Chuyên mục


Bến xe hụt tuyến

10/11/2022 08:20 (GMT +7)

Bến xe nằm cách xa trung tâm đã giảm gánh nặng cho hạ tầng giao thông nội thành, nhưng lại gián tiếp đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bỏ bến chạy "dù".

Bến xe hụt tuyến vì khách không muốn mất thời gian

Sau 2 năm vận hành, Bến xe Miền Đông mới được kỳ vọng hoạt động với hơn 500 tuyến, tương ứng đón 5.000-5.500 khách/ngày. Thế nhưng, thực tế bến này đã thống kê mỗi ngày hụt gần 300 chuyến so với khi còn ở địa điểm cũ.

Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành nhà xe Hoa Mai, chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu cho biết, công ty đã giảm còn 10 xe hoạt động ở bến mới, thay vì 30 xe khách như ngày trước. Chuyến xe đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu chỉ mất 2 giờ, trong khi bến mới xa, khó đi lại nên hành khách dễ bỏ chuyến, kiếm hình thức khác thuận tiện hơn. 

Dù bến xe Miền Đông đã tổ chức tuyến xe buýt trung chuyển miễn phí người dân ra bến mới và ngược lại. Trong bến cũng có các tuyến buýt trợ giá, dao động ba mức 7.000 - 10.000 - 20.000 đồng/lượt. Thế nhưng khách hàng vẫn cứ lần lượt quay lưng vì "mất thời gian".

Bến xe Miền Đông mới được đặt tại 39448 xa lộ Hà Nội, P.Long Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM

Bến xe Miền Đông mới được đặt tại 39448 xa lộ Hà Nội, P.Long Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM

Một khách hàng đang chờ chuyến xe buýt trung chuyển miễn phí qua bến chia sẻ:" Trung chuyển đến Bến xe Miền Đông mới lằng nhằng lắm. Bình thường, tôi chỉ cần ra bến là có xe đi ngay. Bây giờ, tôi phải chờ đợi hàng giờ cho nhiều thủ tục, mà tôi đến từ 10h để chờ chuyến xe buýt trung chuyển miễn phí qua bến mới. Mà đến 11h30, xe mới lăn bánh".

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết cũng gặp những khó khăn khi di dời các tuyến xe liên tỉnh từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) ra bến mới (TP Thủ Đức) dẫn đến tình trạng 300 chuyến xe không vào bến mới để hoạt động. Theo thống kê, có khoảng 160 chuyến đã vào các bến khác. Còn lại 140 chuyến có thể các nhà xe thực hiện sai quy định đến một số địa điểm tập kết đón khách.

"Từ khi di dời tuyến từ Bến xe miền Đông cũ sang Bến xe An Sương, lượng hành khách của hãng giảm đáng kể do quãng đường di chuyển vào bến xa. Xe vào bến xe phải đóng phí, trong khi bến xe vắng khách, chưa bố trí phòng vé, người dân muốn mua vé trực tiếp thì không biết chỗ", một tài xế lái xe cho biết.

Doanh nghiệp đăng ký... nhưng không hoạt động hoặc không vào bến

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội qua rà soát của Trung tâm Khai thác bến xe Hà Nội, phát hiện trong tháng 7 và 8/2022, tại Bến xe Yên Nghĩa và Bến xe Sơn Tây có 46 đơn vị kinh doanh vận tải không có trụ sở tại Hà Nội với 85 nốt giờ đăng ký nhưng không đưa xe vào hoạt động; 3 đơn vị có trụ sở tại Hà Nội với 24 nốt giờ đăng ký nhưng cũng không thấy vào bến. 

 
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng tình trạng nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động đủ thời gian quy định, thậm chí có tới vài trăm nhà xe cả tháng không chạy chuyến nào là rất đáng lo ngại. Điều này có thể khiến các bến xe đối mặt với nỗi lo đóng cửa.

Hiện 85 xe khách của gần 30 doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh vận tải đã đăng ký tuyến hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm kết nối với các địa phương nhưng không đưa xe vào hoạt động. 

Ghi nhận thực tế lại cho thấy, nhiều nhà xe bỏ bến nhưng lại lén lút ra ngoài đón trả khách tại các tuyến đường, khu vực đông dân cư, biến các xe đang hoạt động hợp pháp lại trở thành một dạng xe “dù”. Trong khi hoạt động trong bến xe đìu hiu thì tình trạng bắt khách dọc đường diễn ra rất sôi động.

Mới đây tại Đà Nẵng, Ngân hàng Thương mại CP Công Thương Việt Nam (VietinBank) rao bán quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất, kinh doanh với diện tích 3.180m2 cùng toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với dự án Bến xe khách liên tỉnh phía nam thành phố của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Sau 10 năm hoạt động thì có 8 năm bị bỏ hoang, bến xe này đang bị ngân hàng rao bán để siết nợ.

Sau 10 năm hoạt động thì có 8 năm bị bỏ hoang, bến xe này đang bị ngân hàng rao bán để siết nợ.

Tháng 9/2012, bến xe phía nam được xây dựng tại thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, ngay cạnh quốc lộ 1A và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dự án này rộng 6,3ha, với tiêu chuẩn bến xe loại 1, có tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng với năng lực phục vụ 800 - 1.000 lượt xe xuất bến/ngày. 

Thế nhưng, sau nhiều năm đưa vào hoạt động, bến xe này luôn trong tình trạng vắng vẻ vì nhiều doanh nghiệp vận tải không đăng ký kinh doanh tuyến tại bến xe, các doanh nghiệp vận tải khác cũng rút khỏi bến, lần lượt chuyển về đăng ký tại bến xe trung tâm TP. Đà Nẵng. Nguyên nhân dẫn đến việc này là bến xe quá xa trung tâm thành phố, việc phân luồng, tuyến cũng có những bất cập.

Hiện tại, toàn bộ công trình với nhiều hạng mục đã xuống cấp, các hệ thống cửa, ghế ngồi, quầy bán vé, tường phía bên trong bị hỏng, thấm dột, xuống cấp, bụi phủ kín mọi nơi… Cả nghìn mét vuông diện tích đất xung quanh công trình chính cỏ dại mọc cao hơn đầu người. Trong bãi đậu xe, chỉ có một số xe buýt trợ giá, xe container đỗ và một số doanh nghiệp thuê mặt bằng tập kết hàng hóa với vài nhân viên bảo vệ trông coi bến xe, hàng hóa. Nhiều người dân xung quanh còn chăn thả gia súc vào trong khuôn viên bến xe...

Sớm có giải pháp cứu bến xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách

Đối mặt với những tình trạng trên trong thời gian dài, mới đây, tại tỉnh Nghệ An, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa tổ chức buổi Tọa đàm 19/9 với nội dung “Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, bến xe khách và đề xuất, kiến nghị”. 


Screenshot 2022-11-09 154004
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, bến xe khách, đại diện Sở Giao thông vận tải 15 tỉnh, thành phố và đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trong ngành đã nêu và phân tích nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc, đề xuất những biện pháp giải quyết nhằm “cứu doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Bến xe khách”. Nhiều đại biểu phản ánh, xe khách hoạt động tuyến cố định dần bỏ bến ra ngoài, chạy vòng vo tìm khách, gom khách…; bến xe giảm đáng kể số lượng xe vào bến đón khách, khách đến bến chỉ còn 20 ÷ 50% so với trước; có bến xe rơi vào tình trạng khó khăn có nguy cơ phá sản.

Các đơn vị khai thác bến xe là doanh nghiệp nhưng lại phải thực hiện quy định giá dịch vụ xe ra vào bến theo quyết định của UBND cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 83 Luật Giao thông đường bộ 2008) không được chủ động kê khai giá như các đơn vị vận tải. Xe hợp đồng phát triển mạnh. Hiện số xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng gấp 9 lần xe kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, khó kiểm soát, nhất là loại xe limousine (xe cải tạo từ xe 16 chỗ xuống thành xe 10 đến 12 chỗ kể cả người lái). Thực chất đây là hình thức hoạt động theo tuyến cố định sử dụng hình thức kết nối với hành khách qua mạng, tổ chức đưa đón khách từ nhà đến nơi cần đến và ngược lại.

Trước tình hình trên một số doanh nghiệp vận tải khách theo tuyến cố định có xu hướng bỏ bến xe ra thành lập văn phòng đại diện để hoạt động, bến cóc xe dù tăng cao; cơ quan quản lý nhà nước không ngăn chặn được, thậm chí còn có tình trạng bảo kê cho xe dù bến cóc hoạt động như một số cơ quan báo chí đã nêu. 

Nguyên nhân của tình trạng này là hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ; nhiều đơn vị là các hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ; hoạt động theo cơ chế khoán... việc áp dụng các biện pháp chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải chậm được triển khai. Lượng khách tại bến xe rất ít nên càng làm gia tăng tình trạng xe khách chạy tuyến cố định chạy vòng vo đón khách không đảm bảo thời gian, một số xe thu tiền không đúng với giá vé đã công bố và niêm yết tại bến xe gây bức xúc cho hành khách, có xe trên đường đi còn “bán khách” cho xe khác…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các địa phương nghiên cứu ổn định quy hoạch các bến xe, theo hướng bến xe cần bố trí ở nơi thuận tiện thu hút xe và khách vào bến; để các doanh nghiệp kinh doanh bến xe khách yên tâm đầu tư, khai thác bến xe theo hướng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách, xe vào bến; tổ chức các dịch vụ tham gia vào chuỗi thương mại điện tử; áp dụng các giải pháp giảm thiểu sử dụng điện lưới để giảm thiểu khí thải...

Trong lúc chưa sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008 cần có hướng dẫn để doanh nghiệp bến xe khách được kê khai giá dịch vụ xe ra vào bến thay vì thực hiện theo quyết định của UBND cấp tỉnh như hiện nay. Có quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước với chính quyền cấp phường, xã khi để xảy ra tình trạng bến cóc, xe dù và việc đón khách trái quy định tại các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải khách trên địa bàn.

Mỹ Diệu
Tân Cảng 128 mở dịch vụ chuyển tải bằng đường thủy nội địa
Sáng ngày 17/4/2024, tại Cảng Tân Cảng 128 – Hải Phòng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức Buổi làm việc giới thiệu về “Giải pháp vận tải đường thuỷ của Tân Cảng Sài Gòn tại Cảng Tân Cảng 128 – Hải Phòng”.

Quảng Nam đề xuất phương án đầu tư QL.14D
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư và sớm triển khai đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, cải tạo QL14D theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động lấn biển, có hiệu lực từ ngày 16/4/2024.

Thay đổi thú vị về ô tô và xe máy trong hơn một thập kỷ qua
Theo Báo cáo “Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2022” của Tổng cục Thống kê, tình hình ô tô và xe máy tại Việt Nam qua hơn 1 thập kỷ đã có nhiều thay đổi thú vị.

Hà Nội: Tìm nhà thầu xây cầu vượt nút giao Đường tỉnh 427 với Quốc lộ 1A
Dự án cầu vượt nút giao Đường tỉnh 427 với Quốc lộ 1A hoàn chỉnh hướng tuyến mới của đường 427 theo quy hoạch, giúp kết nối với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ một cách thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Chấn chỉnh công tác quản lý vận tải ô tô tại địa phương
Thanh tra Bộ GTVT vừa báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch 12882 ngày 14/11/2023 của Bộ GTVT về kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cứ mỗi phút có 5 chiếc xe máy được mua
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, lượng xe máy mới bán ra trong quý I năm 2024 đạt trên 603.000 chiếc, giảm gần 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.