Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải
Theo quy định tại Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kể từ ngày 1/1/2025, xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.
Việc kiểm định khí thải sẽ được thực hiện tại các cơ sở kiểm định đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sẽ do đăng kiểm viên của cơ sở đăng kiểm thực hiện và cấp giấy chứng nhận kiểm định. Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở kiểm định khí thải xe máy, cũng như quy trình kiểm định và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất, kỹ thuật của đơn vị kiểm định.
Theo thống kê, đến nay cả nước đã có khoảng 69,2 triệu xe máy đăng ký và 45,5 triệu xe lưu hành. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, xe máy chiếm tới 84-91% trong tổng số phương tiện giao thông và dự báo sẽ vẫn là phương tiện cá nhân phổ biến trong giai đoạn 2025-2030. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường đô thị.
Kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe máy tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm tuổi đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải, và xe trên 10 năm tuổi có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm chiếm tới 59-72% tổng số xe máy tại 3 thành phố này.
Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm định khí thải xe máy sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nếu người sử dụng bảo dưỡng xe định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm 7% mức tiêu hao nhiên liệu. Nếu áp dụng trên diện rộng, như tại Hà Nội với hơn 6,1 triệu xe máy, mỗi năm sẽ tiết kiệm được gần 62 triệu lít xăng, tương đương hơn 1,8 nghìn tỷ đồng chi phí nhiên liệu.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát khí thải xe máy còn giúp giảm 35,55% lượng CO và 40% lượng HC phát thải, góp phần cải thiện chất lượng không khí, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn.