Có thể thay đổi nhiều tuyến buýt từ 1/4
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép dừng hoạt động 6 tuyến buýt có mức trợ giá cao trên 95% kể từ ngày từ ngày 1/4 tới. Cùng với đó, điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt khác để không ảnh hưởng tới việc đi lại
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2019 là 857,43 tỷ đồng. Năm 2022 cao nhất với mức trợ giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020 - 2022 hơn 670 tỷ đồng.
Trong khi đó, giai đoạn 2020-2022, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sụt giảm, một phần do chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, phần khác do một số chính sách ưu đãi, miễn phí cho người dân được áp dụng theo Nghị quyết 07/2019 của HĐND thành phố.
Bên cạnh đó, do thi công một số công trình giao thông trọng điểm nên phải điều chỉnh lộ trình làm giảm sản lượng hành khách, tăng số km hành trình, tăng chi phí, giảm doanh thu kéo theo trợ giá tăng...
Qua rà soát, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tạm thời xác định 71/132 tuyến buýt cần xem xét điều chỉnh. Đặc biệt, Sở đề xuất dừng 6 tuyến buýt từ ngày 1/4 tới, gồm các tuyến: 10, 14, 18, 44, 45, 145.
Với phương án dự kiến nêu trên, Sở Giao thông Vận tải tính toán sẽ giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.
Để không ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại của hành khách, từ nay đến tháng 4/2024, Sở Giao thông vận tải sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động.
Sở GTVT Hà Nội đặt hàng với 9 tuyến xe buýt điện mới
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép thực hiện thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện đối với 9 tuyến buýt hết hạn thầu năm 2024.
Theo đó, trong quý 1/2024, 9 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu, gồm: Tuyến số 05 lộ trình đi Khu đô thị Linh Đàm-Phú Diễn; tuyến 15 Bến xe Gia Lâm-Phố Ni; tuyến 17 Long Biên-Nội Bài; tuyến 36 Yên Phụ-Khu đô thị Linh Đàm; tuyến 39 Công viên Nghĩa Đô-Tứ Hiệp; tuyến 43 Công viên Thống Nhất-thị trấn Đông Anh; tuyến 54 Long Biên-Bắc Ninh; tuyến 47A Đại học kinh tế Quốc dân-Kiêu Kỵ (Gia Lâm); tuyến 59 thị trấn Đông Anh-Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Các tuyến buýt trên sẽ được thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong khoảng thời gian 12 tháng.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng nhìn nhận khi chuyển sang phương tiện sử dụng điện, 9 tuyến buýt này sẽ phát sinh số lượng phương tiện 148 xe của 8 tuyến vẫn còn khấu hao (từ 2-8 năm), một tuyến hết hạn thầu hết hạn khấu hao nên cần phải xem xét có phương án xử lý để tránh lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đánh giá việc chuẩn bị điều kiện để thực hiện được ngay cho buýt điện hoạt động từ 1/4 tới là khó khả thi (phương tiện buýt nhỏ và trung bình không có sẵn tại thị trường Việt Nam và phải nhập khẩu hoặc đặt sản xuất, đồng thời phải đầu tư lắp đặt trạm sạc), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng trong khi chờ chuẩn bị phương tiện, hạ tầng (tối đa 6 tháng) cho phép tạm thời gia hạn hợp đồng thầu đang khai thác đối với đơn vị đang vận hành cho đến khi đơn vị được đặt hàng chuẩn bị xong các điều kiện (thời gian gia hạn không quá 6 tháng kể từ ngày 1/4/2024).
Dự kiến sau khi hoàn thiện xong thủ tục đặt hàng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ triển khai ngay thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện trung bình và nhỏ để làm cơ sở đấu thầu các tuyến buýt khi hết thời gian thí điểm.
Được biết, theo lộ trình, năm 2025 có khoảng 68 tuyến buýt trên địa bàn Hà Nội sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang buýt điện.