Bùn thải từ Dự án Nobu Đà Nẵng cao dần bên sông Cẩm Lệ
Ở thành phố đáng sống bậc nhất (đường Trần Hữu Dực, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn và sân vận động 40.000 chỗ ngồi, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ,) liên tục nhận bùn thải có chứa bentonite chuyển đến từ công trình Dự án Khu phức hợp thương mại, khách sạn và căn hộ du lịch – Nobu Đà Nẵng.
Núi bùn thải tạm thời ở phường Hoà Xuân có được cấp phép
Theo ghi nhận của, từ đầu tháng 12 đến nay, tại công trình Dự án Nobu Đà Nẵng (nằm ở đường Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) xảy ra việc vận chuyển, đổ thải đối với bùn thải từ khoan cọc nhồi, có chứa bentonite đi đổ ở những nơi trái quy định.
Suốt từ đầu tháng 12, nhiều xe tải mang logo chữ S đã vận chuyển khối lượng lớn bùn bentonite từ dự án Nobu Đà Nẵng đi đổ trái phép ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Địa điểm đổ thải này là khu đất trống trên đường Trần Hữu Dực, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Trong khi, khu vực này không được cơ quan có thẩm quyền của TP Đà Nẵng cho phép đổ thải phát sinh từ các dự án.
Theo sát những xe này nhiều ngày, PV ghi nhận, bùn thải từ dự án Nobu Đà Nẵng được các xe mang logo chữ S và ST chở về đổ tại bãi tập kết Hoà Xuân tại địa chỉ sân vận động 40.000 chỗ ngồi, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.
Đi tìm "lai lịch các chủ xe đổ thải lạ này", được biết, Chủ đầu tư dự án là Công ty CP bất động sản Circle Point đã ký hợp đồng thi công hạng mục gói thầu công tác cọc và tường vây với Công ty Bachy Soletanche Việt Nam (gọi tắt là công ty Bachy) theo hợp đồng số 02/2024/NBH/BSV ngày 24/4/2024.
Sau đó, Công ty Bachy lại ký hợp đồng vận chuyển đất thải với Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và Thương mại Quỳnh Lương, địa chỉ tại 28 Trần Văn Dư, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng do ông Bùi Duy Thanh làm giám đốc.
Công ty Quỳnh Lương có tham gia ký kết hợp đồng kinh tế số 29/20/CT/HĐKT ngày 4/7/2020 với Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng về việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải xây dựng công trình. Hợp đồng có giá trị đến hết năm 2025.
Qua các hợp đồng ký kết, chất thải phát sinh tại công trình dự án Nobu Đà Nẵng được đưa lên các xe vận tải của Công ty Quỳnh Lương. Danh sách xe vận chuyển được Công ty Quỳnh Lương cung cấp để theo dõi, giám sát với số lượng tổng cộng là 20 xe. Bùn thải được vận chuyển đến bãi tập kết Hoà Xuân tại địa chỉ sân vận động 40.000 chỗ ngồi, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng theo hợp đồng ký kết.
Theo đơn vị thi công là công ty Bachy thì việc đổ bùn thải tại bãi tập kết Hoà Xuân chỉ là tạm thời, sau đó sẽ vận chuyển về bãi rác Khánh Sơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc đổ thải tại bãi tập kết Hoà Xuân hiện tại không đảm bảo các quy định. Bãi tập kết này nằm cạnh sông Cẩm Lệ. Vì thế, núi bùn thải từ dự án Nobu Đà Nẵng đổ về đây gây nguy cơ ảnh hưởng môi trường cho sông Cẩm Lệ nếu không được xử lý kịp thời.
Chủ đầu tư CTCP Circle Point phá cam kết với Sở Tài nguyên và Môi trường TP?
Dự án Nobu Đà Nẵng nằm ở đường Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Theo tìm hiểu, dự án Nobu Đà Nẵng được Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cấp giấy phép môi trường vào ngày 15/8/2023.
Tại giấy phép này, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty CP bất động sản Circle Point có nhiệm vụ vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và các quy định khác có liên quan; có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.
Giấy phép yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm không đạt yêu cầu cho phép tại Giấy phép này và phải dừng ngay việc xả nước thải, khí thải, phát sinh tiếng ồn độ rung để thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chủ đầu tư phải báo cáo kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Sơn Trà, UBND phường Phước Mỹ và các cơ quan chức năng liên quan nếu xảy ra các sự cố đối với các công trình xử lý chất thải, sự cố khác dẫn đến ô nhiễm môi trường. Chi cục Bảo vệ môi trường được giao tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung cấp phép, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với Nobu Đà Nẵng theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cũng giao chủ đầu tư thực hiện, giám sát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo toàn bộ chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động của dự án đều được thu gom, phân loại, xử lý, đáp ứng các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật có liên quan và các quy định trên địa bàn thành phố; chỉ được phép đổ thải các loại bùn, đất, đá thải, phế liệu xây dựng phát sinh trong quá trình thực hiện dự án vào các vị trí phù hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản và phải có biện pháp quản lý, kỹ thuật bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển và đổ thải.
Với thực trạng trên, chủ đầu tư dự án đã phá cam kết bảo vệ môi trường hay không kiểm soát được công ty đối tác thi công dự án cũng như đổ thải? Đây đều là những vấn đề tối trọng đối với một dự án lớn.
Được biết, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng vừa có ý kiến trả lời về việc nhận đặt cọc tại dự án Nobu Đà Nẵng.
Sở Xây dựng cho hay: Dự án Nobu Đà Nẵng do Công ty CP Bất động sản Circle Point làm chủ đầu tư, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mã số dự án: 0650824421 ngày 05/12/2024. Dự án không có mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua.
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở và lĩnh vực kinh doanh bất động sản thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng ban hành theo Quyết định số 2202/QĐ-UBND ngày 14/10/2024 của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Xây dựng được giao tiếp nhận, giải quyết “Thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua” và không có thủ tục cấp phép bán hàng đối với căn hộ du lịch.