5 tỷ USD làm đường sắt vào cảng Vũng Áng
Dự án do Tập đoàn FLC và PetroTrade Lào hợp tác đầu tư với tổng chiều dài khoảng 555 km; dự kiến khởi công quý IV/2022.
Tập đoàn FLC và PetroTrade Lào vừa ký ghi nhớ về việc hợp tác phát triển một phần của dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng. Lễ ký bản ghi nhớ diễn ra ngày 21/3 tại thủ đô Vientiane dưới sự chứng kiến của hai Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Lào và Việt Nam.
Theo bản ghi nhớ, FLC và Petro Trade Lào (doanh nghiệp là đối tác chiến lược của Chính phủ Lào trong đầu tư, phát triển và quản lý nhiều dự án hạ tầng, hậu cần quan trọng) sẽ cùng tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). Đây là một phần quan trọng trong toàn tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng có tổng mức đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 555 km, trong đó, 452 km thuộc Lào và 103 km tại Việt Nam với mục tiêu khởi công ngay trong quý IV/2022.
Cảng Vũng Áng là cửa ngõ giao thông giữa miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Lào, Thái Lan, Myanmar với cảng Vũng Áng của Việt Nam, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Đây là một trong những dự án trọng điểm được Chính phủ hai nước quan tâm, đồng thuận phát triển, nhằm phát huy hiệu quả vị trí địa lý của Lào và lợi thế biển của Việt Nam, tuyến đường sắt nói trên chắc chắn sẽ giúp tăng cường khả năng trung chuyển hàng hóa tại cảng Vũng Áng. Qua đó, giao thương giữa Việt Nam với các nước láng giềng được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, dự án cũng tạo lợi thế rộng mở cho các doanh nghiệp Việt – Lào hợp tác phát triển các lĩnh vực nhiều tiềm năng như du lịch, dịch vụ.
Cũng tại sự kiện này, Tập đoàn FLC đề xuất Chính phủ Lào cùng các bộ, ngành tạo điều kiện để nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô trong lĩnh vực nghỉ dưỡng – sân golf, hàng không, khai khoáng, nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả.