Yêu cầu báo cáo ngay dư nợ vay ký quỹ cổ phiếu 'họ FLC'
Ông Trương Lê Quốc Công - vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, vừa thừa lệnh chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để gửi văn bản đến các công ty chứng khoán vào hôm 5-4.
Theo đó, để thực hiện công tác quản lý, giám sát về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán theo quy định tại thông tư 121/2020 do Bộ Tài chính ban hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán phải báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (sử dụng đòn bẩy tài chính - margin) đối với các mã thuộc "họ FLC".
Với 7 mã chứng khoán cụ thể bị gọi tên lần lượt là FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) và GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC).
Trong báo cáo, ủy ban đề nghị các công ty chứng khoán phải nêu rõ các nội dung gồm: dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của tất cả các tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty, và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay giao dịch ký quỹ tương ứng theo từng mã chứng khoán. Ủy ban đính kèm mẫu để các công ty thực hiện theo.
Toàn bộ nội dung trên phải gửi về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày 8/4 và gửi file điện tử về hòm thư của Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán.
Về diễn biến giao dịch, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán (29/3), các cổ phiếu "họ FLC" đồng loạt giảm sàn, mất thanh khoản.
Ngay sau đó, tại hai phiên ngày 30/03/2022 và 31/03/2022, cổ phiếu FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ tương đương khoảng 1% khối lượng khớp trong các phiên giao dịch khác.
Bất ngờ, sang đến phiên 1/4, xuất hiện lượng giao dịch đột biến gấp 100 lần so với các phiên kế trước, với hơn 100 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh trực tiếp trên sàn, tương đương gần 1.050 tỉ đồng được "sang tay". Với cú đảo chiều này, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bán được cổ phiếu, cắt lỗ.
Ngay lập tức, tập đoàn FLC đã đề nghị UBCK và HOSE áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019 bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp: tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy vậy, đề nghị này đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng xem xét.
Đến thời điểm hiện tại cổ phiếu "họ FLC" vẫn giao dịch bình thường với phiên ngày 5/4 chìm trong "chảo lửa" rớt giá.
Hiện nay nhiều nhà đầu tư tiếp tục lo lắng và trấn an nhau về nỗi lo cổ phiếu "họ FLC", khi vừa hay tin cơ quan điều tra khởi tố bà Trịnh Thị Thúy Nga - em ruột ông Trịnh Văn Quyết - để điều tra hành vi giúp sức thao túng giá cổ phiếu. Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bà Nga là phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS.