Chuyên mục


Xoá gấp "xe dù, bến cóc" trong dịp Tết

29/11/2022 05:38 (GMT +7)

Có hàng loạt nguyên nhân "nối tay" cho những bến tự phát, nhà xe bỏ bến,...và để xoá nạn "xe dù, bến cóc" không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết chỉ còn hơn một tháng nữa, có lẽ vẫn cần giải pháp mang tính cấp bách.

Công nghệ số và ý thức tố giác của người dân sẽ là phương án xử lý nhanh 

Tình trạng "xe dù, bến cóc" ở Hà Nội, TPHCM và ở một số tỉnh, thành phố lớn, vẫn như "nấm mọc sau mưa". Thực trạng này thể hiện rõ mỗi dịp lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Hành khách và người tham gia giao thông vì đó mà phải đối mặt với tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, nguy cơ rủi ro tai nạn giao thông; các doanh nghiệp vận tải phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh không bình đẳng, kinh doanh sa sút,...và hàng loạt hệ luỵ khác mà người dân đô thị phải gánh chịu. 

Gần Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là dịp lộng hành mạnh nhất của các loại xe nói trên. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ rủi ro an toàn giao thông, gây áp lực giao thông đô thị, đặc biệt quanh khu vực quanh bến xe, trường học, khu công nghiệp,...


Ảnh chụp Màn hình 2022-11-28 lúc 11.20.09

Hiện nay, các xe chạy hợp đồng trá hình thường đối phó với các cơ quan kiểm tra như CSGT và TTGT bằng nhiều kiểu.

Theo đó, chỉ cần kiểm tra qua GPS và camera, sẽ không khó phát hiện ra các xe này đi theo hành trình cố định và bán vé khách lẻ hay gom khách như thế nào. Xe chạy hoạt động như vậy vi phạm Điều 7 của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện số lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe có giảm từ 18-30%. Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù như trên nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để. Thời điểm cận Tết, số lượng tuyến cố định và công suất bến xe cũng sẽ tăng hơn nhưng sẽ không tăng mạnh bằng tuyến dù, xe chạy ngoài. 

Phải thừa nhận thực tế là, những xe đón khách tại nhà hoặc đặt chỗ bán vé cho từng khách, hoặc xe đi ghép được gọi là "xe dù" theo hình thức vận tải tuyến cố định. Bởi những xe này vẫn đi theo tuyến xác định, nhưng lại không vào bến đón trả khách mà đón trả khách theo yêu cầu. Loại hình này đang phát triển ngày càng cao, càng nhiều, từ 1 xe, 2 xe rồi 3 xe, từ xe 9 ghế đến xe giường nằm, từ địa bàn một tỉnh đến địa bàn nhiều tỉnh.

Tình trạng trên đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông. Điều này đã xảy ra ở những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và cả Đà Nẵng. Và do cạnh tranh không bình đẳng nên nhiều tuyến cố định đã bị dừng. Nhiều tuyến phải giảm tần suất xe và các doanh nghiệp vận tải đang gồng gánh thua lỗ.

Một trong những giải pháp xử lý cấp bách đối với nạn "xe dù bến cóc", Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh đưa ra tại Toạ đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây, là khi có hiện tượng bảo kê, lực lượng công an bằng các nghiệp vụ phát hiện ra, bên cạnh đó nhận qua tin báo tố giác của người dân.

"Người dân có thể tra trên mạng số điện thoại đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát hình sự hoặc thậm chí Cục Cảnh sát điều tra… hoặc nhanh nhất là cung cấp thông tin theo số điện thoại 113. Tôi khẳng định rằng tất cả các tin nhắn hay tin báo tố giác khi đến lực lượng chức năng và có thẩm quyền sẽ được xử lý. Cụ thể như hiện tượng liên quan đến cò mồi, bảo kê, tụ tập thành các nhóm để chèn ép hay hành hung hành khách hoặc thậm chí hành hung cả lái xe, phụ xe của những hãng xe khác để ép tham gia hoặc sử dụng xe do hãng mình bảo kê", Thượng tá nói. 

Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù vì khách bị xe khác đã 'hớt' ngoài đường

Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù vì khách bị xe khác đã "hớt" ngoài đường

 Về lâu dài, cần tìm nguyên nhân gốc rễ và tìm người chịu trách nhiệm 

Theo TS. Khuất Việt Hùng, việc tổ chức và bố trí những bến xe tương đối khó, tương đối xa khu vực mà người dân đang sinh sống. Đó là một bất cập. Thứ hai là rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp chưa quan tâm bố trí các điểm đón, trả khách thuận tiện, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải.

Thứ nữa, hiện nay, các cơ quan chức năng và lực lượng công an, giao thông đã khai thác tốt dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thì dễ dàng xác định được xe không đăng ký bến - tuyến hay bỏ. Còn những loại xe mới kinh doanh vận tải có thể khó xác định hơn nhưng đón ở đâu, chạy ở đâu vẫn có thể xác định được trong một chừng mực nào đó. 

Còn tất nhiên cuối cùng vẫn luôn là ý thức của người kinh doanh. Nhưng vấn đề đầu tiên là phải làm tốt việc bảo vệ pháp luật và thực thi pháp luật. Đấy là vấn đề cần phải giải quyết.

Tại Toạ đàm "Giải pháp nào để xoá xe dù, bến cóc" được Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nhiều khả năng còn bảo kê cả những bến xe, bãi đỗ tự lập ra. Loại bảo kê thứ nhất là bảo kê mang tính quyền lực. Tức là bảo kê của các cơ quan công quyền, của những lực lượng chức năng, thậm chí của một số cá nhân cán bộ thoái hóa biến chất. Bảo kê thứ hai là bảo kê ngoại biên, dựa vào sức mạnh và câu chuyện xã hội. Đó chính là các băng nhóm xã hội đen. Có cả hai vấn đề đó, và nếu tính cả 2 loại bảo kê đó thì đều phải xem xét trên bình diện pháp luật.

Cò lộng hành ở các bến cóc

Cò lộng hành ở các bến cóc

Vậy thì "ai sẽ phải chịu trách nhiệm?", TS. Lưu Bình Nhưỡng cho hay, từng nguyên nhân một sẽ xác định rõ chủ thể. Loại nguyên nhân chính thứ nhất là vấn đề xác lập hệ thống giao thông, điểm đỗ, bến xe và sự kết nối, phương tiện kết nối. Nói chung là chính sách quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải. Vấn đề này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan tham mưu là Bộ GTVT, các cấp địa phương. Cái này không thể thoái thác được.

Thứ hai, liên quan đến tổ chức thực hiện của các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, kể cả dân phòng, công an xã, phường, các lực lượng địa phương là rất quan trọng. Một vài trường hợp lực lượng không thực hiện hết chức trách, dẫn đến có hiện tượng xảy ra nhưng không quan tâm, hoặc đã được báo nhưng không xử lý đến nơi đến chốn.

Tuyến chủ thể thứ ba là người dân. Người dân không thể không có trách nhiệm. Nếu người dân có ý thức, hợp tác và báo cho cơ quan chức năng qua hệ thống đường dây nóng, đặc biệt là hệ thống quản lý hành chính 113 để các cơ quan chức năng xử lý. Chúng ta thông báo 1 lần, đến lần thứ 2, thứ 3 để các cơ quan vào cuộc thì đương nhiên sẽ có kết quả tốt.

Còn một điểm nữa, hiện tượng này diễn ra từ rất lâu nhưng thiếu một chủ thể nữa chưa thể hiện được vai trò. Đó chính là các cơ quan dân cử không giám sát đến nơi đến chốn. Nếu cơ quan dân cử ở Trung ương là Quốc hội, ở địa phương là Hội đồng nhân dân, cùng với giám sát của Mặt trận Tổ quốc, rồi tăng cường hơn nữa giám sát điều tra của báo chí, cả một hệ thống vào cuộc như thế thì chẳng lẽ chúng ta không xử lý được mấy cái xe dù bến cóc? Chúng ta không thể nói là khó khăn đến mức "không xử lý được". Giặc chúng ta còn đánh được nữa là câu chuyện này.

Rõ ràng đây là hiện tượng tiêu cực, đây là hành vi trái pháp luật diễn ra "giữa ban ngày ban mặt" mà chúng ta không xử lý được thì lỗi này thuộc về toàn bộ hệ thống chính trị chứ không thể đổ lỗi cho các nhà xe hay trách nhiệm của các doanh nghiệp. 

Nhiều biện pháp tới đây sẽ được triển khai mạnh mẽ

Theo Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ đã tham gia vào việc tham mưu xây dựng các văn bản pháp luật, trong đó có xây dựng Nghị định số 10 về việc kinh doanh vận tải bằng ô tô, có bổ sung thêm điều kiện về kinh doanh vận tải.

Hệ thống văn bản về vấn đề này tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện thì nhiều nơi chưa được hiệu quả. Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị thường tiếp nhận những thông tin liên quan đến xe dù, bến cóc từ phía người dân. Từ đó, Cục có chỉ đạo, yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông xử lý. Đó là những giải pháp mang tính thời điểm.

Lực lượng giao thông xử lý xe dù bến cóc

Lực lượng giao thông xử lý xe dù bến cóc

Liên quan đến việc xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình, Cục có mở những đợt cao điểm. Ví dụ như lực lượng giao thông có đợt cao điểm xử lý, kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe, xử lý xe dù bến cóc... Cục Đường bộ Việt Nam cũng thường xuyên chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng thanh tra giao thông ở các địa phương có các đợt cao điểm này. Việc xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình hiện nay là một công cụ rất hiệu quả. Theo báo cáo từ các Sở Giao thông vận tải, lũy kế đến hết ngày 15/11/2022, đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 14.843 phương tiện, thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở 76.857 phương tiện.

Bên cạnh đó, Cục cũng thường xuyên có báo cáo giao ban về công tác vận tải do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp phụ trách. Bộ trưởng cũng có giao ban trong công tác quản lý và xử lý xe dù, bến cóc. Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Giao thông vận tải là rất thường xuyên và liên tục.

Tuy nhiên, tình trạng vẫn tồn tại xe dù, bến cóc có nguyên nhân từ rất nhiều khâu. Trong đó, khâu quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch trong các đô thị lớn, vẫn là bài toán không chỉ giải quyết trong một ngày, vì nó liên quan đến quỹ đất, điều kiện đầu tư, nguồn vốn và liên quan cả đến nhiều ngành.

Đối với ngành Giao thông vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ, tất cả những giải pháp có thể áp dụng được trước mắt cũng như lâu dài như xây dựng chính sách, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật khi có phản ánh của người dân và doanh nghiệp… ngành đã triển khai thực hiện. Việc xử lý vi phạm và tăng cường lực lượng thanh tra giao thông, hiện ngành Giao thông vận tải vẫn mở các đợt cao điểm để xử lý vi phạm.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho rằng, UBND các tỉnh thành phố phải căn cứ vào thực tế địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu hoạt động của các bến xe khách, điểm trung chuyển và bố trí những điểm đón trả để phục vụ cho người dân thuận tiện, nhanh chóng. Việc đầu tư hạ tầng như camera giao thông, camera giám sát hành trình để xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, có nhiều giải pháp khác cũng được đưa ra như áp dụng công nghệ cần được ưu tiên hàng đầu. Thứ nữa là việc phối hợp các lực lượng ở địa phương, lực lượng công an giao thông, thanh tra giao thông... phải có những quy định rõ ràng trách nhiệm từng đơn vị. Từ đó mới có thể giải quyết được triệt để các vấn đề vi phạm.

Từ tháng 10/2022, Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị Công an TP chỉ đạo lực lượng CSGT, các đơn vị trực thuộc, Công an quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tập trung xử phạt vi phạm của xe khách liên tỉnh.

Theo đó, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách có hành vi: vi phạm về tốc độ cố tình đi rùa bò để bắt khách; đi sai phần đường, làn đường; tránh, vượt xe không đúng quy định, lạng lách, đánh võng, tranh giành khách gây mất trật tự, ATGT,...Đồng thời, tăng cường xử lý phạt nguội qua hệ thống camera giám sát.

Trước trình trạng “xe dù, bến cóc”, xe khách hợp đồng trá hình chở khách tuyến cố định hoạt động tràn lan tại một số khu vực ở TP Hồ Chí Minh, Cảnh sát giao thông, Công an thành phố đã tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngày 26/11, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, văn phòng UBND thành phố có công văn số 10361/VP-ĐT về kiểm tra xử lý xe dù bến cóc, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến trên địa bàn thành phố.

Tại các địa phương khác trên cả nước, lực lượng chức năng cũng đang nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là cao điểm gần Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. 

Hồng Thơ
Quảng Ninh: Xe container va chạm với xe mô tô khiến một người tử vong
Trao đổi với PV Banduong.vn, đại diện Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh  cho biết, vào hồi 10h15 ngày 28/3, tại Km 78 + 300, QL18, thuộc khu Phú Thanh Tây,  phường Yên Thanh, TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 1 người phụ nữ tử vong.

Va chạm với xe đầu kéo, 2 thiếu niên thương vong
Một vụ tai nạn giữa xe máy và xe đầu kéo vừa xảy ra trên Quốc lộ 6, đoạn qua huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La khiến 2 thiếu niên thương vong.

Hoà Bình: Cảnh sát hóa trang ghi hình, kéo giảm vi phạm lứa tuổi học sinh
Thời gian qua, đội Cảnh sát giao thông – Trật tự (CSGT-TT), Công an TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình thường xuyên phân công cán bộ hóa trang, phát hiện và xử lý vi phạm tại các cổng trường, qua đó kéo giảm vi phạm ở lứa tuổi học sinh.

Xe tải gây tai nạn nghiêm trọng tại huyện Mộc Châu, một người đứt lìa chân
Cơ quan chức năng huyện Mộc Châu – Sơn La đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng khi xe tải đâm vào xe đạp đi cùng chiều và một xe máy trên QL.6 đoạn qua huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Khởi tố thanh niên thông chốt, tông gãy xương CSGT-TT
Khi bị tổ công tác ra tín hiệu dừng xe, Tâm đã tăng ga, lao thẳng vào Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (CSGT-TT) thị xã Thuận Thành khiến chiến sĩ này gãy xương.

Đồng Nai: Thêm 30 biển báo giới hạn tốc độ trên QL.1
Theo Văn phòng Quản lý đường bộ IV.2 (Khu Quản lý đường bộ IV, Cục Đường bộ Việt Nam), đơn vị quản lý tuyến QL1 vừa cho lắp bổ sung 30 biển báo tốc độ tối đa cho phép trên QL1 đoạn huyện Xuân Lộc và thành phố Long Khánh (Đồng Nai).

Chủ tịch thị xã Quế Võ nói gì về việc xe quá tải, bến thủy không phép?
Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ (Bắc Ninh) kiên quyết xử lý vi phạm với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối đối với bến bãi vật liệu xây dựng, cát, sỏi, tro xỉ không đủ điều kiện hoạt động.