phố Từ Sơn tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Camera khép kín địa bàn phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT)” tại phường Phù Chẩn. Đây là đơn vị được thành phố Từ Sơn chọn làm mô hình điểm để nhân rộng ra các phường trên địa bàn thành phố.

Thủ tướng yêu cầu triển khai nhiệm vụ tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng
Theo Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 7/4/2024 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Thừa Thiên Huế đứng đầu PAPI 2023
Với 46,0415 điểm, Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, tăng 5 bậc so với năm 2022.

Công an vào cuộc vụ tấn công trang web lấy số khám bệnh của Viện Tim TP.HCM
Sở Y tế TPHCM vừa cho biết đã phối hợp với Công an TPHCM cùng nhiều cơ quan chức năng khác làm rõ nguyên nhân và có giải pháp hỗ trợ Viện Tim TPHCM, sau khi nơi này bị tấn công trang web lấy số khám bệnh.