Cần vốn để hoàn chỉnh hệ thống metro
Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ngày 18/7 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị nghiên cứu cơ chế cho TP.HCM vay khoảng 20 tỷ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị (metro) theo quy hoạch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vùng Đông Nam Bộ (gồm 6 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu) có vị trí, vai trò quan trọng, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, hệ thống kết nối giao thông nội vùng, liên vùng hiện còn thiếu và chưa đồng bộ. Sự phát triển chưa đồng đều, chưa tương xứng và còn chênh lệch giữa các địa phương, cũng như sự bảo hộ lợi ích kinh tế của mỗi địa phương đã góp phần triệt tiêu lợi thế chung của cả vùng.
Kết nối hạ tầng giao thông liên vùng được cho là chìa khóa giải quyết các “điểm nghẽn” giữa các địa phương với nhau. Trong giai đoạn 2026 - 2030, Bộ GTVT xác định cần tiếp tục hoàn thiện nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam và khu vực đầu mối TP.HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác vận tải đường sắt. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hệ thống metro tại TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, các tuyến kết nối liên vùng như Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; đường Vành đai 4; các cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành, Chơn Thành – Đức Hòa, Chơn Thành – Gia Nghĩa, Dầu Giây – Liên Khương, TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đến năm 2025 sẽ hoàn thiện đầu tư. Khi đó, mạng lưới giao thông giữa TP.HCM với các địa phương lân cận và trong vùng sẽ thông suốt, thuận lợi để phát triển kinh tế.
Các tuyến đường sắt liên vùng khác cũng đang được nghiên cứu tiền khả thi, khả thi và lập dự án đầu tư, như: Tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn - Cần Thơ, các tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành (kết nối sân bay quốc tế Long Thành), tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Vũng Tàu…
Về hệ thống metro TP.HCM, theo quy hoạch, TPHCM có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài 220 km, tổng mức đầu tư gần 26 tỉ USD.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 16 năm qua TPHCM chưa làm xong 20 km Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là quá chậm. Tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) nhiều năm qua vẫn loay hoay giải phóng mặt bằng. Do đó, TPHCM cần sớm đẩy nhanh hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương tìm kiếm các phương thức đầu tư mới, nguồn vốn huy động, đề xuất cơ chế vay thế nào để đầu tư các dự án lớn. Cần ưu tiên nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng.
Với TP.HCM, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép vay một khoản đủ lớn, ước khoảng 20 tỷ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Các tuyến này khi hoàn thành, có thể kéo dài qua các địa phương lân cận, mở rộng không gian của thành phố…
Được biết, trước đó, vào tháng 5/2023, trong dự thảo báo cáo dự án đầu tư xây dựng mạng lưới metro TP.HCM theo mô hình TOD (Dự án TOD), Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển TP.HCM (PDI) cho biết, tổng mức đầu tư xây dựng 500 km của toàn thành phố dự kiến sẽ vào khoảng 22,5 tỷ USD với chừng 45 triệu USD cho mỗi km chiều dài và không dùng nguồn vốn ODA. Theo dự kiến, quy hoạch TOD này sẽ được triển khai từ đầu năm 2025 đến tháng 12/2035.