Căng thẳng Biển Đỏ, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo gì?
Hiện nay, giá cước và các phụ phí khác đều tăng khoảng 80% trên tổng giá cước vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, tương ứng tăng khoảng 1.500-2.200 USD/container. Sự tăng giá này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí logistics của doanh nghiệp, mà còn làm ảnh hưởng đến các cam kết thương mại khác.
Biển Đỏ là nơi có tuyến hàng hải quan trọng, nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, hay từ châu Âu đến châu Á. Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi trên Biển Đỏ đã khiến các hãng tàu tạm dừng vận chuyển qua khu vực, có nguy cơ gây áp lực lên lạm phát. Do đó, căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng rủi ro cho dòng chảy thương mại toàn cầu và làm tăng thêm chi phí cho lĩnh vực vận tải biển. Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ diễn biến “nóng” tại Biển Đỏ.
Hiện nay, giá cước và các phụ phí khác đều tăng thêm khoảng 80% trên tổng giá cước vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, tương ướng tăng khoảng 1.500-2.200 USD/container. Sự tăng giá này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí logistics của doanh nghiệp, mà còn làm ảnh hưởng đến các cam kết thương mại khác như thời hạn giao hàng, thu xếp kế hoạch làm hàng sản xuất.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông thủy sản như trái cây, hoa quả có thể bị ảnh hưởng chất lượng do quá trình tự chín trong khi vận chuyển.
Trong khi đó, không chỉ tuyến đi qua khu vực Biển Đỏ tăng giá mà nhiều cung đường khác, cụ thể là đi bờ Tây nước Mỹ cũng bị “đội giá” gấp đôi.
Căng thẳng Biển Đỏ khiến các hãng vận tải lớn (Main Line Operator -MLO) phải thay đổi hải trình, làm kéo dài thời gian vận chuyển từ 7 đến 10 ngày do phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng châu Phi. Do đó, cần thêm nhiên liệu cho khoảng cách xa hơn và di chuyển nhanh hơn. Một số line buộc phải bổ sung tàu cho mỗi dịch vụ, thêm 20% công suất hiện có và phát sinh phí phát thải bổ sung do mức sử dụng nhiên liệu tăng cao.
Ngoài ra, sự cố Biển Đỏ cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt vỏ container và thiết bị, thay đổi mạng lưới vận tải biển toàn cầu.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics chủ động theo dõi sát tình hình, lên các phương án thích hợp trao đổi với các đối tác để lựa chọn trong một số trường hợp trong các chuỗi logistic. Đặc biệt, chuỗi logistics liên quan đến vận tải nội địa hay đối với một số mặt hàng có giá trị cao, thay vì thực hiện vận tải bằng đường biển một cách truyền thống thì nghiên cứu kết hợp các phương thức vận tải khác như vận tải đường hàng không, đường sắt hay xà lan. Đây là các hình thức logistic trong nội địa và chi phí chưa bị biến động nhiều như cước biển.
Đối với các đối tác ở châu Âu hay ở Mỹ, cần làm việc một cách cụ thể đề phòng cho một số trường hợp có thể kéo dài thời gian đóng hàng và nhận hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm và đa dạng các nguồn cung để hạn chế những ảnh hưởng bất lợi trong chuỗi cung ứng, nhất là khi tham gia ký kết hay đàm phán các hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển; các doanh nghiệp cần bổ sung ngay các điều khoản liên quan đến bồi thường, liên quan đến miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp.
Các hợp đồng phải mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa các rủi ro và hàng hóa bị tổn thất khi đi qua tuyến đường này gặp sự cố, hoặc bị giảm chất lượng do kéo dài thời gian vận chuyển.
Theo nhiều doanh nghiệp, ngành hàng, hiện chỉ có một số tuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… không bị tăng giá cước, đây cũng là thị trường có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng điều, dệt may, gạo, thủy sản lớn. Theo đó, doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn vào những thị trường này. Đồng thời, chú ý thực hiện các tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo yêu cầu của thị trường để giữ khách hàng.