Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng
Tại Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” các chuyên gia cho rằng cần tạo ra được “vắc xin số” để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân trên môi trường Internet.
Nằm trong chuỗi sự kiện thường niên Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022, Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” thu hút sự tham gia của các đại diện đến từ Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các hãng công nghệ.
Theo ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) thông cho biết, báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố ngày 3/8/2022, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi.
Việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro. Phổ biến như tiếp cận với những nội dung độc hại, có thể bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ. Bên cạnh đó là việc sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet ảnh hưởng đến tâm lý sức khỏe.
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, đã có nhiều giải pháp được triển khai với mục tiêu bảo vệ trẻ em trên mạng, nhưng giáo dục phải đi trước một bước. Các nhà quản lý cần đẩy mạnh nhiều chương trình giáo dục về an ninh mạng cũng như giáo dục trí thông minh kỹ thuật số cho trẻ em ngay từ các cấp mầm non, tiểu học.
Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện Cục Trẻ em và các cơ quan chức năng, các hãng công nghệ đang tìm kiếm nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo các chat bot thay con người tư vấn thông tin, phân tích dữ liệu, hỗ trợ chính quyền địa phương hoặc cán bộ bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở.
“Không thể bám theo khi các em lang thang trên không gian mạng. Do đó, người lớn phải trang bị kỹ năng và công cụ như vắc xin số, để các em có thể chống lại thông tin xấu độc, hiểm nguy trên Internet”, ông Nam chia sẻ.