Cập nhật tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ
Để thuận lợi trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện, các địa phương đã thành lập các Ban Chỉ đạo GPMB huyện (huyện Vĩnh Linh,Gio Linh, Cam Lộ).
Làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc khảo sát chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị có báo cáo tình hình thực hiện công tác GPMB Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, triển khai nhiệm vụ đã được phân công tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ và các Thông báo của Văn phòng Chính phủ. UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương có tuyến cao tốc đi qua triển khai các nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai công tác GPMB dự án đoạn qua địa bàn tỉnh đã được thành lập. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch GPMB thực hiện dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo GPMB tỉnh và thành lập Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo.
Đồng thời, giao chủ đầu tư tiểu dự án GPMB cho các địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Để thuận lợi trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện, các địa phương đã thành lập các Ban Chỉ đạo GPMB huyện (huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ).
Công tác nhận bàn giao tim tuyến, cọc GPMB cho địa phương từ Ban QLDA đường HCM dài 32,53km (Vĩnh Linh 14,25km; Gio Linh 11,9km; Cam Lộ 6,384km) đã được hoàn thành. Hiện các địa phương đang tích cực triển khai nhiệm vụ đã được giao.
Nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh công tác GPMB và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo Bộ GTVT nhu cầu vốn năm 2022 là 700,5 tỷ đồng và trước mắt bố trí kinh phí tạm ứng là 900 triệu đồng để các địa phương chi trả tiền nhân công thực hiện công tác GPMB.
Để phù hợp với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành liên quan đến dự án, đảm bảo phục vụ lợi ích cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân sinh,trên cơ sở nội dung các văn bản thỏa thuận giải pháp thiết kế của Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao các cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, đề xuất bổ sung các giải pháp cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế địa phương để điều chỉnh phù hợp.
Với nhiệm vụ được giao là thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ GPMB để thi công dự án, Ban Chỉ đạo GPMB tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành kiểm tra hiện trường, quy chủ đối với hạng mục kỹ thuật cơ sở hạ tầng như đường điện cao thế, trung thế, hạ thế; đường cáp quang thông tin liên lạc; đường nước, nhà văn hóa thôn, trường mầm non…
Để thực hiện tốt công tác tái định cư phục vụ dự án, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp Sở Xây dựng, Sở TN&MT và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ kiểm tra các vị trí thực hiện khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc. Theo đó, các vị trí khu tái định cư và diện tích dự kiến khoảng 396 hộ bị ảnh hưởng phải tái định cư. 15 công trình công cộng bị ảnh hưởng cần phải di dời. Dự kiến 15 vị trí khu tái định cư và diện tích dự kiến khoảng 57,12 ha.
Tổng diện tích thực hiện dự án Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, tuyến Vạn Ninh - Cam Lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 337,69 ha. Trong đó, rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp: 109,98 ha (đất khác ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 227,71 ha) cần được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình số 61/TTr-UBND ngày 29/3/2022 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc đề nghị thẩm định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (CĐMĐSDR) sang mục đích khác để thực hiện Dự án cao tốc. Ngày 13/4/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 2253/BNN-TCLN về việc tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Hồ sơ CMĐSDR đã hoàn thành và được Bộ Nông nghiệp & PTNT tổng hợp gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trình Quốc hội quyết định chủ trương CMĐSDR.
Đối với đất trồng lúa, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có công văn gửi Tổng cục Quản lý Đất đai về nội dung thẩm định nhu cầu chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng. Trong đó, diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích 10,05 ha (đất lúa 2 vụ 9,67 ha, đất lúa 1 vụ 0,38 ha); diện tích đất rừng sản xuất chuyển mục đích 53,06 ha. Đến nay, các nội dung thẩm định chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ…
Hiện nay, để thực hiện công tác bồi thường, GPMB, một số địa phương đã có thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án; thực hiện công tác kiểm đếm cây cối hoa màu và tài sản vật kiến trúc của 38/48 hộ gia đình từ Km708+350÷Km712+00 (dài 3,65km) đi qua địa bàn xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh. Đang tiếp tục thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ thu hồi đất từ Km712+00÷Km722+600 (dài 10,6km) đoạn đi qua địa bàn thị trấn Bến Quan và xã Vĩnh Hà. Đang triển khai lập phương án di dời cho các cơ sở sản xuất, chế biến của các đơn vị bị ảnh hưởng GPMB (Nhà máy chế biến Lâm sản công ty Lâm nghiệp Quảng Trị).
Tuy nhiên, trong quá trình bồi thường, GPMB để thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, ngày 25/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, trong khung chính sách được Chính phủ phê duyệt không có chính sách cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, thực trạng các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có nhà ở tạm nên giá trị bồi thường, hỗ trợ thấp không đủ để các hộ gia đình xây dựng lại nhà ở mới.
Ngoài ra, trong thời gian qua, giá đất thị trường tăng đột biến. Trên thực tế, giá đất để tính bồi thường luôn thấp hơn rất nhiều so với giá đất trên thị trường. Chính vì vậy, làm phát sinh khiếu kiện, ách tắc khi bồi thường, GPMB.
Vậy nên, trong thời gian tới, Sở GTVT cũng như UBND tỉnh Quảng Trị cần có những giải pháp linh hoạt, hợp lý, hợp tình, tìm được tiếng nói chung với người dân bị ảnh hưởng, để việc GPMB, thực hiện dự án được “thông thoáng”.