Cơm tù, xe dù, bến cóc - hiểu thực trạng để tìm giải pháp
Lộn xộn trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô tại Việt Nam là câu chuyện đã được đề cập từ lâu.
Từ tình trạng, “cơm tù, xe dù, bến cóc” đến chuyện xe hợp đồng trá hình ảnh hưởng đến trật tự vận tải và trật tự an toàn giao thông. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 01/2004/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải thành lập Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp làm Trưởng ban và sự tham gia của Bộ Công an, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt. Tại các địa phương có các ban chỉ đạo do lãnh đạo ngành giao thông vận tải làm trưởng ban có địa phương lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban và các ban ngành tham gia làm ủy viên.
Nhiệm vụ của các Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương là xóa bỏ tình trạng “cơm tù, xe dù, bến cóc”. Sau một số năm triển khai hoạt động với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đến năm 2006, tình trạng “cơm tù, xe dù, bến cóc” cơ bản được kiểm soát đặc biệt là tình trạng “cơm tù” được xóa bỏ. Tình hình trật tự vận tải dần được lập lại, trật tự An toàn giao thông được kiềm chế.
Cho đến nay Ban chỉ đạo thực hiện chỉ thị 01/2004/CT-TTg từ Trung ương đến các địa phương vẫn chưa được giải thể, một vài địa phương vẫn còn hoạt động nhưng hiệu quả không cao. Từ khi thực hiện chỉ thị 01/2004/CT-TTg đến năm 2019, kết hợp với sự hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, vận tải hành khách bằng xe ô tô cơ bản được ổn định. Cơ quan quản lý nhà nước đã quản lý và kiểm soát được các hình thức kinh doanh vận tải hành khách.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tình hình Đại dịch Covid-19 bùng phát, theo đó từ đầu năm 2020 đến hết năm 2021 xe khách hầu hết phải ngừng hoạt động, các bến xe khách hầu như đóng cửa. Người lao động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bao gồm cả bến xe khách phải nghỉ việc dài hạn, xe ô tô khách phải đưa về bảo quản.
Với hành khách đi xe theo tuyến cố định tâm lý ngại đến bến để đi xe nên tình trạng bến xe không có khách dẫn đến xe vào bến đón khách ít hơn, một số xe bỏ bến ra ngoài chạy dù tại các bến cóc. Theo tìm hiểu từ một số bến xe có bến xe bỏ bến tới 40%.
Từ đầu năm 2022, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách được hoạt động trở lại theo trạng thái bình thường mới, nhưng do thời gian nghỉ kéo dài, tình hình phương tiện xuống cấp phải bảo dưỡng sửa chữa, một bộ phận người lao động do nghỉ việc dài hạn đã tìm việc khác để đảm bảo cuộc sống và không quay trở lại làm việc, nhiều đơn vị vận tải và bến xe thiếu lao động.
Trong khi đó Sở Giao thông vận tải lại tiếp tục cấp giấy phép cho xe hợp đồng với nhiều dạng, đó là xe limousine là xe 16 chỗ cải tạo thành xe 10 hoặc 12 chỗ kể cả người lái xe. Thực chất các xe này là hoạt động theo tuyến cố định, với nhiều ngàn xe. Đơn vị vận tải thuê văn phòng đại diện tại 2 đầu tuyến.
Thực hiện đưa đón khách tại một số điểm trong thành phố tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ 2 là loại xe 16 chỗ nguyên bản được cấp phép xe hợp đồng, các xe này đón khách tại từng gia đình từ các xã, phường tại các địa phương và đưa khách đến các bệnh viện, trường học và từng gia đình nơi khách cần đến và ngược lại, xe này xuất hiện và kinh doanh tại tất cả các tỉnh. Thường hoạt động đón khách tại các địa phương từ khoảng 3h30 sáng đến Hà Nội và các thành phố chậm nhất là 6h30 là đã trả hết hành khách tại những điểm họ cần đến, số xe này hiện tại cũng có hàng ngàn xe.
Theo khảo sát của nhóm phóng viên Tạp chí điện tử Bạn đường tại thời điểm 5h00 ÷ 6h00 sáng ngày 27/11/2022 và 28/11/2020 tại phía Bắc trạm thu phí Pháp Vân Km 188 + 250 thuộc địa phận xã Liên Ninh, Huyện Thanh Trì đã có tới 40 xe 16 chỗ của các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Thái Bình, Nam Định đỗ tại đây để sang khách cho nhau, đi theo từng hướng tuyến cụ thể vào thành phố. Tuy các xe này đều có danh sách hành khách nhưng thực chất là danh sách do lái xe tự lập, không có người đại diện đứng ra hợp đồng thuê cả chuyến xe. Đây là vi phạm quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/05/2020 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Ngoài ra còn có một số xe bỏ bến ra chạy dù tại các bến cóc hoặc lập các văn phòng đại diện… Tình hình hoạt động xe hợp đồng như vậy dẫn đến một số hệ lụy.
Một là, tình hình trật tự vận tải bị rối loạn, trật tự an toàn giao thông không được kiểm soát.
Hai là, bến xe ô tô khách và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định sẽ gặp nhiều khó khăn. Các bến xe hiện tại đã được xã hội hóa, nhiều bến xe đầu tư rất lớn, có bến xe đầu tư hàng trăm tỷ đồng, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cùng đầu tư nhiều xe tốt để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách với số vốn rất lớn. Nếu không quản lý được lực lượng xe hợp đồng thì một số đơn vị vận tải tuyến cố định và Bến xe khách có nguy cơ bị phá sản, gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Có ý kiến đề nghị nếu không quản lý được loại xe hợp đồng trá hình thì nên bỏ hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cho phép các xe tuyến cố định hiện nay chạy hợp đồng. Kèm theo đó là cho phép bến xe khách thôi kinh doanh bến xe khách và cho họ chuyển đổi mục đích sử dụng bến xe.
Ba là, cạnh tranh không bình đẳng giữa xe hợp đồng trá hình và xe tuyến cố định. Xe tuyến cố định phải vào bến nộp phí dịch vụ xe ra vào bến theo quy định phải nộp thuế VAT theo quy định. Thì xe hợp đồng trá hình hoạt động tự do không phải nộp dịch vụ xe ra vào bến xe và mức thuế khoán phải nộp rất thấp. Theo tính toán sơ bộ 1 xe 16 chỗ chạy 1 vòng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Hà Nội và ngược lại giá vé trung bình là 120 ngàn đồng/1 người/lượt. Bình quân là 20 người một vòng (2 lượt), thì một vòng xe doanh thu là 2.400.000đ và như vậy 1 tháng doanh thu sẽ là 72.000.000đ (Bảy mươi hai triệu đồng) chưa kể có nhiều xe đi 2 vòng/1 ngày thậm chí xe Limousine còn chạy tới 3 vòng/1 ngày. Như vậy nếu doanh thu 1 tháng, với mức thuế VAT 8% thì 1 tháng thuế VAT 1 xe phải nộp khoảng 6.000.000đ nhưng thực chất các xe này đều nộp theo thuế khoán 1 tháng không đáng là bao.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên
Trong đó có thể kể đến việc, cơ quan Nhà nước chưa quan tâm và không đủ lực lượng kiểm tra và xử lý vi phạm với xe hợp đồng trá hình, trong khi các quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 có đủ cơ sở để kiểm tra xử lý. Phần mềm quản lý khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera gắn lên xe chưa được nâng cấp nên chưa khai thác triệt để những thông tin để xử lý vi phạm.
Các địa phương không quan tâm đến bến xe khách, hầu hết đưa bến xe ra xa trung tâm thành phố lấy đất bến xe tại trung tâm làm mục đích khác gây khó khăn cho các đơn vị vận tải theo tuyến cố định và Bến xe khách và đặc biệt là không thuận lợi cho khách đi xe. Đồng thời, không tạo điều kiện cho xe kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định hoạt động, còn nhiều quy định quá chặt chẽ, không có điểm dừng đón, trả khách để khách chờ xe trên đường.
Điều kiện kinh doanh vận tải đối với kinh doanh vận tải hành khách quá đơn giản dẫn đến các đơn vị kinh doanh vận tải quá nhỏ lẻ không có bộ máy quản lý. Đặc biệt là không có bộ phận quản lý an toàn giao thông theo quy định.
Một số giải pháp cơ bản nhằm giải quyết tình trạng trên, lập lại trật tự vận tải, hạn chế tai nạn giao thông
Về lâu dài cần sửa lại Luật giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật để có các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Các địa phương cần ổn định quy hoạch bến xe như hiện nay không tiếp tục đẩy bến xe hiện tại ra xa trung tâm thành phố.
Cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải nâng cấp phần mềm khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera lắp trên xe để các Sở Giao thông vận tải khai thác triệt để dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình camera gắn trên xe để thu hồi phù hiệu xe hợp đồng với xe “hợp đồng trá hình” không chấp hành các quy định đối với xe hợp đồng quy định tại Nghị định số 10 và Thông tư số 12. Tạo điều kiện để xe hợp đồng trá hình bị thu hồi phù hiệu xe hợp đồng có nhu cầu hoạt động theo tuyến cố định được tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Cơ quan Thuế vào cuộc để xác định thuế với xe hợp đồng để tăng thu cho nhà nước.
Hy vọng trong thời gian tới trật tự vận tải hành khách sẽ được lập lại.
Đỗ Xuân Hoa - Chuyên viên cao cấp
Nguyên vụ trưởng Vụ vận tải Tổng cục ĐBVN