Xuất nhập khẩu bước qua năm "hồi hộp"
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 12/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,63 tỷ USD, tăng 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,03 tỷ USD, tăng 1,9%.
Trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%.
Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của nước ta, với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 836 triệu USD (năm trước nhập siêu 2,7 tỷ USD).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, giảm 0,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,7%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,36 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, tăng 3,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười Hai giảm 8,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,1%.
Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%.
Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ ASEAN 13,6 tỷ USD, tăng 10,6%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tỷ trọng bằng năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,7%, giảm 1,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, tỷ trọng bằng năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.
Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 30,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 41,9 tỷ USD.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 145,2% so với năm 2021; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm trước.
Mới đây, Bộ Công Thương nhìn nhận, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ 2 thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó.
Khó khăn đáng kể nhất mà hoạt động xuất khẩu đang gặp phải chính là thị trường bị thu hẹp. Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của ta sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đông Á… do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2615/QĐ-BCT phê duyệt danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021. Trên cơ sở đề xuất của 54 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, sở công thương tỉnh, thành phố), Bộ Công Thương đã xét chọn được 281 doanh nghiệp (tương đương với 289 lượt doanh nghiệp theo 27 ngành hàng).